Bước chuyển nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ ba, 29/4/2014 | 2:27:48 PM

YBĐT - Lúa, ngô nối đuôi nhau chạy tít tắp thành hàng, thành lối; cơ giới hóa được đưa vào sản xuất giải phóng sức lao động, đường nhựa, đường bê tông chạy vào từng thôn; trạm xá, trường học xây dựng khang trang..., đó là bức tranh sinh động sau hơn ba năm thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Văn Chấn (Yên Bái).

Trung tuần tháng Tư, hàng ngàn héc-ta lúa trên cánh đồng Mường Lò đã bắt đầu đứng cái làm đòng xanh mướt một màu, những người nông dân cần mẫn bên những thửa ruộng.

Đứng giữa cánh đồng phì nhiêu, Trưởng phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Nguyễn Văn Toản khoát một vòng tay: Hầu như toàn bộ diện tích trên cánh đồng Mường Lò bà con gieo cấy lúa chất lượng cao làm hàng hóa.

Vụ xuân này, đầu vụ gặp rét đậm, rét hại gây khó khăn cho sản xuất nhưng với sự chỉ đạo kịp thời của huyện, sự nỗ lực của bà con, toàn bộ diện tích lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Cứ đà này bà con sẽ có một vụ lúa bội thu. Sản xuất nông nghiệp trong vài năm trở lại đây đã có sự chuyển biến từ tư duy tới hành động. Nông dân đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, biết đầu tư thâm canh, không lấy năng suất mà lấy giá trị kinh tế làm thước đo hiệu quả sản xuất.

Năm, bảy năm về trước, Văn Chấn loay hoay mãi không biết làm thế nào để xây dựng được những cánh đồng thu nhập 60 - 70 triệu đồng/ha thì nay đã có nhiều cánh đồng đạt 120 triệu đồng đến 130 triệu đồng. Sự chuyển biến rõ nét nhất là sau khi thực hiện chương trình xây dựng NTM... - ông Toàn khẳng định thêm.

Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, thực hiện chương trình xây dựng NTM, Văn Chấn đã vào cuộc với tinh thần cao nhất, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của chương trình...

Thông qua đó, người dân đã chung tay, chung sức cùng vào cuộc xây dựng NTM, cải thiện điều kiện sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần, xây dựng môi trường sống lành mạnh... nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Cái được rõ nét nhất là cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn được đầu tư khang trang, bộ mặt nông thôn ngày một đổi thay.

Trong 3 năm qua, toàn huyện đã bê tông hóa được 55,5km đường trục xã, trục thôn, nâng tỷ lệ đường đạt chuẩn lên 41,3%; mở mới 101,6km đường liên xã, liên thôn, rải cấp phối 127km, nâng tỷ lệ ngõ xóm không lầy lội đạt 47% chỉ tiêu Đề án xây dựng NTM. Kênh mương nội đồng được kiên cố hóa đạt 385km, tỷ lệ đạt chuẩn 44%; lắp đặt thêm 16 trạm biến áp, thay thế đường dây tải điện 3,5KV, 0,4 KV... đưa tỷ lệ hộ dùng điện lưới quốc gia lên 92%.

Song song với đó là sự đổi mới lớn về thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông - lâm nghiệp, tăng năng suất, giá trị trên mỗi héc-ta canh tác. Mỗi xã, mỗi địa phương chọn cho mình một hướng đi riêng, địa phương nào, xã nào có thế mạnh, thuận gì thì làm trước chứ không gò bó, rập khuôn.

Các xã Chấn Thịnh, Thanh Lương, Tân Thịnh và Nghĩa Tâm tập trung nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường; Sơn Thịnh, Sơn A chọn lĩnh vực văn hóa; Đại Lịch thì tập trung làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo; Phù Nham, Nghĩa Tâm... chọn phát triển giao thông nông thôn... Nhờ vậy, đến hết năm 2013 đã có 8 xã đạt 8 tiêu chí, 12 xã đạt từ 5 - 7 tiêu chí, 8 xã đạt 4 tiêu chí.

Xây dựng xã NTM nguồn vốn đầu tư của Nhà nước có hạn nên Văn Chấn đã biết huy động sức mạnh cộng đồng để phát triển. Trong 3 năm, huy động từ nguồn vốn lồng ghép, vốn từ các doanh nghiệp, vốn huy động trong dân được gần 46 tỷ đồng.

Trong đó nhân dân đóng góp trên 36 ngàn ngày công lao động, hiến trên 169.000m2 đất thổ cư, đất nông - lâm nghiệp, đất trồng cây lâu năm và chặt bỏ 2.749 cây xanh, dỡ bỏ hàng trăm mét tường rào để làm giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa.

Quan trọng hơn là đã khơi dậy được tinh thần đoàn kết trong nhân dân, người dân đã hiểu được xây dựng NTM không chỉ là đóng công sức mà phải cố gắng vươn lên trong phát triển kinh tế gia đình; các hộ khá giả hơn, giầu có hơn giúp công của, kiến thức và hướng dẫn các hộ nghèo cùng vươn lên trong cuộc sống.

Nhiều xã đã vận động nhân dân tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng giảm dần các cây, con năng suất, chất lượng thấp.

Bà Hoàng Thị Hà ở xã Đồng Khê đang thu hoạch nốt lứa cà chua cuối vụ dừng tay nói: “Trồng cà chua không xa lạ gì với người dân nông thôn chúng tôi nhưng trồng trong vụ đông thì mới bắt đầu được hai, ba vụ nay. Khi được cán bộ xã, thôn và cán bộ khuyến nông đến vận động trồng, gia đình cũng ngại vì sợ thất bại nên vụ đầu chỉ trồng thử 200m2. Không ngờ trồng cà chua lại dễ mà cho hiệu quả cao, từ đó đến nay vụ đông nào nhà tôi cũng trồng ổn định 3 sào cà chua, bình quân mỗi vụ thu 25 - 27 triệu đồng. Đến nay đã có hàng chục hộ dân trong xã trồng cà chua, mỗi vụ cung ứng cho thị trường hàng chục tấn”.

Không chỉ hình thành những tư duy mới trên đồng ruộng mà trong chăn nuôi cũng đã có nhiều mô hình chăn nuôi lợn, nuôi gà, trâu, bò mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn.

Từ cơ sở hạ tầng không ngừng được đầu tư xây dựng, chỉnh trang đã và đang đáp ứng cho phát triển đến những tư duy mới, ý thức mới, cách làm mới của người dân, đó là cơ sở để Văn Chấn về đích xây dựng NTM.

Ngọc Trúc

Các tin khác
Hội viên Chi hội Cựu chiến binh thôn Đào Kiều 1 và nhân dân tham gia vệ sinh đường làng ngõ xóm tạo cảnh quan sạch đẹp.

Xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm mục tiêu phấn đấu chỉ số hạnh phúc của người dân trong xã năm 2024 đạt 74% trở lên; trong đó chỉ số hài lòng về cuộc sống đạt 61%, chỉ số hài lòng về tuổi thọ trung bình đạt 81%, chỉ số đánh giá tác động của môi trường nơi đang sinh sống 68%.

Giao lưu “Nét chữ - Nết người” cấp huyện Văn Chấn năm 2024 được tổ chức ngày 17/4 tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện. Ảnh minh họa.

Yên Bái đã đạt được sự thành công đáng kể trong việc xây dựng trường học hạnh phúc dựa trên tư tưởng và triết lý giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ vào việc vận dụng các nguyên tắc và giá trị tư tưởng của Người, Yên Bái đã tạo ra môi trường giáo dục thân thiện, khuyến khích sự phát triển toàn diện của học sinh và góp phần vào sự nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân.

Nhân dân xã Minh Tiến đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hoá tập trung.

Là huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh với phần lớn dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) của Lục Yên những năm qua đã đạt được nhiều kết quả thiết thực với nhiều cách làm hay.

Tuyến đường liên xã Liễu Đô - Vĩnh Lạc - Minh Tiến (Lục Yên) được nâng cấp giúp các địa phương trên tuyến nâng cao chất lượng tiêu chí về cơ sở hạ tầng trong xây dựng NTM.

Theo bộ tiêu chí mới về nông thôn mới (NTM) cấp xã giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái có 89/150 xã hoàn thành 19 tiêu chí, đạt 59,33%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục