Liêm lớn lên ở xã Xuân Lai, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Sau ngót nửa thập kỷ lập nghiệp, nhờ xây dựng thành công hệ thống trang trại chăn nuôi tiền tỷ, nhận hàng loạt giải thưởng cao quý, tên tuổi của Liêm ngày càng được nhiều người biết đến, đồng thời cũng đặt câu hỏi về hành trình khởi nghiệp của anh.
Gần 10 năm lưu lạc
Xuất phát điểm ở một miền đất nhiều khó khăn, Liêm cùng hầu hết thanh niên ở địa phương chọn cách ra đi để tìm kiếm cơ hội đổi đời. Qua gần 10 năm, trải qua đủ thứ nghề, chàng trai trẻ ngày nào nhanh chóng nếm đủ sự khắc nghiệt của "trường đời".
Liêm kể, khi anh bắt đầu rời nhà ra thành phố, lang bạt vào tận miền Nam xa xôi làm ăn, vì không có kinh nghiệm nên các công việc đều rất cực nhọc, từ chạy vặt ở công trường xây dựng, người ta bảo gì làm đó, khuân vác vật liệu, vận hành máy trộn bê tông, đến làm thợ trong các xưởng gỗ...
Mất gần 2 năm gắn bó với các công việc chân tay, Liêm bảo thời điểm đó anh giống như rơi vào bế tắc. Nhìn những bạn trẻ cùng trang lứa lập nghiệp, đạt được những thành công lớn, anh thấy tương lai mình mù mịt. Nhiều đêm trăn trở, nước mắt cứ vô thức trào ra không có cách nào kìm được.
Thế rồi, đúng vào lúc cuộc đời tưởng chừng như mất phương hướng, một tia sáng le lói lại vụt lên. Một người bạn đã rủ anh cùng tham gia vào đoàn đi buôn trâu, bò. Vốn là một chàng thanh niên từ quê ra phố, đi buôn là một công việc lạ lẫm, khiến anh phải nỗ lực gấp nhiều lần.
"Có những chuyến đi dài ngày rong ruổi từ lúc đi tìm trâu đến lúc bán được mất cả tháng trời, nhiều hôm anh em chỉ ngủ 2 - 3 tiếng đồng hồ. Người gần như kiệt sức, nhưng nghĩ đến tương lai, tôi lại buộc mình phải đứng dậy bước tiếp”, Liêm nhớ lại.
Có một điều đặc biệt mà chính Liêm cũng không thể lý giải là anh có một khả năng trời phú trong việc đánh giá chất lượng trâu. Nhiều người trong ngành bảo anh là một tay "sành trâu”.
Anh chia sẻ, giới "cò” buôn trâu có rất nhiều chiêu trò khi bán, nếu không tỉnh táo có thể mua phải những con trâu "đầu tang, xoáy tóc, hàm sà” nhưng đã được thẩm mỹ lại, loại này rất khó bán. Vì vậy, có mắt nhìn trâu là rất quan trọng, quyết định thành bại của cả một chuyến đi.
Nhờ khả năng trời phú, công việc buôn bán của Liêm nhanh chóng khởi sắc. Cũng chính trong khoảng thời gian này, việc đi nhiều, tiếp xúc nhiều khiến anh mở mang đầu óc, có cái nhìn tiến bộ hơn, từ đó hình thành một khát vọng xây dựng một sự nghiệp riêng trên mảnh đất quê hương.
Bước trên "đại lộ” riêng
Nhiều năm lưu lạc từ Nam ra Bắc, mang trong mình một khát vọng khởi nghiệp, Liêm nhận thấy những tiềm năng to lớn ở quê hương chưa được khai thác. Nhìn cảnh người dân quê mình quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà không hết khổ, càng khiến anh quyết tâm thực hiện hoài bão.
Cầm trong tay số vốn 1 tỷ đồng, số tiền mà anh đã mất gần 10 năm để tích lũy, đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, Liêm trở về quê hương lập nghiệp với con mắt nghi ngờ của không ít bạn bè, người dân địa phương. Mô hình anh chọn là xây dựng trang trại chăn nuôi trâu vỗ béo.
Liêm kể, trước khi khởi nghiệp với mô hình trang trại, anh có khoảng 2 năm thử nghiệm mô hình nuôi trồng và đánh bắt tôm, cá trên vùng hồ thủy điện Thác Bà. Khoảng thời gian này đã giúp anh có cái nhìn toàn cảnh và nhận thấy tiềm năng về kinh tế đối rừng ở quê hương.
Nhận thấy việc đi một mình là rất khó nên anh chủ động kết nối với các cơ quan chức năng để thành lập HTX, lấy tên là HTX dịch vụ tổng hợp Thiên An, nhằm phát huy sức mạnh liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời đây cũng là cách để anh nhận được sự tin tưởng, hỗ trợ tốt hơn từ địa phương.
Khi bắt đầu khởi nghiệp, khó khăn đầu tiên mà anh và các thành viên HTX gặp phải là việc đầu tư xây dựng chuồng trại. Để đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, anh đã bỏ nhiều công sức đi tham quan các mô hình điểm để học hỏi, từ đó xây dựng một hệ thống trang trại phù hợp với "thiên thời, địa lợi” tại địa phương.
Khi chuồng trại được hoàn tất, đảm bảo nguồn thức ăn chăn nuôi, các thành viên HTX đều bố trí các khu trồng cỏ sạch. Đồng thời, Liêm với tư cách Giám đốc HTX cũng kết nối với các nhà khoa học để học cách ủ các loại thức ăn như cỏ lên men, bã bia, cám ngô… đảm bảo dinh dưỡng tốt nhất cho vật nuôi.
Việc đi tìm nguồn cung trâu vỗ béo cũng lắm công phu. Những bài học kinh nghiệm trong nhiều năm đi buôn được Liêm truyền lại cho những đồng sự, hộ nông dân liên kết. Sau đó, HTX đổ quân đi khắp các tỉnh thành phía Bắc nhằm tìm kiếm những con trâu gày, không được chăm sóc đúng cách về vỗ béo.
Đến nay, cùng với các "tiền trạm” tỏa đi mua trâu tại các tỉnh, HTX cũng đang đảm bảo nguồn trâu giống, đáp ứng nhu cầu chăn nuôi của thành viên HTX, phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh.
Xây dựng "miền đất hứa”
Sau những thành công đang có, Liêm cho rằng bí quyết của anh là không ngừng học hỏi. Chưa có kinh nghiệm thì bỏ công sức đi học hỏi những mô hình đã thành công. Chưa có kỹ thuật thì kết nối với nhà khoa học để hỏi. Thiếu thị trường thì chủ động tìm kiếm, liên hệ với các đơn vị tiêu thụ, thuyết phục họ bằng uy tín, chất lượng sản phẩm...
"Khi khởi nghiệp với chăn nuôi trâu, một mô hình được coi là "cũ kỹ” ở quê, không nhiều người tin tôi có thể thành công, bởi xưa nay chưa thấy ai nuôi trâu, bò mà giàu được. Nhưng nhờ được học hỏi, trao đổi, tiếp xúc nhiều nên tôi có thể thấy được tiềm năng của một mô hình tưởng chừng như đã cũ”, Liêm nói.
Liêm chia sẻ, ước mơ của anh khi khởi nghiệp là đóng góp vào quá trình phát triển của địa phương, góp phần xây dựng vùng sơn cước xã Xuân Lai thành vùng đất trù phú, người nông dân có thu nhập cao, vươn lên khấm khá, giàu có, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, được học hành.
Được thành lập tháng 7/2019, sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, HTX Thiên An đã tạo chỗ đứng vững trên thị trường. Trung bình mỗi lứa, trang trại của HTX chăn nuôi tập trung quy mô 100 - 120 con trâu, bò. Mỗi năm, HTX nuôi luân chuyển, xuất bán 1.500 con trâu, bò thịt và trâu, bò giống. Thị trường tiêu thụ trải khắp từ Yên Bái đến Tuyên Quang, Lào Cai và Hà Nội. Lợi nhuận bình quân của 10 thành viên trong HTX đạt khoảng 150 triệu đồng/người/năm.
Và thực tế, ước mơ của anh đang dần được hiện thực hóa. Chỉ cần nhìn vào tư duy sản xuất của thành viên HTX Thiên An và các hộ liên kết tại địa phương hiện tại có thể thấy rõ sự thay đổi.
Trước đây, người dân chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu khoa học - kỹ thuật, luẩn quẩn cái nghèo đeo bám, môi trường ô nhiễm. Đến nay, với hiệu ứng từ trang trại của Liêm và HTX, người dân dần tỉnh thức. Trong quá trình nuôi, phải có sổ sách ghi chép từng ngày. Nhờ ghi chép, các hộ thuận lợi hơn trong việc tính toán, lập kế hoạch, từ đó gia tăng giá trị chăn nuôi.
Với khát khao đóng góp xây dựng quê hương thành một "miền đất hứa”, Liêm đang nỗ lực hết mình để xây dựng HTX Thiên An trở nên lớn mạnh, nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động, từ đó góp phần đẩy nhanh quá trình xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Hiện tại, không chỉ phát triển chăn nuôi, Liêm còn phát triển hơn 10 ha rừng, chủ yếu là bạch đàn, tạo việc làm cho 10 lao động với mức lương 4,5 triệu đồng/người/tháng. Bình quân mỗi năm, trang trại tổng hợp mang lại nguồn thu hơn 2 tỷ đồng cho gia đình anh.
Giữa thời điểm đại dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của HTX, vào những ngày đầu của tháng 12 (2/12/2021) tin vui báo về, Hoàng Văn Liêm vinh dự trở thành đại diện duy nhất của tỉnh Yên Bái được vinh danh trong Top 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021.
Những giải thưởng không phải là đích đến, nhưng Liêm bảo sự ghi nhận của ban ngành chức năng là động lực để anh tiếp tục nỗ lực trên hành trình truyền cảm hứng lập nghiệp, đồng thời cũng giúp các thành viên, hộ liên kết của HTX Thiên An có thêm niềm tin, động lực để vững bước tương lai.
(Theo vnbusiness)