Giáo dục Văn Chấn: Tạo tiền đề đổi mới toàn diện

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/5/2021 | 7:48:37 AM

YênBái - Không có máy chiếu, không bảng tương tác nhưng giờ học của cô và trò vẫn rất trực quan sinh động, thu hút sự chú ý và tích cực của học sinh vào giờ học nhờ chiếc ti vi 55 inch treo ngay sau chiếc bảng truyền thống. Đó là một trong những cách làm sáng tạo từ khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Cô và trò lớp 1B Trường TH&THCS Thượng Bằng La dạy và học hiệu quả với bảng thông minh tự chế.
Cô và trò lớp 1B Trường TH&THCS Thượng Bằng La dạy và học hiệu quả với bảng thông minh tự chế.

Văn Chấn là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số, song các nhà trường, các thầy cô cùng với ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện đã có nhiều linh hoạt, sáng tạo và vận động được người dân cùng tham gia, khắc phục khó khăn triển khai hiệu quả Chương trình.

Không có máy chiếu, không bảng tương tác nhưng giờ học của cô và trò lớp 1B Trường Tiểu học & THCS Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn vẫn rất trực quan sinh động, thu hút sự chú ý và tích cực của học sinh vào giờ học nhờ chiếc ti vi 55 inch treo ngay sau chiếc bảng truyền thống. Điều đáng chú ý là bộ đôi ti vi và bảng truyền thống được thiết kế theo ý tưởng từ chiếc bảng thông minh nhờ hai hàng ray trên dưới để chạy chiếc bảng truyền thống, còn ti vi sẽ được treo bên trong rất tiện lợi. 

Cô giáo Hà Thị Yến Nhi - chủ nhiệm lớp 1B cũng chính là tác giả của ý tưởng "bảng thông minh” kiểu mới chia sẻ: "Ngay buổi họp phụ huynh đầu tiên của năm học, tôi cũng đã trình bày sự cần thiết của một giờ học trực quan sinh động trong chương trình mới này có hiệu quả như thế nào và đưa ra ý tưởng dùng ti vi thay cho bảng tương tác của hội đồng giáo dục nhà trường, đồng thời nhà trường cũng hỗ trợ 1 phần kinh phí để mua ti vi. Tất cả phụ huynh đều nhất trí. Nhưng khi lắp đặt ti vi thì bất kể vị trí nào trong lớp cũng không hợp lý ngoài vị trí của bảng truyền thống. Lớp có mấy phụ huynh là thợ cơ khí nên đã nhờ họ thi công, sau nhiều lần chỉnh sửa đã có chiếc bảng thông minh mới này. Khi cần cho học sinh theo dõi trực quan hình ảnh âm thanh thì chiếc bảng được đẩy sang một bên, phía trong là chiếc ti vi”. 

Chi phí mua ti vi, làm bảng do Hội phụ huynh của lớp tự tính toán, vận động. Chi phí không nhiều nhưng hiệu quả rất lớn. Từ mô hình này, nhà trường đã tổ chức chuyên đề ứng dụng trang thiết bị vào giảng dạy chương trình GDPT 2018 và mang lại hiệu quả cao. 

Thầy giáo Đặng Anh Phương - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Để chuẩn bị cho năm học tới, nhà trường căn cứ vào các văn bản hướng dẫn thực hiện các phần việc như lựa chọn sách giáo khoa, tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của phụ huynh. Nhà trường cũng có dự trù sắp xếp cơ sở vật chất cho các lớp 2 và lớp 6 sang năm. Tuy nhiên, trang thiết bị phục vụ cho chương trình mới nhà trường rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền, tính toán sao cho hợp lý để phục vụ cho công tác giảng dạy. Dự kiến, năm học tới, nhà trường sẽ lắp thêm ti vi ở 2 lớp 6 nhưng sẽ lắp đặt tại phòng học Vật lý và Sinh học để không chỉ sử dụng đối với lớp 6 mà còn sử dụng cho các lớp khác khi tổ chức học bộ môn nhằm phát huy công năng hiệu quả cao nhất”. 

Kết hợp đầu tư ngân sách và các nguồn xã hội hóa; tuyên truyền để phụ huynh hiểu được thì sẽ đồng lòng ủng hộ; chuẩn bị tốt về các điều kiện trong đó khơi gợi sự tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ giáo viên... là những bài học rút ra từ triển khai Chương trình GDPT 2018 ở Trường Tiểu học &THCS Thượng Bằng La cũng như nhiều trường trên địa bàn huyện Văn Chấn để có thể triển khai hiệu quả đối với lớp 1 và tạo đà triển khai đối với lớp 2, lớp 6 vào năm học tới.

Một năm học nỗ lực khắc phục khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, về dịch bệnh Covid-19, ngành GD&ĐT huyện Văn Chấn đã triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018. Theo đánh giá của các thầy cô giáo, so với chương trình cũ, cùng một thời điểm, học sinh học theo chương trình mới có những tiến bộ hơn, đọc viết nhanh hơn, tư duy của học sinh cũng nhanh hơn, không còn thụ động... 

Làm tốt công tác tuyên truyền, coi trọng công tác tập huấn và đẩy mạnh tổ chức sinh hoạt chuyên môn là những trọng tâm mà ngành GD&ĐT huyện Văn Chấn xác định thực hiện và tổ chức thực hiện rất hiệu quả trong triển khai Chương trình GDPT 2018. 

Bà Nguyễn Thị Hà - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Văn Chấn chia sẻ: "Là năm đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT 2018 nên Phòng GD&ĐT huyện Văn Chấn đã hướng việc sinh hoạt chuyên môn tập trung vào lớp 1 nhằm trao đổi phương pháp dạy học đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Các chuyên đề có sự tham gia của 100% cán bộ quản lý cấp tiểu học, các tổ trưởng chuyên môn, giáo viên dạy lớp 1; riêng đối với hoạt động trải nghiệm có 100% tổng phụ trách bậc tiểu học, 100% giáo viên dạy môn Âm nhạc tham dự. Năm học 2020 - 2021, tổ chức 4 chuyên đề, trong đó có tổ chức chuyên đề cấp huyện: đối với môn Toán và môn Tiếng Việt; tổ chức các chuyên đề theo cụm về hoạt động trải nghiệm và môn Âm nhạc; chuyên đề môn Tự nhiên và Xã hội lồng ghép giáo dục địa phương”. 

Bên cạnh đó, Phòng cũng chỉ đạo bố trí đội ngũ, cơ sở vật chất ưu tiên triển khai Chương trình. Năm học 2020 - 2021, 100% học sinh lớp 1 có đủ sách giáo khoa, thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1. Trong đó, 100% học sinh các xã vùng đặc biệt khó khăn được Sở GD&ĐT cấp đồ dùng môn Toán, Tiếng Việt. 100% học sinh các đơn vị trường, còn lại được UBND huyện cấp bổ sung kinh phí cho các đơn vị trường mua đồ dùng môn Toán và Tiếng Việt. 

Ngoài ra, UBND huyện còn cấp bổ sung kinh phí cho các đơn vị trường mua thiết bị dạy học lớp 1 theo Thông tư số 05/2019 mỗi lớp 1 bộ, cơ bản đảm bảo thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 để thực hiện Chương trình GDPT 2018. 

Bên cạnh đó, toàn huyện đã bố trí được 408 phòng học/424 lớp, tỷ lệ 0,96 phòng/lớp. Vì vậy, một số đơn vị còn khó khăn trong việc sắp xếp cơ sở vật chất, cũng như các điều kiện liên quan. Đặc biệt, các trường chưa có hoặc có rất ít phòng học thông minh. Máy chiếu hay các thiết bị hiện đại hỗ trợ phục vụ cho đổi mới dạy học còn ít, bàn ghế ở một số lớp chưa đồng bộ tiêu chuẩn.

Với kinh nghiệm trong triển khai Chương trình GDPT 2018 với lớp 1, ngành GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các đơn vị trường học, phát huy sáng tạo, linh hoạt trong triển khai, tổ chức tập huấn đối với cấp học THCS, chỉ đạo chuyên môn các trường dạy học có sự tiếp cận với chương trình, đặc biệt là đối với trẻ 5 tuổi và lớp 5. Tuy nhiên, vẫn còn có rất nhiều những khó khăn ở phía trước khi triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 2 và lớp 6. 

Bà Nguyễn Thị Hà - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết: "Số lượng giáo viên còn thiếu so với quy định dẫn đến khó khăn trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó, toàn huyện còn 25,6% đội ngũ chưa đạt trình độ chuẩn, trong đó cấp tiểu học còn 45,2%, THCS còn 22,6% chưa đạt chuẩn nên cần có kế hoạch đào tạo nâng trình độ chuẩn cho đội ngũ". 

Về cơ cấu bộ môn, hiện nay, nhiều đơn vị trường do quy mô nhỏ nên cơ cấu giáo viên bộ môn không đồng bộ, nhiều môn học thiếu giáo viên có chuyên môn để giảng dạy. Tuy Phòng GD&ĐT đã sắp xếp giáo viên dạy liên trường nhưng do địa bàn huyện rộng, không thuận tiện về giao thông, các trường đều thiếu giáo viên nên không thể đáp ứng dạy liên trường cho tất cả các trường còn thiếu giáo viên; nhiều trường chưa có tổ chức dạy học môn Tin học được do thiếu cơ vật chất, thiếu giáo viên bộ môn. 

Về cơ sở vật chất, cơ bản đáp ứng yêu cầu, thiếu một số phòng chức năng và thiết bị dạy học môn Tin học ở một số đơn vị trường do lớp 6 môn Tin học là bắt buộc không phải là môn tự chọn như những năm trước đây. Trên cơ sở xác định được những khó khăn, ngành GD&ĐT huyện đưa ra các giải pháp nhằm triển khai tốt Chương trình GDPT 2018 vào năm học tới. 

Trong đó, tiếp tục nghiên cứu, bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, của huyện, sự chỉ đạo chuyên môn của Sở GD&ĐT để làm tốt công tác tham mưu với huyện ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền các xã, thị trấn, các ban ngành vào cuộc, phối hợp với ngành GD&ĐT trong thực hiện GDPT; thường xuyên tuyên truyền, tư vấn trong các hội nghị của ngành, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học.

Tiếp tục chỉ đạo các nhà trường tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ giáo viên, học sinh và phụ huynh, nắm bắt kịp thời những vướng mắc, khó khăn nảy sinh, từ đó rà soát, tham mưu với huyện trong việc điều chỉnh kế hoạch đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể của ngành để thực hiện. Rà soát toàn bộ các hạng mục cơ sở vật chất, đặc biệt là phòng học, phòng bộ môn; huy động các nguồn vốn để sửa chữa, cải tạo nâng cấp đáp ứng yêu cầu. 

Xây dựng phương án sắp xếp để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có; đồng thời, xây dựng kế hoạch đề nghị đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị dạy học và sách giáo khoa để thực hiện Chương trình GDPT mới. Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng phòng học để bảo đảm 1 lớp/phòng, các phòng chức năng; khắc phục thiếu sách giáo khoa, các nhà trường xây dựng tủ sách dùng chung, ưu tiên cho học sinh hoàn cảnh khó khăn được mượn sách, tăng cường vận động xã hội hóa các tổ chức cá nhân, tuyên truyền vận động phụ huynh mua sách cho học sinh; đồng thời, tham mưu với các cấp có thẩm quyền đảm bảo số lượng, cơ cấu đội ngũ; thường xuyên quan tâm đào tạo đội ngũ đáp ứng yêu cầu GDPT mới đặc biệt là với giáo viên dạy liên môn. 

Đặc biệt, huyện chỉ đạo thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, hình thức tổ chức lớp học, tăng cường các hoạt động mạng lưới chuyên môn, tổ chức sinh hoạt chuyên môn liên môn, liên trường, qua mạng trường học kết nối; tuyên truyền, khuyến khích giáo viên nâng cao trách nhiệm, tích cực, sáng tạo trong đổi mới nhất là giáo viên công tác tại vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của huyện.

Với những cách làm sáng tạo, linh hoạt, ngành GD&ĐT huyện Văn Chấn đã triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1 và là tiền đề để triển khai cho lớp 2 và lớp 6 năm học 2021 - 2022.

Thanh Ba

Tags Văn Chấn Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cơ sở giáo dục

Các tin khác
Khi học sinh, sinh viên quay trở lại trường học sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế.

UBND tỉnh Yên Bái vừa có Công văn hỏa tốc số 1383 gửi các sở: Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh về việc cho học sinh, vinh viên trên địa bàn tỉnh trở lại học tập và kiểm tra sau thời gian tạm nghị học để phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Nội dung như sau:

Một buổi dạy online của thầy giáo Nguyễn Minh Đức - Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Trấn Yên.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã xây dựng kế hoạch ứng phó với công tác phòng, chống dịch Covid-19 đến hết năm học 2020 - 2021. Theo đó, từ ngày 10/5, tất cả học sinh trên địa bàn tỉnh tiếp tục nghỉ học tập trung và chuyển sang học trực tuyến.

Em Đồng Mai Chi học online trong khu cách ly.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại nhiều địa phương trong cả nước, tỉnh Yên Bái có nhiều trường hợp F1 liên quan, trong đó có cả các em học sinh. Khắc phục khó khăn, các em vừa chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch trong khu cách ly vừa tham gia đầy đủ các tiết học online với các bạn.

Hoạt động vui nhộn trước khi vào giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Phúc Sơn.

Xây dựng trường học hạnh phúc là một trong những hoạt động trọng tâm của ngành giáo dục và đào tạo từ năm học 2020 - 2021. Đóng trên địa bàn xã khó khăn, song Trường Tiểu học Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ đã có những cách làm riêng, những sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục