"Nhớ thuở ban đầu lưu luyến ấy…"

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/6/2015 | 3:24:30 PM

YênBái - YBĐT - Tháng 5 năm 2015, báo Yên Bái vùng cao kỷ niệm tròn 20 năm ngày ra số đầu tiên. Trên tay tôi là tờ báo Yên Bái vùng cao số đầu có góp tên mình (tháng 5-1995), ghi rõ mấy lời ngắn gọn, súc tích tuyên bố sự ra đời ấn phẩm thứ 2 sau tờ báo Yên Bái thời sự truyền thống đã có trước đó 33 năm.

Mấy lời đó như sau: “Đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh ta có truyền thống yêu nước, trung thành với Đảng và sự nghiệp cách mạng. Nhưng đồng bào còn nhiều khó khăn. Ban thường vụ Tỉnh ủy đã xác định đặt vùng cao trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xuất phát từ tình hình đó, Báo Yên Bái được Ban thường vụ Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh giao nhiệm vụ xuất bản đặc san tin, ảnh “Yên Bái vùng cao” nhằm góp phần đưa đường lối, chính sách của Đảng và kinh nghiệm sản xuất đến với đồng bào…” do Tổng biên tập Nguyễn Thanh Vân chắp bút.

Vài dòng ngắn gọn nhưng cũng đã đủ nói lên sự khác biệt của một ấn phẩm rất đặc thù, dành cho đối tượng bạn đọc cũng rất đặc thù là đồng bào vùng cao, dân tộc thiểu số. Trang đầu số đầu ấn phẩm mở ra là hình ảnh Bác Hồ lên thăm và nói chuyện với đồng bào Yên Bái tháng 9/1958 với dòng chú thích rất mộc mạc: “Bác Hồ lên thăm Yên Bái. Người nói: Cây bưởi nay trồng chỗ này, mai trồng chỗ khác có tốt không? Như thế không tốt. Phải trồng một chỗ mới tốt. Cho nên đồng bào phải định canh định cư”.

Đó cũng chính là nội dung cụ thể hóa một trong những chủ trương và định hướng tuyên truyền xuyên suốt của “Yên Bái vùng cao” cho đến hôm nay: tuyên truyền, vận động đồng bào vùng cao định canh định cư khi mà thực tế những năm đó đồng bào vùng cao di cư khá nhiều, lại phá rừng làm rẫy, trồng cây thuốc phiện rất công khai. Vậy là mục đích, yêu cầu của báo vùng cao đã rất rõ ràng: Viết cho ai? Viết phục vụ đồng bào vùng cao. Viết cái gì? “Đưa đường lối, chính sách của Đảng và kinh nghiệm sản xuất đến với đồng bào”. Viết như thế nào? Ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ. Và để đồng bào thích xem thì dứt khoát phải in nhiều ảnh, ảnh phải in màu cho bắt mắt. Nên số báo vùng cao đầu tiên đã in màu với rất nhiều ảnh, tin thì cực ngắn, ngôn ngữ mộc mạc, đi thẳng những nội dung liên quan đến hai chữ “dân tộc” và “vùng cao”.

Phòng Tòa soạn - nơi “cha sinh” cả hai ấn phẩm báo thời sự và báo vùng cao với người làm biên tập là những nhà báo dày dạn kinh nghiệm "cái buổi đầu lưu luyến ấy" như Thế Sinh - Trưởng phòng, Quý Thịnh - Phó phòng, Trọng Tuệ - biên tập viên, họa sĩ Trần Tùng, sau này thêm tôi - biên tập viên “con nít”, dưới sự chỉ đạo của Ban biên tập là hai đồng chí: Nguyễn Thanh Vân - Tổng biên tập, Bùi Anh Túy - Phó tổng biên tập. Chúng tôi cũng có thuận lợi là tất cả nguồn tư liệu cộng tác viên, phóng viên đều chung một mối từ Phòng Tòa soạn nên việc xây dựng đề cương cho từng số báo vùng cao cũng là sự chắt lọc thông tin song hành cùng báo Yên Bái thời sự , do đó chủ động được thông tin liên quan đến nội dung, hình thức trình bày báo.

Đầu tiên Ban biên tập chỉ đạo, hướng dẫn rồi sau Phòng phân công mỗi người viết đề cương cho một tháng trình Ban biên tập điều chỉnh, duyệt. Vì ngày ấy phương tiện kỹ thuật rất thô sơ, không có máy vi tính, nên khoảng 5 số báo đầu tiên chỉ là những bản thảo viết tay nhưng chữ viết rất rõ ràng, cẩn thận, hoặc khá hơn thì bản thảo giấy pơ -luya đánh bằng máy chữ kẹp cùng ảnh rửa gửi thô đi nhà in. Cũng may, khi đó nhà in đã sử dụng công nghệ in ôpset nên báo cũng đã ra nhanh hơn. Tuy vậy cũng 6 tháng mới ra được một số.

Cứ như vậy, cùng với báo Yên Bái thời sự, báo Yên Bái vùng cao từ 2 kỳ xuất bản trong năm đầu tiên (1995), số lượng phát hành 1.200 tờ /kỳ, đến nay sau 20 năm đã đều đặn 1 tháng 2 kỳ, lại có 8 trang song ngữ Việt -Mông, 20 trang phát hành 3.500 cuốn/kỳ với nội dung, hình thức ngày càng nhiều đổi mới, đi sâu vào những vấn đề vừa có tính khái quát, định hướng lớn vừa cụ thể trong những chuyên đề, chuyên mục rõ ràng tạo sự hấp dẫn không chỉ đối tượng bạn đọc vùng cao. Công nghệ xuất bản báo nay đã tiến một bước dài, từ khoán trắng cho nhà in phần chế bản nay đã đảm trách toàn phần trên nền công nghệ thông tin, giúp cho tờ báo Yên Bái vùng cao ngày càng chững chạc hơn, lột tả được cả cái không khí chung của thời cuộc, đất nước trong từng thông tin sự việc, con người được phản ánh trên mặt báo.

 Hai mươi năm thấm thoắt đã trôi qua. Hai lãnh đạo Nguyễn Thanh Vân - Tổng biên tập, Bùi Anh Túy - Phó tổng biên tập (sau này là Tổng biên tập) sau bao năm cống hiến đã rời trang giấy, cây bút về nghỉ chế độ. Trưởng phòng Thế Sinh sau làm Phó tổng biên tập từ trang báo về nghỉ chế độ nay đã chuyển sang trang văn. Phó phòng Quý Thịnh cũng chuyển công tác rồi nghỉ hưu. Họa sĩ Trần Tùng chuyển qua nghề kinh doanh. Biên tập viên Trọng Tuệ đã "đi vào cõi khác" 15 năm có lẻ, tòa soạn báo vùng cao ngày ấy giờ chỉ còn lại mình tôi "con nít", đã nhiều phôi pha. Xin gửi niềm tri ân tới các bác, các chú, các anh - những người đã dắt tôi chập chững những bước đầu tiên trong tháng năm đầu đời nghề báo.

Hai mươi năm là biết bao dấu ấn không quên trong cuộc đời làm báo. Duy chỉ có một điều, dù thế nào đi nữa, báo Yên Bái vùng cao vẫn mãi trung thành với yêu cầu “ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ”, giản dị, mộc mạc như chính người vùng cao. Và sau hơn  nửa thế kỷ, báo Yên Bái vùng cao vẫn tự hào là ấn phẩm đầu tiên sau tờ báo thời sự truyền thống thể hiện bước đột phá mới trong xu hướng phát triển của Báo Yên Bái sau này: đa phương tiện đáp ứng yêu cầu của mọi đối tượng bạn đọc và yêu cầu đổi mới báo chí trong giai đoạn hiện nay.

 Quỳnh Liên

Các tin khác

Sáng 4/11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Báo Yên Bái long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Báo Yên Bái xuất bản số đầu (05/11/1962 – 5/11/2022). Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tới dự và có bài phát biểu chỉ đạo định hướng công tác tuyên truyền đối với báo Yên Bái trong giai đoạn hiện nay. Báo Yên Bái xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!

Sáng 4/11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Báo Yên Bái long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày xuất bản số đầu (05/11/1962 – 5/11/2022).

Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 5/11/1962, Báo Yên Bái xuất bản số đầu tiên mang tên Cơ quan của Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Yên Bái, nay là Cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Yên Bái, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Yên Bái. Ngày 5/11/1962 đã trở thành dấu mốc đặc biệt quan trọng, khẳng định vị thế của Báo Yên Bái hòa cùng hệ thống báo các đảng bộ địa phương để mở ra chặng đường phát triển mới của báo Đảng địa phương trong cả nước.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Dương Văn Thống cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhấn nút ra mắt giao diện trang Tiếng Anh trên Báo Yên Bái Online năm 2020.

Từ khi tái lập Báo Yên Bái năm 1991, nhiều thế hệ lãnh đạo Báo Yên Bái đã nghỉ hưu nhưng vẫn luôn đồng hành, tin tưởng và kỳ vọng Báo Yên Bái tiếp tục khai thác, phát huy vai trò, thế mạnh của mình qua việc thông tin khách quan, trung thực, chính xác, góp phần định hướng dư luận, giữ vững vị trí của báo chí cách mạng Việt Nam, xứng đáng với niềm tin yêu của bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục