Già làng chống hủ tục

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/7/2016 | 4:01:43 PM

YBĐT - Già làng Thào Bủa Sử chẳng nhớ nổi mình đã dừng chân trước bao nhiêu ngôi nhà, nói chuyện với bao nhiêu người ở bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải này. Chỉ biết rằng, những nơi già đến, hủ tục, đói nghèo bị đẩy lùi nhường chỗ cho đời sống mới với ấm no, hạnh phúc. Dân bản, chính quyền tin yêu, nể trọng và gọi già Sử là già làng chống hủ tục.

Già Sử (ngồi giữa) cùng lãnh đạo xã Nậm Khắt bàn về công tác phát triển kinh tế ở bản Hua Khắt.
Già Sử (ngồi giữa) cùng lãnh đạo xã Nậm Khắt bàn về công tác phát triển kinh tế ở bản Hua Khắt.

Hua Khắt, một ngày cuối tháng 6, nắng như đỏ lửa nhưng ở rừng trên, ruộng dưới, cây lúa, cây ngô vẫn xanh tốt. Nhà của già Sử ở ngay đầu bản, vẫn mang kiểu dáng truyền thống của dân tộc Mông, nhưng hệ thống vườn tược, chuồng trại được xây dựng, bố trí thoáng mát, sạch sẽ.
Từ đầu ngõ đã nghe tiếng già Sử sang sảng.

Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, già vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, vẫn chăn trâu, nuôi lợn, vẫn trồng ngô và thảo quả. Ngồi bên bếp lửa nằm giữa gian phải nhà, già Sử kể về chặng đường đưa người Mông nơi đây đi từ tối tăm ra cánh đồng của những niềm vui, no ấm. Già cho hay, mấy mươi năm ở Hua Khắt, già đã chứng kiến không biết bao nhiêu gia đình phải khốn khổ, tiêu điều vì những hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi. Già vẫn còn ám ảnh những cảnh tượng người chết được để vào cáng hay trên một tấm ván treo lên sát vách giữa gian nhà trong nhiều ngày.

Lễ cúng được tiến hành liên tục trong 5 đến 7 ngày, bởi người Mông quan niệm, làm đám ma càng lâu, mổ càng nhiều trâu, bò thì người chết khi về thế giới bên kia sẽ có cuộc sống sung túc, no đủ hơn. Đám ma đã vậy, đám cưới của người Mông nơi đây ngày xưa cũng khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần, nghèo đói do nạn thách cưới cao.

Già Sử nhẩm tính: “Thường thì thách cưới của nhà gái với nhà trai phổ biến ở mức 20 triệu đồng/đám, cá biệt có đám lên tới 30 triệu đồng. Ngoài lễ vật là trâu, bò, lợn, gà thì nhiều gia đình thách cưới đến 25 đồng bạc trắng. Số bạc này là cả gia tài đối với người Mông. Chính vì thế, nhiều gia đình nghèo khi có ma chay, cưới hỏi phải lo đi vay tiền khắp nơi mua sắm đồ lễ với số lượng lớn. Hệ quả là nhiều gia đình phải bán ruộng, nương, đất đai nên nợ nần, nghèo khó cứ chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác”.

Già Sử trầm ngâm: “Câu chuyện về những hủ tục mãi bám riết trong suy nghĩ, hành động của dân bản Hua Khắt cũng chính là chuyện về gia đình tôi, dòng họ tôi. Chính vì vậy, tôi tự nhủ, mình phải quyết tâm, phải cùng với các cấp chính quyền tăng cường vận động, tuyên truyền để xóa bỏ dần hủ tục lạc hậu”. 

- Vậy, ban đầu đi vận động bà con, già gặp phải những khó khăn như thế nào? - tôi hỏi.

Nhấp cạn chén nước, già Sử tiếp tục câu chuyện: “Đến nhà nào, bà con cũng lý luận là nhà tao làm thế, nếu có sai thì đã có pháp luật trị, còn giờ mà làm trái với phong tục thì cả dòng họ sẽ bị ma quở phạt, bị ma rừng, ma núi bắt đi nên không thể bỏ được”.

Không nản lòng, già Sử nhờ người tìm tài liệu về lịch sử của người Mông, phong tục chôn cất người chết từ cổ xưa để thuyết phục các trưởng dòng họ, người cao tuổi. Cùng với đó, già thường xuyên cùng lãnh đạo xã, trưởng bản đến từng hộ dân để tuyên truyền về việc thực hiện nếp sống mới… Thế nhưng, để thay đổi cách nghĩ, cách làm đã ăn sâu vào tiềm thức của người Mông thì không thể một sớm, một chiều. Già biết rằng, để mọi người tin tưởng và làm theo thì trước tiên gia đình già và những người trong dòng họ Thào phải đi đầu thực hiện trước.

Già vẫn còn nhớ rõ ngày đó, trong dòng họ Thào có ông Thào Tà Chừ mất. Cầm trên tay tờ quy ước xây dựng đời sống văn hóa, già lần lượt đến gặp trưởng họ, rồi con của ông Chừ là Thào A Trầu để tuyên truyền. Bằng lòng kiên trì, già đưa ra những tác hại của việc để người chết lâu ngày không cho vào quan tài sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người và ô nhiễm môi trường. Già nói với họ vì sao người Mông mình còn nghèo, ấy là vì sự lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi. Nhiều dân tộc khác như người Kinh, người Tày, họ có của ăn, của để, ít bệnh tật là do họ chịu khó lao động, tổ chức đám ma ít ngày, thách cưới thấp, mổ ít trâu, bò…

Cùng với đó, để giảm chi phí, tốn kém trong đám ma, già Sử tham gia trực tiếp vào công tác tổ chức, bố trí giảm số người giúp việc để hạn chế việc mổ thịt trâu, bò… Cứ như vậy, già kiên trì với cách làm của mình, lần đầu không nghe già đến tiếp lần hai, lần ba. Sáng già đến một mình, trưa lại cùng với lãnh đạo xã đến tiếp để nói về những tác hại của việc tổ chức đám ma lâu ngày.

Già cười: “Mới đầu nó kịch liệt phản đối. Nó bảo, chôn luôn thì làm sao anh em tao ở xa về viếng được? Không bón cơm thì cha tao thành con ma đói à…? Nhưng mình phải mềm dẻo, phải vận động từng người từ trưởng dòng họ đến anh em, con cái thì nó mới nghe đấy”.

Thế rồi, cứ trong bản, trong xã, nhà nào có người mất, già lại đến vận động, tuyên truyền. Từ một vài gia đình trong dòng họ thực hiện, rồi đến cả dòng họ và cứ thế nhiều gia đình ở các dòng họ khác trong bản dần thực hiện.

Già phấn khởi cho biết: “Nếu như trước đây, các gia đình trong dòng họ Thào mỗi khi có người chết thường không cho vào quan tài thì giờ đây đã cho vào áo quan. Các đám tang được thực hiện đúng quy định về ngày, giờ đưa tang, không còn tình trạng kéo dài vài ngày”.

Không dừng lại ở đó, để xóa bỏ nạn thách cưới cao, già thường xuyên đến các gia đình sắp có đám cưới để tuyên truyền. Già vẫn nhớ ngày đến gặp ông Giàng Trừ Súa - một hộ gia đình trong bản có con gái sắp đi lấy chồng để vận động. Ngay khi già Sử vừa mở lời, ông Súa phẩy tay ngay: “Con gái tao đi lấy chồng khác nào nhà tao mất đi một lao động, không đòi nhiều bạc trắng thì lấy gì mà ăn”.

Già Sử chăm sóc trâu của gia đình.

Kiên trì vận động, bằng những lý lẽ thuyết phục, già Sử dần làm cho ông Súa hiểu rằng, thách cưới cao, ăn uống nhiều ngày thì sau này con cháu ông sẽ gặp nhiều khó khăn, nợ nần, cuộc sống sẽ mãi nghèo đói. Kết quả năm đó, đám cưới của con gái ông Súa được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm.

Theo đồng chí Thào A Chư - Bí thư Chi bộ bản Hua Khắt, không chỉ tích cực cùng các cấp, chính quyền tham gia đẩy lùi hủ tục, già Sử còn là người vận động bà con tăng gia sản xuất nông nghiệp, trồng thảo quả, sơn tra, nuôi thêm trâu, bò, lợn gà để ổn định cuộc sống. Bản thân già, dù đã nhiều tuổi nhưng hàng ngày vẫn đi chăn trâu, vẫn xuống đồng làm ruộng rồi lên rừng chăm sóc sơn tra, thảo quả.

Nói về già Sử, đồng chí Thào A Sinh - Bí thư Đảng ủy xã Nậm Khắt không giấu được niềm hãnh diện: “Từ những việc làm của già mà nhận thức của phần lớn bà con đã được nâng lên, ý thức được mặt trái của các hủ tục. Nhờ đó, người Mông ở Hua Khắt đã tích cực, chủ động tham gia xây dựng đời sống văn hóa. Việc tang lễ, cưới hỏi được thực hiện tiết kiệm, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao, trẻ em được đến trường đi học đầy đủ…”. 

Rời Hua Khắt khi mặt trời đã khuất sau đỉnh núi, trong tôi còn nhớ mãi hình ảnh đồng chí Thào A Sinh nắm chặt tay già Sử, giọng đầy trân trọng: “Nhờ có già mà cuộc sống của Hua Khắt đang ngày càng khởi sắc”. Tin chắc rằng, ngày mai ở nơi đây, cuộc sống của bà con sẽ ngày càng khởi sắc, vì ở đó có những con người như già Sử.

Hùng Cường - Quang Thiều

Các tin khác
Đại tá Trần Kim Hải - Phó giám đốc Công an tỉnh (thứ 2 bên trái) trao đổi với Tổ công tác tăng cường cơ sở tại xã Khánh Hòa.

YBĐT - Tăng cường cơ sở là một chủ trương hết sức đúng đắn và mang nhiều ý nghĩa. Năm 2016 này, Công an tỉnh Yên Bái tiếp tục cử 10 tổ công tác (mỗi tổ gồm 5 thành viên, do một lãnh đạo cấp phòng làm tổ trưởng) về tăng cường cho các xã, thời gian từ tháng 3 đến hết tháng 7 năm 2016. Đi tăng cường là phải cơm niêu, nước lọ, phải chịu đựng nhiều thiếu thốn, vất vả nhưng đã là chiến sỹ thì ai cũng đều cố gắng vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bác sỹ Vũ Hoàng Toàn (thứ 3 bên phải) là một trong 30 bác sỹ trẻ bám bản tiêu biểu, được vinh danh tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, năm 2016.

YBĐT - Trẻ trung, dáng người thư sinh cùng nụ cười rạng rỡ, khiến ai khi nhìn cũng thấy cảm mến bác sỹ Vũ Hoàng Toàn - Trưởng trạm Y tế xã Xuân Lai, huyện Yên Bình.

Bản Pang Cáng hôm nay.

YBĐT - Được coi như là Sa Pa của Yên Bái, ai đã từng đến Suối Giàng chắc không thể quên một vùng cao trong mây với những rừng chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi, với những người Mông chăm chỉ, thật thà.

Anh Nguyễn Văn Thuấn (thứ hai từ trái sang) và lãnh đạo Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân xã trao đổi với người lao động làm việc tại xưởng chế biến gỗ.

YBĐT - Đầu tháng 6, chúng tôi về xã Yên Thái, huyện Văn Yên thăm mô hình sản xuất kinh doanh giỏi của cựu chiến binh Nguyễn Văn Thuấn - một người lính tiêu biểu trên trận tuyến mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục