Thanh Lương phát huy nội lực xây dựng nông thôn mới
- Cập nhật: Thứ ba, 25/2/2014 | 8:57:20 AM
YBĐT - Nằm trong cánh đồng Mường Lò phì nhiêu nhưng kinh tế địa phương chậm phát triển, đời sống nhân dân khó khăn song một vài năm trở lại đây, xã Thanh Lương, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã biết phát huy nội lực, thúc đẩy kinh tế phát triển, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới toàn diện.
Cần đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng để tăng năng suất lao động cũng như chất lượng sản xuất.
|
Chủ tịch UBND xã Trịnh Xuân Thành hồ hởi cho biết: “Tuy chưa phải là xã giàu nhưng trong một vài năm trở lại đây Thanh Lương đã có một diện mạo mới. Quan trọng hơn là người dân đã biết phát huy nội lực, áp dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất và sản xuất những gì mà thị trường cần. Đó là cơ sở để Thanh Lương đi lên trong những năm tiếp theo”.
Quả thật, một trong những nguyên nhân dẫn tới người dân nông thôn vùng Mường Lò nghèo là chưa thay đổi được tư duy, từ manh mún, lạc hậu đi lên sản xuất lớn. Cũng một thời người dân Thanh Lương trong tình trạng như vậy. Trước thực trạng đó, Đảng bộ, chính quyền xã đã xây dựng những nghị quyết chuyên đề về phát triển cây lúa, cây vụ đông và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Đối với 168ha lúa nước, xã vận động nhân dân đưa các giống lúa thuần, lúa chất lượng cao vào sản xuất, thay thế các giống cũ tạo năng suất chất lượng cao. Song song với đó là phối hợp với các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn để vừa có tư liệu sản xuất, vừa có điều kiện đầu tư thâm canh; phối hợp với các ngành chuyên môn, nhất là lực lượng khuyến nông vận động hướng dẫn bà con thay đổi phương pháp canh tác truyền thống sang áp dụng phương pháp gieo cấy SRI (phương pháp canh tác lúa sinh thái và hiệu quả, tăng năng suất, giảm chi phí đầu vào).
Từ vài héc-ta ban đầu, đến nay toàn xã đã có hơn 120ha canh tác theo phương pháp SRI, nhờ vậy năng suất chất lượng nâng lên, nay đã đạt trên 120 tạ/ha.
Không chỉ thay đổi phương pháp gieo cấy mà cơ cấu giống cũng được chuyển dịch rõ nét, nếu như các địa phương khác tỷ lệ giống lúa lai luôn chiếm 60-70% diện tích thì Thanh Lương đã giảm chỉ còn chưa đầy 20%. Lý do giảm diện tích lúa lai được người dân nơi đây lý giải, tuy năng suất có cao hơn nhưng chất lượng và giá trị lại thấp hơn rất nhiều nên bà con đưa lúa chất lượng cao vào gieo cấy.
“Sản xuất nông nghiệp hôm nay phải lấy giá trị kinh tế làm thước chứ đâu cứ phải thóc lắm gạo nhiều mà đã giàu!” - lão nông tri điền Hà Trọng Đính ở bản Khá Hạ bảo vậy.
Cùng với phát triển cây lúa, nhân dân trong xã còn phát triển khá mạnh cây vụ đông, vụ đông này toàn xã đưa vào gieo trồng 165ha đạt gần 100% diện tích. Đáng chú ý là bà con đã đưa được 20ha giống ngô PAC 339 vào gieo trồng, đây là giống ngô mới cho năng suất bình quân 8 tấn/ha, gấp đôi những giống ngô khác, không chỉ có vậy mà lá và thân còn làm thức ăn cho gia súc trong những ngày đông giá rét. Bên cạnh đó, bà con còn đưa vào nuôi hơn hai chục héc-ta cá ruộng mang lại hiệu quả rất cao. Chỉ tính riêng vụ đông này nhân dân trong xã cũng thu trên một tỷ đồng, góp phần không nhỏ trong xóa đói giảm nghèo.
Tuy là địa phương không có lợi thế về đồng cỏ nhưng nhân dân trong xã cũng rất tích cực chăn nuôi gia súc, gia cầm, tổng đàn trâu của xã luôn đạt trên 200 con, lợn thì gia đình nào cũng có hàng chục con, có 2 hộ chăn nuôi với quy mô trên 100 con. Từ một xã nghèo, hôm nay Thanh Lương đã có nhiều đổi thay, điện đường, trường, trạm được xây dựng khang trang, số hộ đói đã không còn, số hộ nghèo giảm nhanh theo mỗi năm và đã mang dáng dấp của một xã nông thôn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thanh Lương vẫn còn nhiều điều trăn trở. Dẫu bà con nông dân đã có một tư duy mới trong sản xuất, nhưng Thanh Lương là một xã thuần nông, do đó không thể phát triển, không thể giàu có được nếu chỉ sản xuất theo phương pháp thủ công và ruộng nương manh mún. Xã cần vận động bà con đổi ruộng cho liền ô liền thửa, đưa máy móc vào sản xuất vừa giải phóng sức lao động lại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bởi thực tế sản xuất cho thấy năng suất lúa của địa phương đã gần trần, bà con đã sản xuất hàng hóa nhưng rất nhỏ lẻ nên hiệu quả không cao.
Trong sản xuất vụ đông, bà con cũng cần liên kết với doanh nghiệp sản xuất rau màu giá trị kinh tế cao, chứ hiện nay mới chủ yếu là cây ngô nên thu nhập cũng chỉ trên dưới 30 triệu đồng/ha. Với mức thu này, sau trừ chi phí, công lao động lờ lãi chẳng đáng là bao. Song song với sản xuất nông nghiệp, cần phải phát triển các ngành nghề phụ tận dụng lao động lúc nông nhàn.
Phát huy tốt tiềm năng thế mạnh, giải quyết tốt những hạn chế, tồn tại chắc chắn Thanh Lương không chỉ xóa nghèo mà còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Thực hiện Chương trình giám sát năm 2013 của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Yên Bái, Thường trực HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát chuyên đề về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trong 2 năm (2011 và 2012) trên địa bàn tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định giao kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2014 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
YBĐT - Phong trào toàn dân chung sức xây dựng Nông thôn mới (NTM), đã được triển khai sâu rộng trên địa bàn toàn thị xã Nghĩa Lộ. Sự đổi thay từ trong nhận thức đến hành động của cấp ủy, chính quyền và người dân đang làm thay da đổi thịt những thôn, bản vốn còn nhiều khó khăn của 3 xã tham gia xây dựng NTM là: Nghĩa An, Nghĩa Lợi và Nghĩa Phúc.
Trong khoảng thời gian ngắn, quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại hơn 10.000 xã trên toàn quốc đã được hoàn thành với tỷ lệ đạt tới 93%. Vượt qua áp lực công việc để hoàn thành một khối lượng đồ án “khổng lồ” như vậy là những nỗ lực lớn của các địa phương cũng như sự tham gia phối hợp, chỉ đạo của các bộ ngành liên quan.