Bác sỹ 15 năm bám bản
- Cập nhật: Thứ ba, 5/7/2016 | 8:59:42 AM
YBĐT - Trẻ trung, dáng người thư sinh cùng nụ cười rạng rỡ, khiến ai khi nhìn cũng thấy cảm mến bác sỹ Vũ Hoàng Toàn - Trưởng trạm Y tế xã Xuân Lai, huyện Yên Bình.
Bác sỹ Vũ Hoàng Toàn (thứ 3 bên phải) là một trong 30 bác sỹ trẻ bám bản tiêu biểu, được vinh danh tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, năm 2016.
|
Sinh ra, lớn lên và quen với cuộc sống nơi thành thị, nhưng đã 15 năm nay, bác sỹ Toàn gắn bó với bà con Xuân Lai - một xã vùng phía Đông hồ Thác Bà còn nhiều khó khăn về đời sống kinh tế, xã hội. 15 năm - quãng thời gian tuổi nghề đủ dài để bác sỹ Toàn không đơn thuần là một cán bộ y tế bám bản mà trở thành một người con của mảnh đất này.
Trong một lần xem trên trang mạng xã hội Facebook, tôi vô tình đọc được những dòng chia sẻ về bác sỹ Vũ Hoàng Toàn. Nhìn tấm ảnh bác sỹ Toàn - một trong 30 bác sỹ trẻ bám bản tiêu biểu được vinh danh trong Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, tôi nghĩ, nhất định phải tìm gặp anh.
Cái nắng tháng 6 gay gắt, hơi nóng mặt đường hắt lên đến khó thở. Tôi tới Xuân Lai khi đã gần giờ trưa sau quãng đường hơn 70 km. Vừa chào hỏi, chưa kịp uống chén nước, tôi hớt hải theo bác sỹ Toàn vào phòng khám. Một người đàn ông lớn tuổi đang đứng trước cửa phòng khám nhăn nhó: “Bác sỹ ơi, mấy hôm trước đi đường bị bụi, lấy tay dụi thế nào mà giờ tôi đau quá! Hai mắt đỏ rực, nhức không ngủ được!”.
Nhanh chóng, bác sỹ Toàn để bệnh nhân nằm xuống, rửa mắt, tra thuốc, dặn dò vệ sinh mắt đúng cách và cẩn thận. Người đàn ông ấy chưa bước ra khỏi phòng khám thì chị Nguyễn Thị Tiến, ở thôn Làng Chang bế cậu con trai nhỏ vào bảo cháu bị sốt cao.
Bác sỹ Toàn lập tức đo nhiệt độ, khám tai, mũi, họng rồi kê đơn thuốc. Chị Tiến chia sẻ: “May quá, nhà khá gần trạm y tế, lại có bác sỹ Toàn lúc nào cũng nhiệt tình, thăm khám cẩn trọng nên tôi rất yên tâm. Từ cái hắt hơi, bị sổ mũi đến đau bụng, đau răng... bà con đã quen và nhất định phải đến trạm để được bác sỹ Toàn kiểm tra”. Chứng kiến những hình ảnh ấy, tôi thầm nghĩ: “Bác sỹ bám bản phải là thế này đấy!”.
Tôi chờ thêm khoảng 30 phút, khi bác sỹ Toàn hết bệnh nhân đến khám mới có thời gian ngồi riêng nói chuyện. Mở đầu câu chuyện thật tự nhiên, anh kể: “Cô nhà báo không thể tưởng tượng được quãng đường đi vào Xuân Lai trước đây nó kinh khủng thế nào đâu.
Năm 2000, sau khi hoàn thành khóa học tại Trường Trung cấp Y tế Yên Bái, tôi mới 20 tuổi và tràn đầy nhiệt huyết, tự nguyện xin về Trạm Y tế xã. Ngày đầu tiên đi làm, tôi dậy từ sáng sớm để có thể đi ca nô từ thành phố Yên Bái vào xã. Tưởng rút ngắn được phần nào quãng đường đi, vậy mà, cả quãng đường còn lại từ bến ca nô vào tới xã toàn là đá hộc to cứ nhấp nhô, “nhảy múa” trước mặt.
Đi bộ “vác thân” còn chẳng xong, đằng này lại phải dắt theo chiếc xe đạp. Đến nơi thì tôi kiệt sức. Một căn nhà lá ba gian, kê vẻn vẹn chiếc tủ gỗ nhỏ đựng vài lọ thuốc B1, B6, Penicillin, Clorocid, bông, cuộn gạc... được giới thiệu chính là trạm y tế. Cảnh tượng lúc ấy thực sự đã làm tôi nản chí, không ít lần muốn bỏ về. Nhưng tuổi trẻ mà! Tôi chẳng nghĩ gì nhiều ngoài mong muốn được làm việc, được cống hiến nên quyết định đến nhà dân xin ở nhờ, bắt đầu cuộc sống của một cán bộ y tế bám bản”.
Lúc đi đã liên hệ trước, tôi tính, khi nào trao đổi xong với bác sỹ Toàn sẽ lên UBND xã gặp đồng chí chủ tịch. Thế nhưng, đang dở câu chuyện, đồng chí Hoàng Phượng Vỹ - Chủ tịch UBND xã đã đi bộ xuống trạm y tế. Gặp chúng tôi, đồng chí vui vẻ nói: “Về bác sỹ Toàn, bà con ở đây chắc nói mấy ngày cũng không hết những kỷ niệm. Địa bàn xã Xuân Lai có tới 96% là bà con đồng bào dân tộc thiểu số như: Dao, Tày, Cao Lan…
Thời điểm bác sỹ Toàn bắt đầu về địa phương, nơi đây chỉ toàn là các hủ tục. Cứ hễ đổ bệnh là giết gà, mổ lợn mời thầy cúng về nhà trừ tà ma. Bệnh không khỏi thì nằm đó chờ chết chứ nhất định không đi khám bác sỹ. Họ chỉ tin, bệnh là do con “ma” gây ra. Thế nên, ngoài công việc chuyên môn, bác sỹ Toàn kiêm luôn công tác tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ hủ tục”. Luôn tâm niệm, dân không tìm đến mình thì mình phải tìm đến dân. Nghe ai nói nhà nào có người ốm đau là bác sỹ Toàn lặn lội đến tận nơi thăm khám, rồi cho thuốc, hướng dẫn tỷ mỷ cách uống. Tranh thủ uy tín của già làng, trưởng bản, cán bộ xã để tuyên truyền, vận động nhân dân cách đề phòng bệnh tật, suy dinh dưỡng, cách bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, ăn uống hợp vệ sinh, giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhà cửa... theo đúng phương châm “mưa dầm thấm lâu”.
“Tôi không bao giờ quên trong những ngày đầu, từng có một sản phụ là đồng bào Cao Lan tới trạm y tế sinh con. Khi đến trạm, chúng tôi mới biết chị ấy đã đau đẻ 2 ngày, nhưng theo phong tục sinh con tại nhà nên khi đã nguy kịch, người nhà mới đưa bệnh nhân đến. Đứa bé đã mất trong bụng mẹ và chúng tôi cố gắng hết sức để có thể cứu được sản phụ. Dù học tập trong trường, tôi đã chứng kiến rất nhiều và không còn lạ những cảnh tượng như vậy, nhưng vẫn bị ám ảnh, xót xa vô cùng” - anh Toàn nhớ lại.
Cũng sau lần ấy, quyết tâm phải tuyên truyền, vận động bà con đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ hủ tục lại càng thôi thúc anh, giúp anh có thêm động lực bám bản, để bà con và chính mình không còn phải chứng kiến những cảnh tượng đau lòng như thế. Và rồi, ngoài thời gian làm việc tại trạm, cứ tối đến, lúc thời gian rảnh, bác sỹ Toàn lại cặm cụi với sách vở, ôn luyện để thi đại học. Năm 2003, anh thi đỗ vào Trường Đại học Y Thái Nguyên. Năm 2007, tốt nghiệp đại học, anh trở về Xuân Lai tiếp tục đồng hành cùng bà con.
Trở thành một bác sỹ đa khoa, tay nghề ngày càng cao, bác sỹ Toàn nhanh nhạy trong ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào cứu chữa những ca bệnh khó. Xa rồi cái thời đồng bào dân tộc thiểu số ăn rau rừng, uống nước suối, nuôi gia súc dưới gầm nhà sàn… Giờ đây, đến với Xuân Lai, trẻ em đã được tiêm chủng đầy đủ; bà con được tiếp cận với những dịch vụ y tế tốt nhất, thuận tiện nhất; phụ nữ mang thai không còn tự sinh nở tại nhà… Một trạm y tế xã tuy nhỏ bé, nhưng mỗi ngày tiếp đón tới 20 - 30 lượt người đến khám. Trung bình mỗi năm thực hiện khám, chữa bệnh cho hàng ngàn lượt người dân.
Bác sỹ Vũ Hoàng Toàn luôn tận tình khám chữa bệnh cho nhân dân xã Xuân Lai.
Công tác tại Trạm Y tế xã Xuân Lai cùng anh từ những ngày đầu, nữ hộ sinh Lý Thị Thế chia sẻ: “Làm việc ở trạm y tế xã, nhất là một xã khó khăn như Xuân Lai quả thật rất vất vả. Cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế thiếu thốn; nhân lực mỏng, trong khi khối lượng công việc quá lớn; chỉ có thể bố trí một người và làm tất cả mọi công việc trong ca trực đêm; bà con đến khám không thể theo giờ giấc hành chính vì còn đi nương, làm ruộng… Để có thể giúp đỡ bà con trong khám chữa bệnh, bác sỹ Toàn còn phải trau dồi vốn ngôn ngữ của đồng bào dân tộc. Chỉ khi trao đổi được với nhau, mới có thêm phần gắn kết, tình cảm với bà con”.
Bác sỹ Toàn đã mang tình yêu nghề lên bản làng xa xôi heo hút này. Dù chịu nhiều thiệt thòi khi thiếu vắng tình cảm gia đình, vợ con, khó khăn trong công tác chuyên môn, nhưng anh vẫn can trường bám bản, quyết tâm ở lại với người dân vùng cao”.
Năm 2012, bác sỹ Toàn tích cực tham mưu giúp Ban Chỉ đạo (BCĐ) Chuẩn quốc gia về y tế xã (QGVYTX). Kịp thời triển khai các nội dung xây dựng Chuẩn QGVYTX theo tiêu chí mới đúng tiến độ. Kết quả sau đợt thẩm định của BCĐ tỉnh Yên Bái, Xuân Lai là xã đầu tiên của huyện đủ tiêu chuẩn được công nhận đạt chuẩn QGVYTX theo tiêu chí mới. Bên cạnh đó, Bác sỹ Toàn thường xuyên tham gia vào hoạt động của Hội Thầy thuốc trẻ huyện Yên Bình để khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo, trẻ em, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, các gia đình chính sách…
Đời sống kinh tế khó khăn, nhận thức còn hạn chế, nhưng bà con đồng bào dân tộc ở Xuân Lai chân chất, thật thà, hết mực yêu quý và tin tưởng bác sỹ Toàn. Dù vất vả, thiếu thốn, nhưng bác sỹ Toàn không chỉ làm nghề mà còn là cầu nối giúp bà con được chăm sóc, có nhận thức đúng đắn về chăm sóc sức khỏe. Liên tiếp nhiều năm đạt thành tích xuất sắc nhiệm vụ trong công tác.
Mới đây nhất, bác sỹ Toàn vinh dự được tuyên dương là một trong 30 bác sỹ trẻ bám bản tiêu biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam. Những người thầy thuốc trẻ, có chuyên môn, y đức như bác sỹ Toàn có vai trò đặc biệt quan trọng góp phần tạo cơ hội cho những người dân tộc, người nghèo, người ở vùng khó khăn tiếp cận với những dịch vụ y tế có chất lượng.
Mai Linh
Các tin khác
YBĐT - Được coi như là Sa Pa của Yên Bái, ai đã từng đến Suối Giàng chắc không thể quên một vùng cao trong mây với những rừng chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi, với những người Mông chăm chỉ, thật thà.
YBĐT - Đầu tháng 6, chúng tôi về xã Yên Thái, huyện Văn Yên thăm mô hình sản xuất kinh doanh giỏi của cựu chiến binh Nguyễn Văn Thuấn - một người lính tiêu biểu trên trận tuyến mới.
YBĐT - Nếu thi sỹ Nguyễn Bính say đắm yêu qua bài thơ “Tương tư”: “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông/ Một người chín nhớ mười mong một người. Gió mưa là bệnh của giời/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”, thì chàng trai tuổi Bính Dần (1986) - Trần Huy ở xã Hưng Khánh (Trấn Yên) lại yêu “nàng Then” một cách “rất riêng”.
YBĐT - Với mục tiêu thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, những năm qua, đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp trong tỉnh nói chung và khuyến nông viên cơ sở huyện Trấn Yên nói riêng đã từng bước giúp nông dân đạt được những thành tựu, kết quả cao trong các chương trình rau an toàn, chè an toàn VietGAP, chăn nuôi sạch, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp... góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn.