“Cách mạng” ở Suối Giàng
- Cập nhật: Thứ tư, 29/6/2016 | 3:53:26 PM
YBĐT - Được coi như là Sa Pa của Yên Bái, ai đã từng đến Suối Giàng chắc không thể quên một vùng cao trong mây với những rừng chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi, với những người Mông chăm chỉ, thật thà.
Bản Pang Cáng hôm nay.
|
Suối Giàng hôm nay đang đổi thay từng ngày nhưng ít ai biết rằng, chỉ ít thời gian trước tại nơi đây đã diễn ra cuộc cách mạng xóa bỏ những hủ tục, tập quán lạc hậu, để xây dựng đời sống văn hóa mới như lời Bác Hồ từng căn dặn khi Người lên thăm Yên Bái.
Do vốn hiểu biết về văn hóa đồng bào Mông không nhiều nhưng tham vọng muốn thực hiện bài viết này, tôi phải điện “cầu cứu” Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Văn Chấn Trịnh Khắc Nghĩa. Nghe đề nghị của tôi anh Nghĩa bảo: “Ông không lo, tôi sẽ giới thiệu cho người dẫn đường bảo đảm như ý!”.
Vậy là một ngày tháng 6 đầy nắng, từ thành phố Yên Bái, vượt gần trăm cây số tôi lên Suối Giàng. Quãng đường từ Sơn Thịnh lên Suối Giàng thật ấn tượng, toàn dốc là dốc, chỉ dân đi phượt là thích, tuy nhiên bù lại hai bên đường xanh ngắt một màu của cây rừng, của chè và ngô. Đúng như lời Trưởng phòng Nghĩa, Sùng A Thông, cán bộ phụ trách văn hóa xã Suối Giàng, người Mông ở xã Cát Thịnh - người giúp tôi tìm hiểu trong chuyến đi này khá nhanh nhẹn và hiểu biết. Điều này được lý giải bởi sau câu chuyện, tôi mới biết, Thông đã tốt nghiệp Đại học Văn hóa hệ chính quy và đã có thời gian làm việc tại Trung tâm Văn hóa tỉnh.
Về vấn đề tôi cần tìm hiểu, anh thông tin ngay: “Người Mông rất tôn sùng và coi trọng nghi lễ thờ cúng tổ tiên, tổ chức ma chay chu đáo, cẩn thận. Thanh niên đến tuổi trưởng thành sẽ được người già truyền lại kinh nghiệm từ sớm để đề phòng khi ra đi, con cháu trong nhà biết cách làm ma chay theo đúng nghi lễ!”.
Không ai xác định được người Mông từ Mù Cang Chải, Trạm Tấu… đến định cư ở Suối Giàng từ khi nào, nhưng theo nhiều người ít nhất cũng phải năm, sáu đời. Sự không “định lượng” này cũng dễ lý giải bởi đối với bà con, biết được một vài đời đã khó vì gia phả, mồ mả của tổ tiên nhiều khi cũng bị mai một do tập quán di cư. Tuy nhiên, một điều có thể khẳng định, dù đi đâu nhưng những phong tục, tập quán trong đó có nhiều hủ tục thì không đổi, cứ truyền từ đời này sang đời khác!
Như khơi đúng nguồn, ông Sùng A Thào - Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã cho tôi biết: “Trước kia lạc hậu đấy! Khi có người mất, gia đình thường treo xác trong nhà để cúng cơm. Do quan niệm, làm đám ma càng lâu, mổ càng nhiều lợn, dê, bò, người chết sẽ có thêm nhiều của cải để khi về thế giới bên kia sẽ có cuộc sống sung túc, no đủ hơn, không phải chịu cảnh nghèo đói cơ hàn như khi còn sống. Vì vậy, cuộc sống đồng bào mình vốn khó khăn lại càng nghèo khó hơn!”.
Hủ tục của người Mông Văn Chấn nói chung và Suối Giàng nói riêng chỉ thực sự thay đổi hẳn khi Huyện ủy Văn Chấn chỉ đạo xây dựng Đề án “Vận động đồng bào Mông thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang” vào năm 2012. Nội dung Đề án chủ yếu là vận động đồng bào cho người chết vào áo quan, không tổ chức tang lễ kéo dài quá 36 tiếng, không bắn súng, không giết mổ nhiều trâu, bò trong đám tang, đám cưới...
Nói thì dễ, nhưng “chiến đấu” với hủ tục, tập quán là cuộc chiến với tư tưởng nên rất khó khăn! Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND xã, kiêm Phó Ban chỉ đạo Đề án của xã Giàng A Giao vẫn nhớ như in: “Họp triển khai Đề án thì bà con rất ủng hộ vì đây là việc làm thiết thực, giảm các thủ tục lạc hậu, rườm rà, tiết kiệm cho bà con, nhưng cái khó nhất là làm thế nào để vận động bà con thông được tư tưởng.
Ví dụ, trong đám ma, thổi kèn rất quan trọng, vì người Mông quan niệm những bài kèn là cách dẫn đường cho người chết về với tổ tiên. Trước, người chết không để trong quan tài thì thổi như vậy, nay để trong quan tài thì thổi dẫn thế nào! Để Đề án triển khai đạt kết quả, xã đã cử đoàn lên xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu để học tập, vì trên đó đã làm trước để về áp dụng”.
Phó ban chỉ đạo Đề án Giàng A Giao nhớ lại, chỉ sau học tập ở Trạm Tấu về được ít thời gian thì trong xã có người chết. Đó là trường hợp ông Vàng Tủa Giàng, ở thôn Bản Mới. Nhận được tin báo, anh Giao cùng đoàn công tác của xã lập tức lên ngay để vận động, làm công tác tư tưởng. “Mất một buổi nói chuyện đấy, khi trưởng dòng họ đồng ý, đám ma được diễn ra đủ nghi thức, nhưng người chết được đưa vào trong quan tài, không giết mổ nhiều trâu bò, không kéo dài nhiều ngày” - Phó chủ tịch Giao kể lại.
Vạn sự khởi đầu nan, “đầu xuôi đuôi lọt”, từ Bản Mới, đến Pang Cáng, Tập Lăng… tính từ thời điểm từ tháng 10/2012 đến tháng 11/2015, trên địa bàn xã có 49 trường hợp người Mông qua đời thì đều thực hiện theo tinh thần Đề án. Anh Giao khẳng định, khi bà con đã thông về tư tưởng thì tất cả các đám ma, đám cưới ở Suối Giàng hiện nay đã được tổ chức theo nếp sống mới. Thành công ở Suối Giàng là cơ sở để huyện Văn Chấn mở rộng Đề án cho người Mông Văn Chấn thực hiện.
Để chứng minh những đổi thay trong nếp sinh hoạt, tập quán của người Mông Suối Giàng là thật sự, tôi được Sùng A Thông đưa vào Pang Cáng - thôn đông dân nhất của Suối Giàng, với 145 hộ. Đúng là vùng cao hôm nay đã đổi thay khi đường nội bộ bản đã được bê tông hóa, ấn tượng hơn là cổng thôn được xây dựng khá to, đẹp. Pang Cáng là nơi hiếm hoi ở Suối Giàng còn giữ được những nét đơn sơ, thuần khiết trong phong tục văn hóa và kiến trúc Mông. Ngoài lợp Fibrô xi-măng, một số nếp nhà vẫn được lợp bằng gỗ pơmu, xung quanh nhà là những cây chè Shan tuyết cổ thụ trăm tuổi.
Trưởng thôn Pang Cáng Vàng A Hồ và cán bộ văn hóa xã, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đời sống văn hóa mới.
Trong ngôi nhà gỗ cột kê rộng rãi, nhưng ánh sáng lờ mờ đúng “chất” Mông, rót cho tôi chén nước trà Shan thơm ngát, Trưởng thôn Vàng A Hồ chậm rãi: “Nghĩ lại mới thấy bà con mình trước đây nhiều hủ tục lạc hậu quá, vừa mất vệ sinh, vừa tốn kém. Ông bố mình mất mổ 2 con trâu, 2 con bò, chưa kể lợn, gà!”.
Dù không chứng kiến tận mắt về chuyện ma chay trước kia của đồng bào nhưng chuyện của trưởng thôn Pang Cáng khiến tôi nghe mà… nổi da gà. Người chết vừa nằm xuống, súng kíp nổ như rang. Một con gà bị cắt nách móc lấy tim, gan để cúng, xác gà được đặt cạnh người chết nằm trên đất với ý nghĩa để dẫn đường cho người chết về cõi âm. Làm ma 2 - 3 ngày, thậm chí 5 - 7 ngày, người chết được treo, dựng… nhiều ngày, mùi tử khí và xác gà phân hủy tạo nên thứ mùi khủng khiếp, vậy mà anh em, con cháu vẫn phải vào khóc lóc, cúng cơm.
Không những mất vệ sinh, kinh tế cũng tốn kém. Nhà có điều kiện mổ hai, ba, thậm chí năm, sáu con trâu và hàng chục con lợn, nhà không có điều kiện cũng cố vay mượn để tổ chức. Nhưng mổ nhiều trâu bò, gia đình, họ hàng, bà con trong thôn bản cũng đâu được miếng ngon, chỉ thầy bón cơm, thầy kèn được lợi.
Cán bộ văn hóa Thông cho biết: “Theo phong tục của bà con, bất cứ một con lợn, con trâu, con bò được mổ thì thầy kèn, thầy bón cơm sẽ được lấy phần thịt là ba xương nách. Chưa kể ông cậu người trong họ, sẽ được phần thịt to nhất, đó là u bò, u trâu... Như vậy, sau khi chia, chủ nhà đám chẳng còn bao nhiêu thịt!”.
Biết là tốn kém, mất vệ sinh nhưng phong tục bao đời các cụ để lại nếu làm không đúng con ma về đòi thì sao? Điều này lý giải vì sao cái vòng luẩn quẩn “đói nghèo - lạc hậu” cứ bám riết bà con. Công việc khó này muốn làm được, bỏ đi được thì cán bộ, đảng viên phải là người đi đầu. Bí thư Chi bộ thôn Pang Cáng - Giàng A Sơn như vẫn bừng bừng khí thế: “Chi bộ ra nghị quyết, thôn tổ chức họp dân để tuyên truyền, lấy ý kiến. Đề án thành công trước tiên phải kể đến vai trò tiên phong, gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên trong việc vận động người cao tuổi, người có uy tín trong dòng họ đồng ý thực hiện”.
Lang thang ở Suối Giàng, lòng rộn vui. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, các tổ chức đoàn thể, cuộc cách mạng xóa bỏ hủ tục đã thành công. Giờ người Mông Suối Giàng đã không còn tục cướp dâu, không còn thách cưới cao, không hôn nhân cận huyết thống… Như vậy, lớp thế hệ người Mông hôm nay sẽ không phải chịu áp lực do những chi phí tốn kém từ hủ tục mà tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Trên đường về thành phố, thỉnh thoảng lại gặp từng đoàn du khách lên tham quan, du lịch Suối Giàng, trên những rừng chè, những chàng trai, cô gái Mông đang tíu tít hái chè, tiếng cười nói râm ran. Nghe nói năm nay chè được giá, mỗi cân chè búp bằng hai cân gạo ngon nên bà con rất phấn khởi! Nắng đã lên chói chang, Suối Giàng bừng lên sức sống mới!
Suối Giàng tháng 6/2016
Đình Tứ
Các tin khác
YBĐT - Đầu tháng 6, chúng tôi về xã Yên Thái, huyện Văn Yên thăm mô hình sản xuất kinh doanh giỏi của cựu chiến binh Nguyễn Văn Thuấn - một người lính tiêu biểu trên trận tuyến mới.
YBĐT - Nếu thi sỹ Nguyễn Bính say đắm yêu qua bài thơ “Tương tư”: “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông/ Một người chín nhớ mười mong một người. Gió mưa là bệnh của giời/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”, thì chàng trai tuổi Bính Dần (1986) - Trần Huy ở xã Hưng Khánh (Trấn Yên) lại yêu “nàng Then” một cách “rất riêng”.
YBĐT - Với mục tiêu thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, những năm qua, đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp trong tỉnh nói chung và khuyến nông viên cơ sở huyện Trấn Yên nói riêng đã từng bước giúp nông dân đạt được những thành tựu, kết quả cao trong các chương trình rau an toàn, chè an toàn VietGAP, chăn nuôi sạch, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp... góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn.
YBĐT - Mặc dù đã được nghe giới thiệu về hệ thống xử lý khí thải của Nhà máy Xi măng Yên Bái nhưng sự ám ảnh lâu nay về các nhà máy xi măng với khói bụi trắng xóa phủ kín cả một vùng kèm theo thời tiết nóng bỏng, khô rát đến gần 400C khiến tôi không khỏi rùng mình suốt dọc đường đi. Nhưng khác với những gì tôi tưởng, đặt chân vào Nhà máy là quang cảnh yên bình, không ồn ào, xô bồ cũng không khói bụi mịt mờ...