Cấp bách bảo tồn khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/5/2013 | 3:07:26 PM

YBĐT - Ở xã Nà Hẩu hiện có tới 93 hộ dân được cấp “sổ đỏ” vào diện tích KBT. Nhiều hộ được cấp sổ đỏ từ năm 2001 đến nay không trồng rừng mà chỉ trồng lúa nương, ngô, sắn ngay trong “lõi rừng”, cứ mỗi năm lại phát trộm vào rừng tự nhiên KBT một vài mét.

Một hộ dân ở thôn Ba Khuy, xã Nà Hẩu làm nhà ở, sản xuất nương rẫy ngay trong “lõi rừng” Khu bảo tồn.
Một hộ dân ở thôn Ba Khuy, xã Nà Hẩu làm nhà ở, sản xuất nương rẫy ngay trong “lõi rừng” Khu bảo tồn.

Sau hơn 6 năm thành lập, Khu bảo tồn (KBT) thiên nhiên Nà Hẩu, Ban Quản lý KBT, UBND các xã trong KBT đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều “kênh” khác nhau để nâng cao nhận thức cho người dân 4 xã trong KBT và các xã lân cận. Song, một thực tế vẫn tồn tại chưa thể khắc phục được là tình trạng người dân, lâm tặc vẫn lén lút khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, phát lấn rừng trong KBT làm nương rẫy. Điển hình là ở xã Nà Hẩu hiện có tới  93 hộ dân được cấp “sổ đỏ” để sản xuất lâm nghiệp vào diện tích thuộc KBT, gây không ít khó khăn cho các lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng tại đây.

Đã lâu chúng tôi mới có dịp lên thưởng ngoạn cảnh đẹp của rừng tự nhiên xã Nà Hẩu (Văn Yên). Đường từ xã Đại Sơn lên Nà Hẩu trước đây chỉ đi bộ qua khe, rồi leo rừng lên, nay đã rải cấp phối và bê tông hóa cơ bản xong, chỉ còn vài trăm mét đường trong rừng giáp địa bàn xã hơi lầy lội, xe máy đi trời mưa phải khênh hoặc đẩy mới qua được. Cánh rừng tự nhiên của Nà Hẩu rộng hơn 4.000ha sẽ xanh ngút ngàn và trải rộng nếu như không có những mảnh nương ngô, lúa, sắn, rừng quế, bồ đề... của các hộ dân sản xuất liền kề với rừng tự nhiên, thậm chí một số hộ dân còn làm cả nhà ở, sản xuất nương rẫy ngay trong “lõi rừng” của KBT.

Điều đáng buồn hơn là qua quan sát, chúng tôi  không còn thấy những cây gỗ đường kính từ 1 - 1,5m đứng sừng sững ngay gần đường đi vào xã như trước nữa.

- Này anh, những cây gỗ rất to như: phay sừng, gội, de... ngay gần đường đi đâu hết rồi? - Tôi hỏi.

- Một số cây do mưa gió đổ gẫy, một số cây bị lâm tặc dùng cưa máy hạ gục rồi... - Anh Nguyễn Xuân Quyến - Trạm trưởng Trạm Kiểm Lâm Đại Sơn, Hạt Kiểm Lâm huyện Văn Yên đáp.

- Có lẽ việc quản lý sản xuất nương rẫy ở đây rất khó khăn?

- Vất vả lắm anh ạ. Riêng xã Nà Hẩu, Hạt Kiểm lâm huyện bố trí 4 cán bộ kiểm lâm gồm 3 biên chế, 1 hợp đồng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Vào mùa sản xuất nương rẫy, cán bộ kiểm lâm địa bàn phối hợp với các tổ bảo vệ rừng đi tuần tra tới 5 - 6 lần, ngủ cả trong rừng vài đêm để ngăn chặn các hộ dân không phát nương lấn vào rừng nhưng vẫn không thể triệt để được. Khi tổ tuần tra đi qua có hộ vẫn phát lấn vào rừng một vài mét, rất khó quản lý, vì ở xã Nà Hẩu hiện có tới 93 hộ dân được cấp “sổ đỏ” vào diện tích KBT.

Nhìn vào bản thống kê các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng (BVVPTR) từ năm 2010 đến tháng 4/ 2013 tại 4 xã thuộc KBT thiên nhiên Nà Hẩu của Trạm Kiểm lâm Đại Sơn càng buồn hơn. Năm 2010, trên địa bàn 4 xã KBT thiên nhiên Nà Hẩu xảy ra  19 vụ vi phạm Luật BVVPTR, trong đó xã Nà Hẩu 12 vụ, Mỏ Vàng 4 vụ, Đại Sơn 2 vụ và Phong Dụ Thượng 1 vụ.

Điều kỳ lạ là trong 19 vụ vi phạm có 7 vụ khai thác lâm sản trái phép, 6 vụ ở Nà Hẩu, 1 vụ ở Phong Dụ Thượng nhưng lực lượng kiểm lâm và lực lượng chức năng KBT không bắt được đối tượng nào. Năm 2011, KBT thiên nhiên Nà Hẩu xảy ra  6 vụ vi phạm Luật BVVPTR, Nà Hẩu 2 vụ, một vụ cất giấu và một vụ khai thác lâm sản trái phép (đều vô chủ); Phong Dụ Thượng 3 vụ cất giấu lâm sản trái phép (vô chủ)...

Năm 2012 và 4 tháng đầu năm 2013, trên địa bàn các xã thuộc KBT thiên nhiên Nà Hẩu xảy ra  9 vụ vi phạm Luật BVVPTR, riêng năm 2012 xảy ra 8 vụ, Hạt Kiểm lâm huyện Văn Yên đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện khởi tố hình sự 2 vụ vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng tại xã Mỏ Vàng và xã Nà Hẩu; khởi tố hình sự 1 vụ về tội hủy hoại rừng tại xã Phong Dụ Thượng.

Trong 3 vụ án này, đáng lưu ý là vụ Giàng A Thào, sinh năm 1979 tại xã Suối Giàng (Văn Chấn), hiện đang trú tại thôn 1, xã Nà Hẩu. Thào có một vợ, hai con và đã có nhà riêng làm bằng gỗ tốt, 3 gian, 2 chái,  lợp mái tôn ở thôn 1, xã Nà Hẩu, song vẫn lén lút vào rừng tự nhiên khai thác gỗ trái phép với lý do “về làm nhà ở”.

Sáng ngày 30/1/2012, Thào đi đến khu Bãi Bằng, tiểu khu 179 là rừng đặc dụng (KBT thiên nhiên Nà Hẩu) thuộc thôn 1, xã Nà Hẩu dùng cưa máy hạ  gục 1 cây gỗ phay thuộc nhóm VI. Đến 17 giờ cùng ngày, Thào tiếp tục dùng cưa máy hạ tiếp 1 cây phay ở cách cây hạ buổi sáng khoảng 30m. Hôm sau, Thào nhờ một số người dân trong xã lên giúp cắt 2 cây gỗ ra xẻ cột nhà thì bị  tổ tuần tra bảo vệ rừng xã Mỏ Vàng (Văn Yên) phát hiện, lập biên bản tại hiện trường.

Qua kết quả điều tra xác minh của các cơ quan chức năng huyện Văn Yên, Giàng A Thào đã khai thác trái phép 2 cây gỗ phay tại rừng đặc dụng, tiểu khu 179, thôn 1 xã Nà Hẩu có khối lượng gỗ tròn là 32,907m3, trị giá 46.451.500 đồng. Với những chứng cứ phạm tội không thể chối cãi, Thào đã bị Tòa án nhân dân huyện Văn Yên xử phạt 2 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”.

Anh Nguyễn Xuân Quyến - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Đại Sơn cho biết thêm: “Khó khăn nhất đối với cán bộ kiểm lâm làm nhiệm vụ tại Trạm là việc quản lý, bảo vệ rừng tại Nà Hẩu. Vì rừng tự nhiên ở Nà Hẩu rộng, người dân trong và ngoài xã vẫn lén lút vào rừng khai thác trái phép gỗ về sử dụng, nhiều hộ dân vẫn sản xuất nương rẫy giáp với rừng tự nhiên nên nguy cơ cháy rừng rất cao”.

Xã Nà Hẩu hiện có tới 93 hộ dân được UBND huyện Văn Yên cấp “sổ đỏ”, mục đích  sản xuất lâm nghiệp nằm trong diện tích của KBT với tổng diện tích là 223,6ha. Nhiều hộ được cấp sổ đỏ từ năm 2001 đến nay không trồng rừng mà chỉ trồng lúa nương, ngô, sắn ngay trong “lõi rừng”, cứ mỗi năm lại phát trộm vào rừng tự nhiên KBT một vài mét.

Song, khi phát hiện thì UBND xã và Hạt Kiểm lâm huyện cũng chỉ được phép xử phạt hành chính, có vụ vượt quá thẩm quyền, chuyển UBND huyện phạt vài chục triệu, nhưng cũng khó thi hành vì hộ dân vi phạm không có tiền nộp phạt. Tính riêng năm 2010, trên địa bàn xã Nà Hẩu đã có 5 người dân là: Sùng Thị Giàng, Giàng A Lồng, Mua Thị Sâu, Mua A Hành, Sùng A Dũng sản xuất nương rẫy phát lấn vào rừng đặc dụng 2.410m2.

 

Cán bộ kiểm lâm Văn Yên và tổ bảo vệ rừng thôn 3 tuần tra bảo vệ rừng Nà Hẩu.

Tìm hiểu về những bất cập trong việc cấp sổ đỏ vào KBT thiên nhiên Nà Hẩu (thuộc xã Nà Hẩu), chúng tôi đến hộ gia đình anh Ly A Thái, ở thôn 3, xã Nà Hẩu - là 1 trong 93 hộ dân ở xã Nà Hẩu được cấp “sổ đỏ” để sản xuất lâm nghiệp. Anh Thái vui vẻ mở két sắt, tìm “sổ đỏ” (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) số: 00229/QSDĐ/QĐ-UB do UBND huyện Văn Yên cấp ngày 05/11/2001, diện tích 3,5ha, thửa 57, tờ bản đồ F48, C-a-3, mục đích sử dụng: đất lâm  nghiệp, thời hạn sử dụng đến năm 2050. Anh Thái hiện là tổ phó tổ bảo vệ rừng thôn 3, xã Nà Hẩu.

Diện tích 3,5ha của anh Thái được giao nằm giáp ranh với thôn 4 trong xã, chủ yếu nằm trong “lõi rừng”, nhưng từ khi được giao đất đến nay, gia đình anh chỉ trồng lúa nương, trồng ngô, năm 2012, trồng sắn thu về được trên 20 triệu đồng. Năm nay đất bạc màu, gia đình anh không trồng sắn nữa để cho “đất nghỉ”, gieo ươm hạt quế, sang năm 2014 trồng rừng.

93 hộ được cấp “sổ đỏ” nằm trong diện tích KBT ở Nà Hẩu đều ở thôn 2, thôn 3 và thôn 4. Hộ ít nhất, gia đình ông Vừ A Chúng ở thôn 3, được cấp 1ha, hộ nhiều như: Giàng A Vàng, ở thôn 2, được cấp 5ha; Giàng A Páo, ở thôn 3, được cấp 6ha; nhiều nhất là ông Giàng Văn Quán, ở thôn 3, được cấp 7,5ha…

 

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nằm trong Khu bảo tồn của hộ anh Ly A Thái.

Đến nay, đa số các hộ này vẫn chưa trồng rừng, mà chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trồng ngô, sắn, lúa nương nên mỗi khi thu hoạch xong, nhìn vào những mảnh nương giáp rừng tự nhiên và những mảnh nương trong “lõi rừng” thật phản cảm! Theo quy định: “Trong các KBT thiên nhiên, không được cấp “sổ đỏ” cho các hộ dân sản xuất vào diện tích thuộc KBT và có hoạt động sản xuất nương rẫy, trồng những cây lâm nghiệp không đúng chủng loại...”.

Song, do điều kiện đất sản xuất nông nghiệp ở Nà Hẩu chỉ có 67ha, vụ xuân chỉ gieo cấy được 56ha do nhiều diện tích không có nước, xã lại có gần 2.000 nhân khẩu nên để đảm bảo đời sống cho nhân dân trong xã, năm 2001, UBND Văn Yên đã cấp “sổ đỏ” cho các hộ dân trong xã để sản xuất nông- lâm nghiệp (trước khi thành lập KBT thiên nhiên Nà Hẩu). Do vậy, việc UBND huyện Văn Yên cấp “sổ đỏ” cho 93 hộ dân ở xã Nà Hẩu vào diện tích KBT thiên nhiên Nà Hẩu là việc làm khách quan vì ngày 19/10/2006, UBND tỉnh Yên Bái ra Quyết định số 512/QĐ-UB của UBND tỉnh về việc thành lập KBT thiên nhiên Nà Hẩu với tổng diện tích 16.950ha thuộc địa bàn 4 xã của huyện Văn Yên gồm: Nà Hẩu, Mỏ Vàng, Đại Sơn và Phong Dụ Thượng.

KBT thiên nhiên Nà Hẩu được thành lập đi vào hoạt động hơn 6 năm, Ban quản lý KBT, các tổ, đội bảo vệ rừng KBT đã được thành lập..., kinh phí của Nhà nước đầu tư cho việc bảo tồn trong những năm qua cho Khu lên tới hàng tỷ đồng. Tuy vậy, những cánh rừng trong KBT thiên nhiên Nà Hẩu vẫn bị lâm tặc tàn phá, một số loài động vật bị săn bắt nguy cơ tuyệt chủng, nhiều hộ dân vẫn ở trong “lõi rừng” thuộc KBT sản xuất nương rẫy làm cho cảnh quan, môi trường bị hủy hoại…

Thiết nghĩ, để bảo vệ tốt hơn diện tích rừng tự nhiên và các loài động vật, thực vật trong KBT thiên nhiên Nà Hẩu, trước hết Hạt Kiểm lâm Văn Yên và Ban quản lý KBT, UBND 4 xã trong KBT, các tổ bảo vệ rừng… cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát giữ rừng ngay tại gốc; tăng cường công tác tuyên truyền lồng ghép vào các buổi sinh hoạt thôn, bản để nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân; tổ chức hội nghị quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng liên vùng (giữa các xã trong KBT với các xã giáp ranh của huyện Văn Yên và các xã giáp ranh thuộc các huyện phía Tây của tỉnh).

Đặc biệt phải có biện pháp xử lý mạnh tay hơn với các đối tượng khai thác gỗ trái phép, phát nương rẫy lấn vào rừng, nếu hộ nào đã được cấp “sổ đỏ” mà còn phát lấn vào rừng tự nhiên để sản xuất nương rẫy thì có thể thu hồi “sổ đỏ”… Như vậy, KBT thiên nhiên Nà Hẩu mới giữ được màu xanh và các loài động, thực vật sẽ lại phong phú đa dạng như xưa.

Ông Giàng Chẩn Phử - Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nà Hẩu:

Việc cấp “sổ đỏ” cho hơn 90 hộ dân trong xã vào diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu trước khi thành lập Khu bảo tồn đã tạo điều kiện cho nhân dân trong xã có thêm đất sản xuất, nâng cao đời sống. Nhưng không hiểu sao khi thành lập Khu bảo tồn các ngành không rà soát lại để có biện pháp thu hồi trước khi thành lập? Do vậy, việc quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn xã hiện nay rất khó khăn, phức tạp.

Tôi đề nghị Ban Quản lý Khu bảo tồn và các ngành chức năng của huyện cần sớm có biện pháp thu hồi “sổ đỏ” của các hộ được cấp vào trong “lõi rừng” đang sản xuất nương rẫy để tái sinh lại diện tích này và có sự hỗ trợ một lần cho các hộ di chuyển nhà ở trong “lõi rừng” và có diện tích được cấp “sổ đỏ” vào Khu bảo tồn để nhân dân ổn định sản xuất.

 Minh Hằng

Các tin khác
Các học viên trong buổi hành quân dã ngoại.

YBĐT - Tham gia Học kỳ quân đội (SIA) sẽ giúp các em rèn kỹ năng sống, tính tự lập, biết yêu thương bạn bè, cảm thông và biết chia sẽ với gia đình, rèn luyện tính năng động, nâng cao khả năng tự nhận thức và cảm quan về cuộc sống, biết quan tâm, chia sẻ với những người khác và đặc biệt hơn khi tham gia chương trình này các em sẽ được sống và làm việc như một người lính thực thụ.

Ngư dân chuẩn bị vó đèn để khai thác thủy sản trên hồ Thác Bà.

YBĐT - Thành phố nổi" - cụm từ này được những ngư dân sinh sống quanh khu vực hồ Thác Bà thường dùng để nói về khu vực tập trung của những chiếc vó đèn đánh bắt các loại cá. Với mức siêu lợi nhuận mà hình thức đánh bắt này đem lại, năm 2012, ngư dân vùng hồ Thác Bà đã ồ ạt đầu tư vào vó đèn...

Người dân tiếp tục phá chè trồng rừng.

YBĐT - Để người nông dân không quay lưng với cây chè, để cây chè thực sự là cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu, để có thể duy trì vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất công nghiệp, vấn đề mấu chốt là phải nâng cao hiệu quả kinh tế của cây chè, giúp người nông dân có thể sống, có thu nhập cao từ cây chè.

Được học ở trường chuyên là mơ ước của rất nhiều học sinh trước cánh cửa hành trang vào đời.

YBĐT - Phải học trường “chuyên” là “mệnh lệnh” của anh Trần Mạnh Hưng ở phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái) đưa ra đối với Thắng - cậu con trai đang học lớp 9. Nghe ở đâu có “lò” hoặc có thầy cô nào luyện thi tốt, Thắng đều được cha mẹ xin vào học cho bằng được.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục