Nắng mới sẽ bừng lên

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/7/2016 | 4:52:01 PM

YBĐT - Những ngày cuối tháng 6, xe tôi từ bản Đêu, xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) bon bon theo con đường bê tông uốn lượn như dải lụa trắng vắt ngang lưng trời đến với xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu.

Chủ tịch UBND xã Pá Lau - Bùi Hồng Anh trao đổi với người dân trong xã về thực hiện các giải pháp xóa đói giảm nghèo.
Chủ tịch UBND xã Pá Lau - Bùi Hồng Anh trao đổi với người dân trong xã về thực hiện các giải pháp xóa đói giảm nghèo.

Trung tâm xã hiện ra ngay trước mắt với những công trình điện, đường, trường, trạm khang trang trong ánh ban mai, khác hẳn so với 10 năm trước khi chúng tôi đặt chân tới đây lần đầu.

Trước đây, đường đến xã chỉ lổn nhổn toàn đá cuội và đá hộc, xe máy cứ nhảy chồm chồm như con ngựa bất kham, từ bản Đêu vào xã phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ mà nay đi chỉ còn chưa đầy 20 phút.

Đón chúng tôi tại trụ sở, Chủ tịch UBND xã Bùi Hồng Anh phấn khởi cho biết: “Sướng nhất là có đường bê tông đấy nhà báo à! Bà con giờ cứ bon bon đi xe máy chở ngô, chở thóc ra chợ Mường Lò để bán, lấy tiền mua sắm những vật dụng cần thiết phục vụ sinh hoạt trong gia đình; mua vật tư phân bón để đầu tư vào sản xuất. Đồng bào ai cũng vui, cảm ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhiều lắm”.

Qua trò chuyện, tôi được biết đồng chí Bùi Hồng Anh làm Chủ tịch UBND xã khi tuổi đời chưa đến 30. Trước đó, anh là cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện được tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã, sau đó được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch UBND xã.

Dù kinh nghiệm công tác, nhất là công tác lãnh đạo chính quyền xã chưa nhiều song anh vẫn luôn cố gắng cùng tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ xã bàn bạc, thống nhất đưa ra các giải pháp để thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, góp phần giúp đồng bào vùng cao nơi đây áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Xác định giao thông phải đi trước một bước, ngay từ khi có Đề án phát triển giao thông nông thôn (GTNT) của tỉnh, Pá Lau đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng đường GTNT cấp xã, cấp thôn, bản và hàng năm đều tổ chức kiện toàn, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên để tổ chức triển khai và thực hiện.

Giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã luôn có sự thống nhất về công tác quy hoạch, lựa chọn tuyến đường đến công tác giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi nhất trong quá trình triển khai thi công. Chính vì vậy, từ khi triển khai Đề án phát triển GTNT của tỉnh đến nay, xã đã triển khai thi công 9 tuyến đường liên thôn, bản với chiều dài trên 20 km; 100% các thôn, bản có đường đi xe máy vào khu sản xuất. Nhiều tuyến đường được cải tạo, nâng cấp và bê tông hóa như tuyến đường Giao Chu - Nả Pang; Pá Lau - Muôn Háng; Háng Tây - Giao Lâu; đường nội thôn Tàng Ghênh…

Năm 2015, xã đã mở mới 3 tuyến đường với tổng chiều dài 4 km với kinh phí gần 1,1 tỷ đồng; trong đó, Nhà nước hỗ trợ trên 350 triệu đồng, còn lại nhân dân hiến đất, cây cối, hoa màu và đóng góp ngày công lao động. Với kết quả đó, Pá Lau được Bộ Giao thông - Vận tải tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào làm đường GTNT năm 2015.

Cùng với việc mở đường GTNT, Đảng bộ xã Pá Lau đã lãnh đạo nhân dân thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô đồi đem lại hiệu quả kinh tế cao, diện tích chuyển đổi năm sau cao hơn năm trước, đưa diện tích ngô toàn xã lên 145 ha.

Thực hiện Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy Yên Bái về “Quy hoạch và tăng cường quản lý đất đai vùng cao”, xã đã có 20 hộ nhiều đất san sẻ cho 25 hộ thiếu đất với diện tích trên 12 ha. Bên cạnh đó, các chính sách về an sinh xã hội và giảm nghèo cũng được Pá Lau triển khai thực hiện có hiệu quả, người dân tích cực tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới, xóa bỏ các hủ tục không còn phù hợp với nếp sống mới; tập trung giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều hộ gia đình làm kinh tế giỏi tiêu biểu như hộ gia đình ông Thào A Chay ở thôn Háng Tây gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện hương ước, quy ước thôn, bản; mỗi năm thu về từ 3,5 - 4 tấn thóc; gia đình hiện có 2 con trâu, 6 con bò, 10 con lợn và gần 100 con gia cầm hay hộ gia đình bà Thào Thị Tra mỗi năm cũng thu về trên 10 tấn thóc, 20 bao ngô cùng đàn gia súc 36 con.

Trời bất chợt đổ mưa làm dịu đi cái nóng giữa trưa hè oi ả. Mưa nhưng con đường bê tông uốn lượn từ trụ sở UBND xã qua bản Tàng Ghênh, chúng tôi đã đến với Giao Chu một cách dễ dàng. Là một trong những thôn khó khăn nhất xã song các hộ dân ở đây đã được sử dụng điện lưới quốc gia, sử dụng nước hợp vệ sinh, được cấp thẻ bảo hiểm y tế, trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, 100% số hộ trong thôn đều có xe máy…

Trưởng thôn Giao Chu - Thào A Sáy phấn khởi chia sẻ: “Có được như hôm nay là nhờ Chi bộ thôn đã vận động người dân sản xuất hai vụ lúa, hai vụ ngô đấy. Mọi người tích cực tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng; tham gia làm đường GTNT; không đốt, phát rừng làm nương rẫy, không buôn bán lâm sản trái phép. Nhà nào cũng vận động các cháu học sinh đi học chuyên cần và thực hiện tốt hương ước và quy ước thôn, bản”.

Tuy vậy, Trưởng thôn Sáy vẫn còn những băn khoăn do trình độ dân trí còn thấp, một số phong tục tập quán không còn phù hợp với nếp sống mới vẫn còn tồn tại, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo trong thôn vẫn chiếm tỷ lệ cao, dù trong hai năm qua thôn đã có 8 hộ thoát nghèo. Anh mong muốn, Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm, giúp đỡ người dân trong thôn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo; giúp người dân tiếp cận các nguồn vốn vay. Những trăn trở của anh Sáy cũng là những trăn trở, suy tư của những người đóng vai trò đầu tầu ở đây khi tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn trên 89% (theo tiêu chí mới).

Nhấp ngụm chè xanh, Chủ tịch UBND xã - Bùi Hồng Anh chia sẻ: “Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống đến 50% những năm tới ở Pá Lau cũng là một việc khó, đòi hỏi một quyết tâm chính trị cao. Trước hết, Đảng bộ, chính quyền xã tiếp tục chỉ đạo nhân dân tích cực khai hoang ruộng nước, mở rộng diện tích lúa hai vụ; chuyển đổi đất nương sắn sang trồng ngô đồi, phát triển thành vùng ngô hàng hóa; tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng cỏ, làm chuồng trại và dự trữ rơm khô để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, xây dựng các mô hình chăn nuôi trâu, bò theo hướng bán chăn thả; tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định, về quản lý bảo vệ rừng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi, vi phạm về quản lý rừng; tu sửa các tuyến đường nội thôn, liên thôn; hoàn thiện các tuyến đường theo kế hoạch giao; chủ động sửa chữa các công trình thủy lợi, bảo đảm nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp…

 

Lãnh đạo xã Pá Lau cùng nhân dân mở đường nội thôn Tàng Ghênh

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, xã tập trung thực hiện mục tiêu về nâng cao chất lượng giáo dục; làm tốt công tác vệ sinh phòng bệnh; duy trì và đẩy mạnh các hoạt động về văn hóa, từng bước xóa bỏ tập tục lạc hậu và thực hiện hương ước, quy ước thôn, bản. Đảng bộ xã xác định đề cao vai trò tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên để thực hiện được mục tiêu này.

Không những vậy, thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn xã đã khẳng định thêm niềm tin của nhân đối với các đại biểu thông qua lá phiếu của mình. 20 đại biểu trúng cử HĐND xã, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đều bảo đảm về cơ cấu, thành phần và trình độ chuyên môn. HĐND xã cũng đã họp Kỳ họp thứ Nhất để kiện toàn các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND xã theo đúng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Những người trúng cử các chức danh cán bộ chủ chốt đều là những cán bộ trẻ, có năng lực, có trình độ chuyên môn, đủ sức để lãnh đạo sớm đưa Pá Lau trở thành xã phát triển khá của huyện.

Chia tay Pá Lau khi ánh nắng chiều bừng lên sau cơn mưa, những mầm cây đã tươi tắn trở lại, báo hiệu sức vươn mạnh mẽ. Với những kết quả đã đạt được, cùng với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ nơi đây sẽ là động lực quan trọng sớm đưa Pá Lau vững bước đi lên trên con đường phát triển. Nắng mới sẽ bừng lên nơi non cao!

Mạnh Cường - Hoài Văn

Các tin khác
Già Sử (ngồi giữa) cùng lãnh đạo xã Nậm Khắt bàn về công tác phát triển kinh tế ở bản Hua Khắt.

YBĐT - Già làng Thào Bủa Sử chẳng nhớ nổi mình đã dừng chân trước bao nhiêu ngôi nhà, nói chuyện với bao nhiêu người ở bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải này. Chỉ biết rằng, những nơi già đến, hủ tục, đói nghèo bị đẩy lùi nhường chỗ cho đời sống mới với ấm no, hạnh phúc. Dân bản, chính quyền tin yêu, nể trọng và gọi già Sử là già làng chống hủ tục.

Đại tá Trần Kim Hải - Phó giám đốc Công an tỉnh (thứ 2 bên trái) trao đổi với Tổ công tác tăng cường cơ sở tại xã Khánh Hòa.

YBĐT - Tăng cường cơ sở là một chủ trương hết sức đúng đắn và mang nhiều ý nghĩa. Năm 2016 này, Công an tỉnh Yên Bái tiếp tục cử 10 tổ công tác (mỗi tổ gồm 5 thành viên, do một lãnh đạo cấp phòng làm tổ trưởng) về tăng cường cho các xã, thời gian từ tháng 3 đến hết tháng 7 năm 2016. Đi tăng cường là phải cơm niêu, nước lọ, phải chịu đựng nhiều thiếu thốn, vất vả nhưng đã là chiến sỹ thì ai cũng đều cố gắng vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bác sỹ Vũ Hoàng Toàn (thứ 3 bên phải) là một trong 30 bác sỹ trẻ bám bản tiêu biểu, được vinh danh tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, năm 2016.

YBĐT - Trẻ trung, dáng người thư sinh cùng nụ cười rạng rỡ, khiến ai khi nhìn cũng thấy cảm mến bác sỹ Vũ Hoàng Toàn - Trưởng trạm Y tế xã Xuân Lai, huyện Yên Bình.

Bản Pang Cáng hôm nay.

YBĐT - Được coi như là Sa Pa của Yên Bái, ai đã từng đến Suối Giàng chắc không thể quên một vùng cao trong mây với những rừng chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi, với những người Mông chăm chỉ, thật thà.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục