Có thể thấy, những năm gần đây, tỉnh Yên Bái hết sức quan tâm phát triển giáo dục vùng cao, vùng dân tộc.
Cùng với việc triển khai thực hiện các chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách rất thiết thực thúc đẩy phát triển giáo dục dân tộc, cụ thể thực hiện một số chính sách phát triển giáo dục đào tạo vùng dân tộc thiểu số (DTTS) như: chính sách hỗ trợ ăn trưa cho học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) học 2 buổi/ngày không được hưởng chính sách theo Nghị định số 116/2016/NĐ của Chính phủ theo Nghị quyết số 57/2016/NQ-HĐND, giai đoạn 2013 - 2020 là 9,5 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ kinh phí thuê nhân viên nấu ăn ngoài số kinh phí được Trung ương hỗ trợ để phục vụ thuê khoán lao động nấu ăn cho học sinh bán trú theo Nghị quyết số 36/2016/NQ-HĐND và Nghị quyết số 57/2016/NQ-HĐND là 20,1 tỷ đồng; Chính sách hỗ trợ kinh phí cho học sinh THPT của 2 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải theo Nghị quyết số 07/2016/NQ-HĐND là 4,16 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã ban hành một số đề án, dự án như: Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; các dự án tăng cường cơ sở vật chất trường lớp học, xã hội hóa giáo dục…
Giai đoạn 2016 - 2020, tổng các nguồn vốn đầu tư cho giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh khoảng 3.130 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa trên 1.900 tỷ đồng. Theo đó, nâng tổng số phòng học của giáo dục mầm non và phổ thông trên địa bàn lên gần 6.500 phòng; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 84%, tăng 14,9% so với năm 2015; tỷ lệ phòng học bán kiên cố 12,6%, cơ bản đáp ứng đủ cho học 2 ca và đảm bảo được dạy học 2 buổi/ngày ở các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT). Đặc biệt, gần 40% học sinh dân tộc thiểu số toàn tỉnh được hưởng chính sách nội trú, bán trú.
Hệ thống giáo dục trên địa bàn tỉnh được sắp xếp tinh gọn, hợp lý với 463 cơ sở giáo dục và dạy nghề. Riêng các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông có 443 trường với quy mô 6.792 lớp, so với năm học 2015 - 2016 khối các trường mầm non, phổ thông giảm 124 trường, tăng 91 lớp.
Hệ thống trường PTDTNT, PTDTBT được quan tâm đầu tư phát triển cả về quy mô và chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân các dân tộc với 9 trường PTDTNT, 50 trường PTDTBT. So với năm 2016, tăng 3 trường PTDTBT, tăng 7 trường có học sinh bán trú.
Bên cạnh đó, tỉnh nỗ lực xây dựng hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo duy trì và nâng cao chất lượng các trường đã đạt chuẩn, tạo ra diện mạo mới cho các cơ sở giáo dục.
Toàn tỉnh đến nay có 240 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, chiếm 54,2%, tăng 28 trường, tăng 16,8% so với năm 2015; có 25 trường tiểu học, trường TH&THCS dạy tiếng dân tộc cho học sinh người Mông với 115 lớp và gần 3.500 học sinh tiểu học. Hiện, 100% đơn vị cấp xã và cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 100% đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và phổ cập giáo dục THCS mức độ 1. Tỉnh duy trì vững chắc kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1.
Trên quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm, hướng tới phát triển con người toàn diện "đức - trí - thể - mĩ", có khát vọng vươn lên, ý chí tự lực, tự cường, mục tiêu đặt ra cho giáo dục vùng dân tộc đó là tiếp tục tăng tỷ lệ học sinh dân tộc được học trường nội trú, bán trú với đầy đủ các điều kiện học tập thiết yếu; phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hệ thống phòng học được kiên cố hóa; trên 65% số trường mầm non và trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia; hướng đến mục tiêu chung của tỉnh là xây dựng huyện nông thôn mới với 90% số xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn nông thôn mới.
Cùng với đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp đạt 50%; lao động đến tuổi có việc làm thu nhập ổn định trên 95%.
Minh Thúy