Làm cán bộ tốt để dân tin

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/7/2016 | 10:17:06 AM

YBĐT - Tôi gặp chị - người phụ nữ đằm thắm có đôi mắt hút hồn, duyên dáng trong chiếc áo cỏm ôm sát eo thon. Bên ngôi nhà sàn truyền thống ấm cúng có 3 thế hệ trong gia đình cùng chung sống, cũng là cơ sở nghỉ dưỡng của khách du lịch cộng đồng, chị khiêm tốn khi nói về mình trên cương vị Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã song lại rất hào hứng khi chia sẻ về kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng ở địa phương.

Chị Hoàng Thị Phượng là người đầu tiên phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở xã Nghĩa An.
Chị Hoàng Thị Phượng là người đầu tiên phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở xã Nghĩa An.

Người nữ cán bộ nổi tiếng xinh đẹp ấy là chị Hoàng Thị Phượng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ. Chị còn được biết đến là người đầu tiên ở thị xã Nghĩa Lộ phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại gia đình.

Nhìn vào cách ăn mặc, cách chị chế biến những món ăn truyền thống của địa phương, hay sự am tường về mảnh đất Mường Lò, về các phong tục tập quán của đồng bào Thái…, ít ai nghĩ rằng chị lại là người Mường chính gốc quê Văn Chấn. Làm con dâu người Thái, lại gắn bó công tác ở Nghĩa An nhiều năm, mảnh đất đã trở thành quê hương thứ hai của mình, có lẽ chính sự hòa đồng, hiểu biết về văn hóa các dân tộc thiểu số là điều kiện thuận lợi để chị Phượng sâu sát cơ sở, gần dân, học dân, được dân tin yêu.

Tâm niệm đã là “công bộc” của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm trao gửi niềm tin thì bản thân phải trách nhiệm, tận tụy với công việc. Bởi vậy, trước mọi nhiệm vụ được giao, đặc biệt hơn chục năm đảm trách trên cương vị là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, rồi Chủ tịch HĐND xã Nghĩa An, chị luôn nhiệt huyết cùng đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã, cán bộ thôn, bản tuyên truyền, vận động nhân dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới; tích cực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái cũng như vận động xóa bỏ những lệ tục không còn phù hợp gây tốn kém, lãng phí trong đời sống sinh hoạt.

Kiên trì thuyết phục, quyết tâm thực hiện, nhiều năm qua, xã Nghĩa An đã xóa bỏ tục tổ chức cưới ngày thứ 2, tục xin lộc con cái, tục cô dâu tặng quà nhà trai trong lễ cưới; đồng thời, xây dựng nét đẹp sử dụng trang phục dân tộc trong đám cưới được nhân dân đồng tình ủng hộ. Khó như việc vận động nhân dân không tổ chức đám tang kéo dài trong 36 tiếng, không tổ chức ăn uống tốn kém…, thì nay việc khó đã thành công. Hơn thế, xã còn vận động 100% hộ dân các thôn, bản tự nguyện đóng góp từ 5 - 10 kg thóc ngoài khoản phúng viếng để giúp đỡ các gia đình khi có người qua đời; thành lập 52 phường tiết kiệm giúp nhau xóa đói giảm nghèo.

Là Phó bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã, người nữ cán bộ năng động này đã cùng với Đảng bộ, chính quyền xã tham gia lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo chuyển biến rõ nét trong đời sống nhân dân. Trong công tác Đảng, chỉ riêng 5 năm qua, Đảng bộ xã đã kết nạp 27 đảng viên mới; 86% tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch, vững mạnh, không có tổ chức Đảng yếu kém.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở Nghĩa An đang có những bước đi vững chắc. Người dân đồng thuận hiến trên 5 ha đất và 1 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiện xã đã hoàn thành 15/19 tiêu chí nông thôn mới. Kinh tế địa phương có sự chuyển dịch đúng hướng: 80% diện tích lúa gieo cấy bằng giống chất lượng cao; 560 ha rừng kinh tế được quản lý khai thác tốt; giữ vững kinh tế tập thể hợp tác xã…

Là người nhiệt tình, năng nổ, trách nhiệm, với vai trò là Chủ tịch Hội Khuyến học của xã, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các gia đình, chị Phượng rất quan tâm đến việc phát triển các tổ chức khuyến học ở thôn, bản, dòng học. Đến nay, xã đã có 21 chi, ban, dòng họ khuyến học, đạt 100% thôn, bản, dòng họ, các cơ quan, đơn vị có tổ chức khuyến học, với gần 900 hội viên tham gia. Việc học tập lên cao đã thực sự trở thành mục tiêu phấn đấu của nhiều gia đình. Chẳng thế mà 98% hộ gia đình trên địa bàn xã đều có góc học tập và đầu tư học tập đầy đủ cho con em mình.

Đáng nói hơn, từ một địa phương không có người theo học đại học, ở Nghĩa An hiện nay, bình quân 1 năm có 5 người đi học và đỗ đại học; số lượng con em người địa phương tham gia học chuyên nghiệp ngày càng tăng. Chị Phượng còn cùng với Ban Thường vụ Đảng ủy xã vận động cán bộ, công chức đóng góp 200 triệu đồng xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học trên địa bàn; vận động nhân dân quyên góp xây dựng Quỹ Khuyến học của xã được 210 triệu đồng.

5 năm qua, từ nguồn quỹ này, Hội Khuyến học xã đã kịp thời khen thưởng thành tích khuyến học, khuyến tài cho 87 tập thể, cá nhân; đồng thời, hỗ trợ cho 55 học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Thành công trong công tác khuyến học đã đưa Nghĩa An trở thành đơn vị dẫn đầu khối xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh về công tác khuyến học.

Không chỉ “giỏi việc nước”, với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế, người nữ Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã - Hoàng Thị Phượng còn được biết đến với mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại gia đình nổi tiếng hiệu quả ở Nghĩa An nói riêng và thị xã Nghĩa Lộ nói chung.

Nhận thức đúng đắn về chủ trương phát triển kinh tế du lịch của tỉnh, nhất là định hướng phát triển du lịch cộng đồng của thị xã, có kinh nghiệm 5 năm quản lý hoạt động khu du lịch làng nghề Nghĩa An, lại được tham quan, học tập kinh nghiệm làm du lịch tại các nước láng giềng có ngành du lịch phát triển, như: Trung Quốc, Lào, Thái Lan…, chị bắt tay vào làm du lịch và trở thành hộ đầu tiên ở thị xã phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại gia đình.

Chị Phượng cho hay: “Để phát triển hiệu quả mô hình du lịch tại nhà, mình và các thành viên trong gia đình luôn ý thức giữ gìn nếp nhà truyền thống 3 thế hệ, giữ gìn kiến trúc nhà sàn, phong tục tập quán của dân tộc Thái với các vật dụng mang giá trị văn hóa đặc trưng riêng của người dân bản địa như: chăn, ga, gối, đệm… sử dụng các chất liệu thổ cẩm. Kết hợp hài hòa ẩm thực truyền thống của dân tộc với những món ăn mang phong cách hiện đại, phù hợp với khẩu vị của du khách, nhất là khách du lịch là người nước ngoài; trong đó, đặc biệt coi trọng cách chế biến công phu các món ăn truyền thống.

Bản thân rất chịu khó tìm tòi, nghiên cứu các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc; các danh lam thắng cảnh, sông, suối, đồi, núi, các ngành nghề truyền thống ở địa phương để giới thiệu với du khách nhằm tôn vinh, quảng bá, tạo dựng hình ảnh thiên nhiên, con người vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ đẹp, thân thiện, đặc sắc về văn hóa đối với du khách nước ngoài”.

Sau 7 năm nỗ lực, bằng uy tín và trách nhiệm của mình, chị Phượng đã thành công. Mô hình du lịch cộng đồng của gia đình chị đã tạo được lòng tin với các công ty du lịch lữ hành. Năm 2011, gia đình chị đã được Công ty Du lịch lữ hành Thân Thiện ký kết hợp đồng liên kết lâu dài, được Công ty hỗ trợ đầu tư một số trang thiết bị, vật dụng và hỗ trợ tiền hàng tháng ngoài tiền dịch vụ của từng đoàn khách…

Hiện nay, nhà sàn đón khách của chị được đầu tư đầy đủ tiện nghi như tivi, tủ lạnh, mạng Internet. Du khách được chị sắp xếp chỗ ăn, nghỉ chu đáo; tận tình hướng dẫn làm các công việc thường ngày. Chị còn tổ chức các tour khám phá phong cảnh thiên nhiên như: tour đi xe đạp tham quan suối Nậm Đông, tour đi xe đạp vượt 30 km lên Trạm Tấu để tìm hiểu đời sống sinh hoạt của người Mông; hợp tác với nhiều hãng lữ hành xây dựng các tour đón khách…

Chỉ riêng từ năm 2010 đến hết năm 2015, gia đình chị đã đón tiếp 5 nghìn lượt khách du lịch quốc tế, chủ yếu là người Pháp, Anh, Bỉ, Hà Lan… và trên 3 nghìn lượt khách trong nước với mức thu nhập bình quân một năm 80 triệu đồng. Chất lượng dịch vụ được gia đình đầu tư ngày càng cao, nhận được sự hài lòng, mến mộ của du khách trong và ngoài nước. Chị Phượng cho biết: “Số lượng khách đến với gia đình hàng năm đều tăng. Gia đình hiện đã liên kết với 41 công ty du lịch lữ hành trong nước”.

Từ hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng tại gia đình mình, để giúp các hộ dân trong bản có điều kiện phát triển kinh tế, chị đã vận động, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn thêm 5 hộ gia đình khác trong bản Đêu cùng làm du lịch cộng đồng. Chị vận động bà con dân bản, trong xã nuôi, trồng những sản phẩm sạch, an toàn; phát triển thêm một số ngành nghề thủ công, chủ yếu là các sản phẩm làm quà lưu niệm mà chính gia đình chị là cơ sở trực tiếp tiêu thụ các sản phẩm đó cho bà con, từng bước tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông nhàn ở địa phương.

Nỗ lực, tâm huyết xây dựng hình ảnh Nghĩa Lộ - Mường Lò đẹp, huyền bí; tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Thái thông qua mô hình du lịch tại chính gia đình của chị Phượng, đến nay, Nghĩa An đã phát huy được thế mạnh đặc trưng của mình và tạo uy tín với nhiều công ty lữ hành trong nước và quốc tế. Với những đóng góp tích cực ấy, năm 2010, chị Hoàng Thị Phượng được UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong xây dựng thị xã văn hóa giai đoạn 2003 - 2008 và bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2009.

Năm 2015, chị tiếp tục được UBND tỉnh tặng bằng khen trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015; bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2015. Đặc biệt, tại Hội nghị Tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của tỉnh tổ chức đầu năm 2016, chị vinh dự là một trong số 13 cá nhân điển hình xuất sắc được tỉnh trao tặng bằng khen.

Nhiệt huyết phấn đấu làm người cán bộ tốt để dân tin đã đưa người nữ cán bộ này trở thành “bông hoa đẹp” của bản, được đồng bào mến mộ, cán bộ, đảng viên tin yêu. Điều đáng nói, thành công từ mô hình du lịch cộng đồng tại gia đình mà chị Phượng nỗ lực gây dựng đã góp phần không nhỏ đưa Nghĩa An trở thành làng du lịch cộng đồng có tiếng và là điểm dừng chân thú vị của nhiều du khách trên hành trình khám phá vùng đất Mường Lò, góp phần tạo dựng nền tảng vững chắc để thị xã từng bước xây dựng thành công Đề án “Xây dựng thị xã văn hóa - du lịch Nghĩa Lộ giai đoạn 2013 - 2020”, phấn đấu trở thành đô thị loại 3 năm 2020.

Phạm Minh

Các tin khác
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Đoàn (bên trái) thu 1,3 tỷ đồng tiền bán cam, chanh tứ thời và cây giống năm 2015.

YBĐT - “Bây giờ, ai còn trồng chè...” - nghe bạn chê mà anh thấy “nóng mặt”. “Trồng chè thì đói lắm!” - nghe thêm một người bạn tỏ vẻ cảm thông mà lòng anh “đau” vì “tủi”. Những sự lòng “đầy tự trọng trai tráng” ấy đã suốt một năm dài không tưởng “hành hạ” người thanh niên 22 tuổi. Mặc bao xì xèo, anh vẫn quyết tâm đưa cây cam về trồng thay thế cây chè, sau đó là cây chanh tứ thời...

Chủ tịch UBND xã Pá Lau - Bùi Hồng Anh trao đổi với người dân trong xã về thực hiện các giải pháp xóa đói giảm nghèo.

YBĐT - Những ngày cuối tháng 6, xe tôi từ bản Đêu, xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) bon bon theo con đường bê tông uốn lượn như dải lụa trắng vắt ngang lưng trời đến với xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu.

Già Sử (ngồi giữa) cùng lãnh đạo xã Nậm Khắt bàn về công tác phát triển kinh tế ở bản Hua Khắt.

YBĐT - Già làng Thào Bủa Sử chẳng nhớ nổi mình đã dừng chân trước bao nhiêu ngôi nhà, nói chuyện với bao nhiêu người ở bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải này. Chỉ biết rằng, những nơi già đến, hủ tục, đói nghèo bị đẩy lùi nhường chỗ cho đời sống mới với ấm no, hạnh phúc. Dân bản, chính quyền tin yêu, nể trọng và gọi già Sử là già làng chống hủ tục.

Đại tá Trần Kim Hải - Phó giám đốc Công an tỉnh (thứ 2 bên trái) trao đổi với Tổ công tác tăng cường cơ sở tại xã Khánh Hòa.

YBĐT - Tăng cường cơ sở là một chủ trương hết sức đúng đắn và mang nhiều ý nghĩa. Năm 2016 này, Công an tỉnh Yên Bái tiếp tục cử 10 tổ công tác (mỗi tổ gồm 5 thành viên, do một lãnh đạo cấp phòng làm tổ trưởng) về tăng cường cho các xã, thời gian từ tháng 3 đến hết tháng 7 năm 2016. Đi tăng cường là phải cơm niêu, nước lọ, phải chịu đựng nhiều thiếu thốn, vất vả nhưng đã là chiến sỹ thì ai cũng đều cố gắng vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục