Làm đường: Dân thuận, dân lợi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/11/2013 | 3:02:06 PM

YBĐT - Trong điều kiện nguồn lực dành cho phát triển GTNT đang rất khó khăn, thì huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã định hướng cho các xã, thị trấn xây dựng nền móng của các tuyến đường đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa cấp bách của người dân, phù hợp với tiêu chí của nông thôn mới. Đây là một chủ trương đúng đắn để khi có nguồn lực thì nhanh chóng bê tông hóa một cách thuận lợi.

Người dân xã Thanh Lương tham gia làm đường GTNT.
Người dân xã Thanh Lương tham gia làm đường GTNT.

Văn Chấn xác định, trong điều kiện kinh phí đầu tư của Nhà nước còn khó khăn, đời sống nhân dân còn nghèo nhưng huyện phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp nguồn lực, chung sức, chung lòng, tận dụng nguyên vật liệu tại chỗ như cát, đá, sỏi để xây dựng các công trình giao thông nông thôn (GTNT) theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, thực  hiện khẩu hiệu "đường ta, ta làm, ta đi". Nhờ đó mà những năm gần đây, công  tác phát triển GTNT ở Văn Chấn đã có những kết quả tích cực, diện mạo các vùng nông thôn có nhiều đổi thay. 

Là một địa phương có nhiều vùng nguyên liệu tập trung ở các khu vực nông thôn như vùng chè, vùng cam, ngô, rừng kinh tế và tới đây là cao su thì GTNT có vai trò đặc biệt quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh  tế ở các vùng nguyên liệu. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX xác định, muốn có một nền kinh tế phát triển dựa trên ưu thế sẵn có của một huyện miền núi, muốn xóa được đói, giảm được nghèo thì trước tiên phải ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là phát triển mạng lưới GTNT. Giá trị sản phẩm người lao động làm ra cao hay thấp phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống GTNT.

Đồng thời, phát triển GTNT làm cho khoảng cách giữa các vùng xích lại gần nhau, thuận lợi cho giao thương, trao đổi hàng hóa. Xuất phát từ chủ trương đó, năm 2006, Văn Chấn có nghị quyết chuyên đề về phát triển GTNT. Tùy theo điều kiện của từng khu vực, bình quân mỗi năm Văn Chấn làm được 45km đường cấp phối, 29km đường bê tông, 50km đường đất mở mới. Làm đường, dân thuận thì dân lợi, do vậy, chỉ trong 10 tháng năm 2013, nhân dân trong huyện đã đóng góp 19 tỷ đồng, tương đương với 195.510 ngày công lao động cho công tác làm đường giao thông; trong đó có 6 tỷ đồng đóng góp bằng tiền mặt, còn lại chủ yếu là công khai thác vật liệu làm đường.

Ông Trần Hữu Sính - Trưởng Phòng kinh tế và Hạ tầng huyện Văn Chấn cho biết: "Bằng nhiều nguồn lực, 10 tháng năm 2013, Văn Chấn đã bê tông được 30km đường, mở mới 52km, rải cấp phối 49km, tu sửa đường liên thôn bản 237km. Nguồn lực cho phát triển GTNT trước đây cũng như hiện nay khi tỉnh đã có Đề án phát triển GTNT thì vẫn rất eo hẹp. Do vậy, để đạt được kết quả đó, quan điểm chỉ đạo của chúng tôi là vẫn phải dựa vào sức dân, mà mấu chốt để người dân đồng thuận, phát huy sức mạnh đoàn kết cùng đóng góp ngày công lao động, hiến đất, đóng tiền, đó là tuyên truyền, vận động".

Phúc Sơn là xã có phong trào làm đường khá nổi. Trong 3 năm trở lại đây, mỗi năm xã bê tông hóa được trên 1km đường. Có những thôn, bản người dân tự đóng góp 100% tiền, công lao động để làm đường bê tông như nhân dân Bản Hán. Không chỉ có vậy, nếu đường đi vào đất của dân thì họ sẵn sàng hiến toàn bộ để làm đường.

Ông Phùng Văn Đồng - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: "Đường từ xã vào các thôn bản có 7,2km, trong đó đã bê tông được 3,4km. Trong điều kiện nguồn lực dành cho bê tông hóa mặt đường không nhiều, xã đã chủ trương vận động nhân dân tự mở đường và rải cấp phối, tranh thủ các chương trình khác như Chương trình135 đưa vào có thể bê tông hóa ngay".

Văn Chấn có 140km quốc lộ chạy qua 16 xã, thị trấn; 42km đường tỉnh, 116km đường huyện đến trung tâm các xã và 750km đường từ trung tâm các xã đến thôn, bản. Qua nhiều năm phát triển, đến nay 31/31 xã, thị trấn của huyện có đường ô tô đến trung tâm xã. Như vậy, mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện cơ bản được khép kín, các tuyến đường dần được cải tạo, nâng cấp, mở rộng, bước đầu phục vụ hiệu quả nhu cầu giao lưu hàng hóa, đi lại của nhân dân. Tuy nhiên, Văn Chấn vẫn còn nhiều xã, thôn bản đời sống người dân rất khó khăn, công tác phát triển GTNT sẽ vẫn phải đối mặt nhiều gian nan.

Theo Đề án phát triển GTNT của tỉnh, giai đoạn 2011 - 2015 tỉnh sẽ kiên cố hóa 400km, với tổng nguồn vốn 440 tỷ đồng. Nếu chia bình quân cho 9 huyện thị, thành phố thì mỗi địa phương chỉ được chưa đầy 50km. Bởi vậy, trong điều kiện nguồn lực dành cho phát triển GTNT đang rất khó khăn, thì huyện Văn Chấn đã định hướng cho các xã, thị trấn xây dựng nền móng của các tuyến đường đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa cấp bách của người dân, phù hợp với tiêu chí của nông thôn mới. Đây là một chủ trương đúng đắn để khi có nguồn lực thì nhanh chóng bê tông hóa một cách thuận lợi.

Bên cạnh đó, Văn Chấn cần kêu gọi thêm các nguồn lực của các tổ chức phi chính phủ, sự đóng góp của doanh nghiệp, cán bộ, nhân dân trong toàn huyện để đẩy nhanh tiến độ “Như” đường GTNT đến những vùng khó khăn.

Anh Dũng

Các tin khác
Hội viên Chi hội Cựu chiến binh thôn Đào Kiều 1 và nhân dân tham gia vệ sinh đường làng ngõ xóm tạo cảnh quan sạch đẹp.

Xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm mục tiêu phấn đấu chỉ số hạnh phúc của người dân trong xã năm 2024 đạt 74% trở lên; trong đó chỉ số hài lòng về cuộc sống đạt 61%, chỉ số hài lòng về tuổi thọ trung bình đạt 81%, chỉ số đánh giá tác động của môi trường nơi đang sinh sống 68%.

Giao lưu “Nét chữ - Nết người” cấp huyện Văn Chấn năm 2024 được tổ chức ngày 17/4 tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện. Ảnh minh họa.

Yên Bái đã đạt được sự thành công đáng kể trong việc xây dựng trường học hạnh phúc dựa trên tư tưởng và triết lý giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ vào việc vận dụng các nguyên tắc và giá trị tư tưởng của Người, Yên Bái đã tạo ra môi trường giáo dục thân thiện, khuyến khích sự phát triển toàn diện của học sinh và góp phần vào sự nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân.

Nhân dân xã Minh Tiến đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hoá tập trung.

Là huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh với phần lớn dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) của Lục Yên những năm qua đã đạt được nhiều kết quả thiết thực với nhiều cách làm hay.

Tuyến đường liên xã Liễu Đô - Vĩnh Lạc - Minh Tiến (Lục Yên) được nâng cấp giúp các địa phương trên tuyến nâng cao chất lượng tiêu chí về cơ sở hạ tầng trong xây dựng NTM.

Theo bộ tiêu chí mới về nông thôn mới (NTM) cấp xã giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái có 89/150 xã hoàn thành 19 tiêu chí, đạt 59,33%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục