Ký ức tháng Chạp

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/2/2013 | 10:47:54 AM

Tháng Chạp trong ký ức tuổi thơ tôi là nắng nhạt, nồm non, mưa cải lây rây chợt về mỗi sớm. Những cánh đồng mươn mướt xanh lúa đang thì thầm mùa hân hoan.

Ảnh: Hoàng Đô
Ảnh: Hoàng Đô

Tôi muốn ngắm nhìn bãi ngô non trải biếc một sớm Mường Lò, muốn ngắm vườn cà chua lúc lỉu, đỏ rực giữa tiết trời se sắt. Tất cả đều góp phần bồi đắp nên cuộc sống ấm no, nên niềm vui đủ trong lòng người dân quê truyền đời lam lũ.

Tháng Chạp trời quang, da trời thẳm xanh, mây trắng lững lờ, chao nghiêng cánh én từng đàn là tín hiệu một mùa xuân đẹp, chúc cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Trong nắng sớm, màn sương mỏng chưa kịp tan, mơ hồ vầng ngũ sắc. Và trên mỗi nhánh lúa non tơ, trên đầu ngọn cỏ biếc, nắng khẽ khàng khoe mình trong sương, sương thẹn thùng long lanh trong nắng… Ôi vô vàn mắt ngọc, chợt nhớ đã bao lần hiếu động, tôi xoè bàn tay nhỏ nhắn trẻ thơ hứng lấy hạt nắng màu nhiệm kia để rồi vỡ oà luyến tiếc!

Tháng Chạp, nhà nhà, người người cùng rủ nhau chỉnh trang đường làng, ngõ xóm. Tôi hãy còn nhớ ngày nào, đường xóm vẫn còn là đường đất, bé và hẹp  tựa chính những bước chân non. Giờ đây quang cảnh đổi khác, dù chỉ là ngõ cũng đã được lát bê tông đi tận đến thềm nhà. Năm mới xuân về, mọi người lại tập trung nhau dọn dẹp, làm vệ sinh đường sá. Vừa lao động, vừa cười nói râm ran, tình làng nghĩa xóm đơn sơ thế cũng đủ ấm lòng.


Tháng Chạp, rào giậu từng nhà được sửa sang, cắt xén, rào nẹp lại. Lối nhỏ mỗi ngày vẫn thường chui tắt qua vườn sang nhà hàng xóm đã bịt kín rồi, ôi ngẩn ngơ lối cũ! Tôi vẫn thường tiếc những ngọn mồng tơi xanh non vừa phất phơ, ngo nguẩy ấy giờ bị xén bằng “đi vào nền nếp” mất rồi.

Tháng Chạp được mẹ dắt đi chợ tết. Con đường quen thuộc mỗi ngày giờ trở nên xa hơn, kỳ diệu ảo mờ. Hòa trong đoàn người đi chợ, cả những gương mặt dù là thân quen hay lạ lẫm đều tươi vui, hớn hở. Hồi ấy, tôi ngây thơ, tôi hồn nhiên, cứ nằng nặc đòi mẹ mua cho đủ thứ. Đâu đủ trưởng thành để thấu hiểu nỗi lo toan của người lớn mỗi khi tết ghé nhà. Chợ tết đông đến ngợp. Nào các loại hoa, bánh kẹo, mứt tết rực rỡ sắc màu. Người đâu mà lắm, hàng hóa đâu mà nhiều, lời đâu như vỡ. Được ướm bộ quần áo mới, thử chân đôi dép đi vừa lòng hân hoan đến lạ.

Tháng Chạp, mẹ hay tính ngày đẹp để thích hợp gói bánh chưng. Cả năm, thức nào cũng dồn vào cái tết, khiến mọi người dường như tất bật hơn hẳn. Mẹ chuẩn bị gạo nếp, thịt, đỗ xanh - nguyên liệu cho làm bánh ngày tết mà tôi thấy háo hức, mà nóng lòng mong ngày chóng trôi qua. Như thành thói quen, không kể từ bé hay giờ đã lớn, tôi đều tranh phần ngồi trông nồi bánh chưng, nhìn lửa tí tách, than đượm ấm nồng, thấy yêu cái tết ở quê nhiều thế.

Tháng Chạp, những ngày cuối cùng trong năm, là ngày tề tựu, sum vầy. Là ngày mọi người từ những nẻo đường xa đều tìm về chốn cũ. Nhìn khói bếp tỏa, nghe tiếng lợn eng éc trong chuồng ngày cuối năm nhiều hay ít cũng đoán được sự no đủ hay thất bát trong suốt một năm đã qua. Thế đó, gọi là quê mùa cũng được, hay nghèo nàn cũng không sao, bất kể thế nào đây cũng đều là nguồn cội, là thứ đáng để tôi trân trọng, nâng niu nhất trong suốt cuộc đời mình.

Phạm Diệu Linh -(Đội 9, Nông trường Trần Phú, Văn Chấn)

Các tin khác
Thiếu nữ Mông xem báo Yên Bái vùng cao.
(Ảnh: Quang Thiều)

Từ đâu Linh chạy tới đập nhẹ vào lưng tôi: “Này, có báo gửi cho bạn, thích nhé!”. Tôi cuống quýt quay lại, cầm tờ báo còn thơm mùi giấy mực mới tinh, lòng hồi hộp và hân hoan khó tả.

Chẳng ai có thể mãi giữ cho mình niềm vui, mãi lưu trên môi nụ cười, phải không “Nắng”? Trong giây phút đó, tớ thấy mình thật nhỏ bé và lạc lõng biết bao giữa biển người mênh mông, dòng đời vội vã.

Tiết học cuối không đạo hàm, ẩn số/ Chỉ thấy yêu thương tình cảm đong đầy

Chào xuân.
(Ảnh: Hà Linh)

Mỗi mùa tết, các cô bác ở xa cùng các anh, các chị sẽ về nhà ông bà tôi, cùng ăn cái tết đoàn viên với đại gia đình. Gia đình tôi có thể nói là một gia đình truyền thống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục