Chia sẻ để thành công

  • Cập nhật: Thứ tư, 13/7/2016 | 9:59:18 AM

YBĐT - “Bây giờ, ai còn trồng chè...” - nghe bạn chê mà anh thấy “nóng mặt”. “Trồng chè thì đói lắm!” - nghe thêm một người bạn tỏ vẻ cảm thông mà lòng anh “đau” vì “tủi”. Những sự lòng “đầy tự trọng trai tráng” ấy đã suốt một năm dài không tưởng “hành hạ” người thanh niên 22 tuổi. Mặc bao xì xèo, anh vẫn quyết tâm đưa cây cam về trồng thay thế cây chè, sau đó là cây chanh tứ thời...

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Đoàn (bên trái) thu 1,3 tỷ đồng tiền bán cam, chanh tứ thời và cây giống năm 2015.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Đoàn (bên trái) thu 1,3 tỷ đồng tiền bán cam, chanh tứ thời và cây giống năm 2015.

Hỏi thăm đường vào nhà anh Nguyễn Văn Đoàn, thôn Yên Bình, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên quá dễ. Anh là người nổi tiếng. Đơn giản vậy thôi. Lý do nổi tiếng của anh ấy thế này: thu 1,3 tỷ đồng tiền bán cam, chanh tứ thời và cây giống năm 2015.

- Chị gọi điện hỏi mua chanh, tôi không nghĩ là đùa - anh cười đón tôi.

- Đâu chỉ riêng chanh. Tôi muốn mua tất cả kinh nghiệm trồng cây ăn quả suốt 15 năm qua của anh - tôi thật lòng.

Nhà anh Đoàn có khách. Vợ chồng chị Đoàn Thị Thơm ở tổ dân phố 8, thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn sang mua cây giống chanh tứ thời. Chị Thơm có giống chanh tứ thời mùa này sai quả, mùa đông lại không được trĩu cành như giống chanh của anh Đoàn.

“Năm ngoái, tôi đã mua 50 cây giống chanh tứ thời nhà anh Đoàn, mùa đông vẫn quả sai lúc lỉu. Nhà nông chúng tôi lúc nào cũng có sản phẩm bán ra thị trường là mừng, có thêm thu nhập thì đồng nào cũng quý” - chị Thơm hồ hởi.

Năm qua, xuất bán 1,4 vạn cây chanh giống được giá 25.000 đồng/cây, anh Đoàn đã có 350 triệu đồng. Thị trường lớn nhất của loại cây này là tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Phú Thọ đứng vị trí thứ hai, huyện Văn Chấn xếp thứ ba, ngoài ra còn các địa phương khác.

Anh Đoàn cho hay: “Với 1 vạn cây giống sang Tuyên Quang, tôi cũng có luôn hành trình đến huyện Sơn Dương để hướng dẫn người mua cách trồng, chăm sóc. Hướng dẫn hoàn toàn tự nguyện nhưng với tôi lại là cơ hội lớn bởi nếu cây giống phát triển tốt thì thị trường sẽ mở rộng hơn nữa”.

Năm nay, cùng với gieo ươm 2 vạn cây giống bưởi của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên, vợ chồng anh vẫn thực hiện chiết, ghép 1 vạn cây giống chanh tứ thời. Một vạn cây chanh giống xuất bán bình quân mỗi năm trong khoảng 5 năm qua là chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Người dân trong thôn Yên Bình hầu hết đều mua giống cây của nhà anh và kinh tế các gia đình đã từng ngày thay đổi rõ nét nhờ trồng cam, chanh. “Tự học chiết, ghép chỉ để mở rộng diện tích của gia đình, tôi lại không ngờ rằng mình đã giúp cho nhiều người có được cây giống tốt, khỏe” là niềm vui của anh Đoàn.

Vợ chồng anh Đoàn, vợ chồng chị Thơm đèo nhau bằng xe máy tới khu trồng chanh tứ thời để chọn cây giống chiết. Tôi thì mải mê cùng màu xanh của cây, của trái trong khi hai đôi vợ chồng họ sôi nổi trao đổi kinh nghiệm đào rãnh thoát nước cho vườn chanh, cách phát cỏ, kỳ chăm sóc... Cây chanh đến với anh Đoàn cũng tình cờ lắm. Nể em rể nhiệt tình mang cho, anh đem trồng thử chơi. Năm 2007 là sau hai năm từ ngày “trồng thử chơi” dăm cây chanh ấy, Hiên - vợ anh Đoàn có một bao tải chanh đem bán. Cầm 1 triệu đồng trong tay, hai vợ chồng vẫn ngỡ ngàng: “Thế này sao lại không trồng chanh?” và anh đi đến quyết định bỏ hết ruộng.

Sau lần đến nhà ông Cầu trồng chanh tứ thời có tiếng ở xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái là 400 gốc chanh theo anh về đồng đất Hưng Thịnh. Thế là suốt bốn mùa của năm, chanh luôn cho quả sai, tiền cũng “tuột” vào ví. Chả vậy mà vợ chồng chị Thơm tìm sang tận đây mua cây giống chanh của nhà anh. Vườn chanh này gần một khe suối, đất láng mướt như thể vừa được một bàn tay lành nghề nào đó xoa mịn. Lá chanh mượt bóng, không chút bụi vương.

“Dường như chanh của anh chẳng bị muội bám?” - tôi thắc mắc. Anh Đoàn hết sức phấn chấn: “Có chứ nhưng hơn hai tháng nay, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học và sử dụng chế phẩm sinh học đúng cách nên vườn 180 cây chanh thấy sạch bách bệnh, nhất là bệnh lở cổ gốc thì hiệu quả thật sự”.

Anh Nguyễn Văn Đoàn và chị Đoàn Thị Thơm trao đổi cách chăm sóc cây chanh chiết.

Câu chuyện lại quay sang vấn đề thuốc bảo vệ thực vật. Đây là chính kiến của anh Đoàn: “Chanh hay cam, nếu chỉ biết lợi riêng mình thì lợi ấy quá ngắn, không thể bền lâu”. An toàn vệ sinh thực phẩm phải được đặt lên hàng đầu để tạo sự cạnh tranh và uy tín trên thị trường. Họ thống nhất với nhau về điều này rất nhanh bởi có cùng quan điểm. Họ chia tay nơi vườn chanh, chị Thơm hẹn đợt tới sẽ sang lấy giống vì các cây chiết lần này còn non rễ nên chưa thật ưng ý.

Đột xuất với chút việc bận, anh Đoàn bảo vợ đèo tôi lên đồi cam. Câu chuyện của Hiên trở lại từng ngày tháng không quên của chồng mà cô cùng khắc ghi. Năm 2001, vay tiền mua gần 200 cây giống cam sành, chẳng có lấy một người ủng hộ thì anh Đoàn vẫn thay chè bằng cam. Dẫu đồng tiền về túi chẳng nhiều nhặn gì nhưng được thu đều đều thành quen, ai cũng bất ngờ, nghi ngờ rồi hoảng, rồi phản đối cây cam của anh Đoàn. Cặm cụi chăm xới, âm thầm tháng ngày, anh nuôi niềm tin.

Hết hai năm, 2 triệu đồng của lứa quả đầu anh được thu. Kinh nghiệm ít, quả vừa xấu vừa thưa, anh đâu nản. Có đồng nào là đồng nấy lại được anh đưa vào ngay vòng quay đầu tư. Chả thế mà ròng rã năm này kế năm nọ, nay anh đã có 6 ha trồng cam, chanh và nửa diện tích ấy đang cho thu hoạch.

Anh cho rằng mình đã tạm thành công với giống cam Đường Canh và chanh tứ thời. Hơn 20 tấn cam, hơn 20 tấn chanh của năm ngoái, anh xuất bán thuận lợi. Cũng liên tục quay vốn đầu tư nên từ năm 2003 ra ở riêng, căn nhà gỗ chỉ 18 m2 vẫn nguyên xi hiện trạng cho đến tận cuối năm 2015. Ngôi nhà xây mới của gia đình anh đang hoàn thiện có 7 phòng ngủ, rộng 300 m2 cũng ngót nghét 1,8 tỷ đồng.

Hân hoan giọng anh Đoàn: “Có lúc ngắm ngôi nhà mới, cả hai vợ chồng đều không nghĩ có ngày này. Bao năm hái quả, thu đồng nào là lại đầu tư trồng cây luôn. Tôi động viên vợ nhiều lắm, hứa cũng nhiều lắm, may mà thực hiện được lời hứa với cô ấy”. Hiên ngồi nghe chồng kể chuyện, lấp lánh mắt cười. “Anh ấy đi rõ nhiều nơi, chỗ nào trồng cây ăn quả là tới, cây gì cũng đem về trồng thử: nhãn, xoài, vải, mít... nhưng cuối cùng hợp nhất với cây cam, cây chanh” - Hiên tiết lộ.

Tôi hỏi anh: “Anh ấn tượng nhất với nơi nào đã đến?”. “Cao Phong, chính là Cao Phong” - anh đáp ngay không do dự. “Là điều gì vậy?” - tôi tò mò.

“Là làm cỏ tự nhiên. Là sử dụng chế phẩm sinh học. Là một câu nói của người trồng cam ở Cao Phong mà tôi suy nghĩ mãi: chúng ta mới chỉ biết ăn cam chứ không biết cho cam ăn” - câu trả lời này khiến tôi nhớ về anh thanh niên 22 tuổi năm xưa.

“Liệu lại có một năm nữa “hành hạ” anh chăng?” - tôi gợi. Anh Đoàn gật.

Trong câu chuyện của anh hiển hiện niềm vui, tình cảm biết ơn chân thành những người bạn ở thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn dạo nào đã “khích tướng” để anh vượt qua chính mình, đi đến thành công ngày hôm nay. “Những lúc bên nhau nâng chén rượu ôn chuyện cũ, các anh hỏi lại tôi là ngày đó, bọn anh nói như thế, chú có tức không. Tôi trả lời rằng chỉ muốn đấm cho mỗi anh một quả cho bõ điên, bõ tủi...” - anh Đoàn phấn khích: “Được thế này, mừng rơi nước mắt, thật tôi không thể hình dung”.

Chuyển đổi sang giống cam chín muộn để không hẫng nguồn thu trong năm, anh Đoàn đã thực hiện và sẽ được thu lứa quả đầu vào năm 2018. Tết Bính Thân năm nay, dự định lớn nhất của anh là mở rộng diện tích trồng chanh tứ thời, cam Vinh, cam V2 với quy mô 10 ha ở Hiền Lương - Phú Thọ. Đặc biệt, nếu dự định thành hiện thực, anh cũng sẽ đưa vào sử dụng hệ thống tưới tiêu tự động. Đi nhiều, học được nhiều điều, anh càng thấy mình phải học nhiều nữa. Điều anh thiếu nhất là “khoa học kỹ thuật, lúc nào cũng chưa đủ”.

Điều anh tiếc nhất là “chỉ học hết lớp 5, thành ra lỡ mất nhiều cơ hội” nhưng anh vẫn rất vui khi “cả bốn người em gái đều được học hành đến nơi đến chốn hơn anh trai”.

Điều anh mong nhất là “sức khỏe cho cả gia đình và hàng xóm phát triển cây ăn quả ngày càng hiệu quả”. Điều anh theo đuổi là “đầu tư dần, không ồ ạt, không quá sức”. Điều anh muốn cảm ơn là “những người đã chia sẻ cho tôi kinh nghiệm trồng cây để tôi lại chia sẻ đến những người chưa biết”. Với anh Đoàn thì: “Khi tôi chia sẻ thật nhiều, tôi thấy mình thành công hơn”.

Nguyễn Thơm

Các tin khác
Chủ tịch UBND xã Pá Lau - Bùi Hồng Anh trao đổi với người dân trong xã về thực hiện các giải pháp xóa đói giảm nghèo.

YBĐT - Những ngày cuối tháng 6, xe tôi từ bản Đêu, xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) bon bon theo con đường bê tông uốn lượn như dải lụa trắng vắt ngang lưng trời đến với xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu.

Già Sử (ngồi giữa) cùng lãnh đạo xã Nậm Khắt bàn về công tác phát triển kinh tế ở bản Hua Khắt.

YBĐT - Già làng Thào Bủa Sử chẳng nhớ nổi mình đã dừng chân trước bao nhiêu ngôi nhà, nói chuyện với bao nhiêu người ở bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải này. Chỉ biết rằng, những nơi già đến, hủ tục, đói nghèo bị đẩy lùi nhường chỗ cho đời sống mới với ấm no, hạnh phúc. Dân bản, chính quyền tin yêu, nể trọng và gọi già Sử là già làng chống hủ tục.

Đại tá Trần Kim Hải - Phó giám đốc Công an tỉnh (thứ 2 bên trái) trao đổi với Tổ công tác tăng cường cơ sở tại xã Khánh Hòa.

YBĐT - Tăng cường cơ sở là một chủ trương hết sức đúng đắn và mang nhiều ý nghĩa. Năm 2016 này, Công an tỉnh Yên Bái tiếp tục cử 10 tổ công tác (mỗi tổ gồm 5 thành viên, do một lãnh đạo cấp phòng làm tổ trưởng) về tăng cường cho các xã, thời gian từ tháng 3 đến hết tháng 7 năm 2016. Đi tăng cường là phải cơm niêu, nước lọ, phải chịu đựng nhiều thiếu thốn, vất vả nhưng đã là chiến sỹ thì ai cũng đều cố gắng vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bác sỹ Vũ Hoàng Toàn (thứ 3 bên phải) là một trong 30 bác sỹ trẻ bám bản tiêu biểu, được vinh danh tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, năm 2016.

YBĐT - Trẻ trung, dáng người thư sinh cùng nụ cười rạng rỡ, khiến ai khi nhìn cũng thấy cảm mến bác sỹ Vũ Hoàng Toàn - Trưởng trạm Y tế xã Xuân Lai, huyện Yên Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục