Thôn Phú Lâm được thành lập đầu năm 2019, trên cơ sở sáp nhập thôn 2 và thôn 3. Toàn thôn có 210 hộ với trên 700 khẩu. Những năm trước đây, sản xuất nông lâm nghiệp của Phú Lâm còn manh mún, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào cấy lúa, trồng ngô, trồng sắn, chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn.
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã Lâm Giang, Chi bộ, Ban Công tác Mặt trận thôn Phú Lâm đã chọn khâu đột phá nâng cao thu nhập cho người dân bằng cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa và sản phẩm chủ lực có giá trị, liên kết với thị trường để tiêu thụ sản phẩm.
Từ 240 ha đất sản xuất nông - lâm nghiệp, trong đó có 24 ha đất ruộng trồng lúa, còn lại là đất đồi, vườn tạp và đất trồng rừng, Phú Lâm đã tạo bước đột phá rõ nét trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng "đa cây, đa con".
Đất đồi, đất vườn tạp được cải tạo phát triển mạnh các giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao theo tiêu chuẩn VietGAP như: bưởi Diễn, bưởi da xanh, cam Vinh, nhãn chín muộn, ổi lê, chuối… Diện tích gieo cấy lúa nước được luân canh trồng cây vụ đông trên đất hai vụ lúa như: khoai tây, rau màu các loại. Phá thế độc canh cây lúa, một số hộ chuyển sang phát triển trang trại vườn - rừng - ao - chuồng theo hướng hàng hoá.
Là một đảng viên, ông Vũ Gia Biên đã mạnh dạn mở hướng đi mới cho kinh tế gia đình bằng việc cải tạo đất vườn tạp, san gạt đất đồi thấp để trồng các loại cây ăn quả có múi. Đến nay, gia đình ông có gần 600 gốc cây ăn quả, trong đó bưởi Diễn là 300 gốc, bưởi da xanh 70 gốc và cam Vinh 200 gốc. Năm 2019, ông Biên thu nhập từ bưởi Diễn và cam Vinh được 150 triệu đồng.
Bên cạnh chăn nuôi trâu, bò, lợn, tận dụng dưới tán cây ăn quả, người dân Phú Lâm phát triển các mô hình nuôi ong lấy mật, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hình thức bán chăn thả. Hiện, thôn có 40 hộ chăn nuôi gà, vịt có quy mô từ 400 con trở lên. Toàn thôn hiện có trên 400 con trâu, bò.
Ngoài diện tích lúa và rau màu, Phú Lâm có gần 10 ha cây ăn quả, 120 ha quế, mỡ, bồ đề và 80 ha sắn. Những người nông dân thôn Phú Lâm đã mạnh dạn chuyển đổi đất vườn tạp, đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Mô hình phát triển kinh tế mới này đã giúp nhiều hộ có thu nhập ổn định.
Tận dụng trục quốc lộ Yên Bái – Khe Sang đi qua, nhiều hộ dân đã đầu tư mở các loại hình dịch vụ như: vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp, vận tải, cung cấp hàng nông sản... Đời sống vật chất, tinh thần của người dân Phú Lâm ngày càng nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng, số hộ nghèo, cận nghèo năm 2020 giảm xuống còn 0,3%, số hộ khá giàu tăng lên chiếm trên 70% số hộ trong thôn.
Với phương châm: "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, người dân Phú Lâm đã hiến đất, góp tiền, đóng góp hàng nghìn ngày công lao động để kiên cố hóa trên 8 km đường giao thông. Đến nay, 100% tuyến đường trong thôn bê tông hóa, giúp nhân dân thuận tiện trong sản xuất và giao thương hàng hóa. Các cụm dân cư đã được bà con đầu tư công trình điện thắp sáng đường quê, góp phần đảm bảo an ninh trật tự.
Không ỷ lại vào Nhà nước, nhân dân trong thôn đã đóng góp gần 1 tỷ đồng xây dựng cây cầu dân sinh, đường sang khu sản xuất và khu nghĩa trang của thôn. Hàng tuần, các tổ chức đoàn thể trong thôn huy động đoàn viên, hội viên vệ sinh đường làng ngõ xóm, tu sửa đường giao thông nông thôn, bảo vệ môi trường, xây dựng làng xóm xanh - sạch - đẹp.
Về Phú Lâm những ngày này, cảm nhận sự đổi thay đang hiện hữu, những con đường bê tông trải dài nối liền các thôn xóm. Những ngôi nhà khang trang bên những vườn cây trái xanh tươi, trĩu quả, rực rỡ sắc hoa.
Kết quả hôm nay là động lực để cán bộ, đảng viên và nhân dân Phú Lâm tiếp tục đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để phát triển cao hơn, nâng cấp các tiêu chí, quyết tâm phấn đấu trở thành thôn nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2020.
Hồng Vân