Đường xuân

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/2/2011 | 8:44:37 AM

Không còn xa ngày cuối năm là mấy. Về thôi, về quê ăn tết thôi! Là cái tết đầu tiên của cuộc đời sinh viên, bao ngày xa quê, sao không mong mỏi hôm về.

Ảnh: Hoàng Đô
Ảnh: Hoàng Đô

Buổi thi học phần môn cuối cùng vừa kết thúc, nhẹ bẫng mối lo học hành, xốn xang bước chân về quê mẹ. Cánh cổng ký túc xá khép lại sau bước chân, đã nghe như tiếng chuyển động của con tàu ngược gần lắm. Không biết là đi hay chạy nữa. Ra ga để về nhà, nghe lòng hân hoan hạnh phúc. Những mong ngóng làm quên hết cả chật chội chốn thị thành, thêm cái đông đúc tàu xe tết nhất, để len, để yên chỗ trên con tàu sắp lăn bánh, đưa tôi về quê núi thương yêu.

Đèn điện thị thành Hà Nội dần khuất lấp. Gió đêm ngoài ô cửa tàu ù ù. Biết rằng chỉ qua chưa hết đêm nay thôi, bàn chân đã bắt đầu đặt trên đất núi, mà sao vẫn thấy tiếng xình xình tàu lăn chậm thế, thời gian như dài thêm trên đường ray... Bỗng đâu cơn gió lạnh đến rùng mình ùa qua trên má. Chợt nhận ra hơi lạnh quen thuộc, cái lạnh có hơi sương rừng đấy! Con tàu đã vào ga cuối trong cuộc hành trình trên đường ray của mình. Quê núi đã là đây. Dẫu về nhà vẫn còn thêm cả trăm cây số ô tô, song đã thấy ấm lòng rồi. Những đỉnh núi xa, gần mờ tỏ trong sương sớm, thân quen và mong nhớ.

Khi vài tia nắng bắt đầu buông mình, lác đác sương tan trên những lá cây rừng hoang dại, chợt nhận ra con đường núi như có gì khác lạ! Phải rồi, đường xuân mà. Không chỉ rực lên bởi những bông dã qùy vàng tươi rải rác suốt hai vạt đường mà còn rộn rã bởi muôn bước chân ngược xuôi về quê đón tết bên gia đình, bên những người thân yêu của mỗi người.

Trong xuôi ngược trên con đường xuân, bất chợt tập nập thêm bởi đoàn người dong duổi xe máy nối đuôi nhau với dáng dấp của một cuộc hành trình không ngắn chút nào. Tôi biết đó là những thầy cô giáo miền xuôi lên vùng cao này gieo chữ giờ cũng đang trên đường về quê ăn tết.

Qua nhiều ngày đông rét mướt, khi đã trắng xoá màu mận và bắt đầu bung nở những cánh hoa phơn phớt sắc hồng của đào rừng làm ấm nóng cả những khoảng núi rừng hút gió, lũ học trò nội trú vùng cao lục tục kéo nhau về bản ăn tết, cũng là lúc những thầy cô giáo cắm bản bao ngày khấp khởi sửa soạn về quê đón xuân bên gia đình.

Đường xuống núi vẫn nhọc nhằn như muôn thuở, đường về xuôi cũng vẫn dài như ngày mới lên chốn núi rừng dạy chữ, nhưng các thầy cô không quên mang theo mớ lá dong rừng hay vài chiếc bánh dày chắc nịch. Quà vùng cao đấy, giản đơn mà chất chứa lòng biết ơn và cảm mếm của những học trò nghèo xứ núi. Bóng dáng đoàn xe của những thầy cô giáo dần khuất, rồi sẽ xuôi về những nẻo rất xa, trung du hay đồng bằng, có khi cả mấy tỉnh tận miền Trung xa ngái. Có lẽ đường xuân sẽ làm cuộc hành trình ngắn lại.

Những chuyến xe khách vẫn ngược xuôi mang theo cả những cành đào rừng rung rinh cánh hoa, những chồng lá dong xanh tươi chất ngất về xuôi. Bất giác một nhành mai vàng nhỏ nhỏ bỗng đâu lấp ló nơi chiếc xe khách lên ngược vừa dừng bến: chút xuân đất phương Nam theo người công nhân xa hương lên miền Tây Bắc. Bước xuống cửa xe, mọi lo toan, vất vả của cuộc mưu sinh trong những ngày xa quê dường như bỏ lại, chỉ còn niềm hạnh phúc đoàn viên ngày xuân nơi khoé mắt anh và nụ cười rạng rỡ của người vợ và đứa con nhỏ ngây thơ ùa đến giây phút gặp mặt.

Con đường núi vàng ruộm màu dã quỳ hoang dại cứ thế phơi phới như lòng thiếu nữ, đưa những bước chân từ muôn nẻo xa xôi gần lại với gia đình. Đã nấn ná chiều hôm, đường xuân vẫn ríu ran tiếng cười đùa của mấy đứa trẻ vùng cao vừa nghỉ học về nhà đón tết; lèng xèng lèng xèng theo nhịp bước của những đồng xu đính trên váy áo em gái Mông rẽ về từ chợ và đâu đó tiếng lục lạc vó ngựa đưa đôi vợ chồng người Mông về bản sau phiên chợ cuối năm.

Trong mêng mang đất trời, con đường núi chợt thêm hương sắc chiều xuân ở nơi gặp gỡ của vàng ruộm những bông dã quỳ hoang dại và sắc trắng tinh khôi của mận rừng. Đã thấy xuân và tết ùa về.

Thu Hạnh

Các tin khác
Khoảnh khắc học sinh Việt Nam được vinh danh

Sau 12 năm, kể từ khi Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia được tổ chức trên phạm vi cả nước và tham dự Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế từ năm 2012 đến nay, đây là lần đầu tiên Việt Nam đoạt giải nhì.

Tuấn Minh là người Việt trẻ nhất lọt vào danh sách Forbes

Tuấn Minh, sinh viên năm thứ ba ngành Quản trị Kinh doanh một trường ĐH tại Hà Nội, vừa được Tạp chí Forbes bình chọn vào danh sách "30 Under 30 Asia".

Nguyễn Đắc Lê Bách, học sinh lớp 12 Chuyên Tin, trường THPT Hà Nội - Amsterdam, vừa đạt kết quả ấn tượng khi giành được học bổng 100% từ ĐH Sydney, Australia.

Nguyễn Đắc Lê Bách, học sinh lớp 12 Chuyên Tin, trường THPT Hà Nội - Amsterdam, vừa giành được học bổng 100% từ ĐH Sydney, Australia.

Viện Toán học của ĐH Stanford (Mỹ) đưa tin về TS Phạm Tuấn Huy và TS Jinyoung Park được trao giải thưởng Dénes König 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục