Chiến tranh - Màu cờ

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/1/2013 | 3:47:23 PM

" Cờ hòa bình bay phấp phới giữa trời xanh biếc xanh…"

Nhìn cờ thấy Tổ quốc. Nhìn cờ thấy nhân dân...
Nhìn cờ thấy Tổ quốc. Nhìn cờ thấy nhân dân...

Thế hệ chúng tôi may mắn được sinh ra trong thời đất nước hòa bình và phát triển. Hồi còn bé, có thể đứa nào cũng nhớ loáng thoáng người lớn có nhắc đến ngày xưa, thời chiến, đến đạn bom… Tôi dám chắc đứa trẻ nào trong chúng tôi cũng sẽ đi hỏi, lòng đầy thắc mắc: "Chiến tranh là như thế nào ạ?"

"Là cuộc chiến mình đánh lại giặc Pháp, giặc Mĩ, đánh bọn đã cướp nước và đàn áp dân mình khổ cực, cháu ạ"- lời bà giải thích giản dị như thế. Cuộc đời của ông bà tôi đã đủ để giải thích hơn thế. Tham gia kháng chiến, nuôi bộ đội, tích cực lao động, sản xuất trong hợp tác để phục vụ chiến đấu… Rồi còn xót xa góp cho đất nước một người con yêu thương.

Chiến tranh trong kí ức của bố mẹ là cái mũ rơm và hộp cứu thương mang theo khi đến trường, hễ có báo động là nhanh chóng lấy mũ, túi cứu thương tản nhanh theo giao thông hào ra các phía, vào hầm trú ẩn. Là mỗi lần đi chạy giặc, đi sơ tán trong hoảng loạn mưa bom bão đạn.

Chiến tranh là hai từ ghê sợ trong tâm trí bạn tôi. Từ tiểu học được miễn học phí, mà có ai đó vô tâm: "Sướng nhỉ?". Sướng?! "Tớ đi học bằng tiền xương máu của bố." Bạn nước mắt lưng tròng khi nghĩ về người bố thương binh với cơn đau buốt chỗ vết cưa chân mỗi lúc trái gió trở trời.

Chưa trải qua nên chưa thể hiểu và sẽ không bao giờ có thể hiểu được nỗi đau mà chiến tranh gây ra, như những người đã đi qua nó. Những gì chúng tôi biết về chiến tranh chỉ ít ỏi qua những trang sách, lời bài hát, những bộ phim tài liệu. Cùng với những mẩu chuyện góp nhặt từ ông bà, cha mẹ, tôi chí ít cũng có thể cảm nhận đôi phần về cái thời kì khốc liệt ấy của dân tộc. Để biết rằng, dựng xây nên đất nước hôm nay là bao xương máu của những người đi trước:

"Có cái chết hóa thành bất tử

Có con người như chân lý sinh ra"

Tôi đọc "Mãi mãi tuổi hai mươi", "Nhật kí Đặng Thùy Trâm" mà không khỏi xúc động. Tôi cảm thương và ngưỡng mộ những con người đã hiến dâng cho đất nước này tuổi xuân với bao ước mơ, hi vọng. Lý tưởng của một thế hệ thanh niên bấy giờ là lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc, là xếp bút nghiên, gác lại hoài bão nơi giảng đường, là tiễn biệt gia đình, người thương để chiến đấu cho màu cờ hôm nay.

Tháng cuối năm. Tháng để người ta nhìn nhận lại những gì đã qua, vội vã cho những việc còn dang dở. Tháng 12 lịch sử. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Chiến thắng "Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không".

Vì thế có nghi thức chào cờ, giờ chào cờ đầu tuần cho cậu học trò hôm nay học trân trọng quá khứ, học giữ đạo lý "uống nước nhớ nguồn". Qua sắc cờ đỏ sao vàng đó, sắc thắm nhuộm bởi bao lớp người trước đổ máu. Mỗi khi trông lá cờ Tổ quốc phấp phới dưới bầu trời hòa bình, không người Việt Nam nào được phép quên đi những giá trị kia. Chúng ta tự hào về đất nước mình và không thôi trăn trở: Làm sao để cờ đỏ sao vàng được kéo lên cao hơn, nổi bật đầy kiêu hãnh giữa muôn màu cờ nước bạn?

Nguyễn Diệu Huyền (Lớp 12 Anh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành)

Các tin khác
Hoa đào. (Ảnh: Hà Linh)

Cái tết hồi nhỏ của tôi là không khí tết nhộn nhịp tươi vui khi đi chợ cùng bố mẹ, được mua sắm bao nhiêu đồ đạc mới, còn cái tết năm tôi 12 tuổi tôi thực sự có được nhiều trải nhiệm mới.

Bóng nắng bỗng vội vàng đi mất/ Chiều nay man mác những giọt mưa

Tuổi thơ. (Ảnh minh họa)

Ở huyện xa chị trông về nơi ấy Có dáng hình em - cậu bé thơ ngây

Ảnh minh họa.

YBĐT - Trong cuộc sống, đôi lúc người ta cũng cần những khoảng lặng cho riêng mình. Trầm lắng đi một chút, thu mình lại một chút để suy ngẫm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục