Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái (14/11/1961 - 14/11/2021)

Tự hào truyền thống, vững bước tương lai

  • Cập nhật: Chủ nhật, 14/11/2021 | 7:38:38 AM

YênBái - Đúng 60 năm trước đây, Trường Sơ cấp Sư phạm Lao - Hà - Yên, nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái được Bộ Giáo dục cho phép mở lớp đào tạo giáo viên cấp II tại tỉnh Yên Bái. 60 năm qua là một chặng đường dài với rất nhiều sự kiện và thành tựu đáng tự hào của nhà trường.

Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao Cờ thi đua của UBND tỉnh tặng Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm học 2020 - 2021.
Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao Cờ thi đua của UBND tỉnh tặng Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm học 2020 - 2021.

Năm 1961, cả miền Bắc đang trong khí thế xây dựng chủ nghĩa xã hội, tỉnh Yên Bái khi đó có 4 trường cấp II, số học sinh cấp II ngày một tăng, được Bộ Giáo dục cho phép, Ủy ban Hành chính tỉnh Yên Bái đã mở 2 lớp đào tạo giáo viên cấp II hệ 7+2, lớp tự nhiên có 25 giáo sinh, lớp xã hội có 24 giáo sinh.

Tháng 8/1962, Trường Sư phạm Yên Bái chính thức được thành lập sau khi Trường Sơ cấp Sư phạm Lao - Hà - Yên hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Những năm tháng đầu tiên thành lập, nhà trường với vô vàn khó khăn, thiếu thốn trăm bề lại phải sơ tán trong những ngày chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Ngày 9/7/1965, máy bay Mỹ bắn phá tan hoang toàn bộ ngôi trường.

Ngày 20/7/1966, toàn bộ Ban Giám hiệu cùng 24 giáo viên, 167 giáo sinh đã vượt hàng trăm cây số đường rừng, vận chuyển các trang thiết bị giảng dạy còn lại sau trận bom lên xã Mường Lai, huyện Lục Yên để tiếp tục học tập. Thực hiện tốt lời dạy của Bác: "Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt", những năm tháng gian khổ đó, tỷ lệ tốt nghiệp của nhà trường đều đạt từ 89% - 95%. Giặc Mỹ ngừng ném bom bắn phá miền Bắc, từ tháng 2/1969 đến tháng 9/1969, nhà trường phải 2 lần chuyển trường và tới năm 1988 chuyển về phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái cho đến nay.

Năm học 1971 - 1972, Trường Sư phạm cấp II Yên Bái mở thêm 1 lớp hệ 10+1. Cũng từ năm học này, nhà trường đào tạo 4 ban: Toán - Lý, Văn - Sử, Sinh - Hóa, Sinh - Địa thay cho 2 ban Tự nhiên, Xã hội; đồng thời mở lớp hệ 10+2, quy mô đã có 12 lớp, 451 giáo sinh. Ngày 24/3/1976, Bộ Giáo dục cho phép tỉnh Yên Bái thành lập Trường Sư phạm cấp II đào tạo hệ 10+3 trên cơ sở Trường Sư phạm cấp II cũ. Sau khi sáp nhập 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ thành tỉnh Hoàng Liên Sơn, Trường có các hệ đào tạo 10+3, 7+3 với 3 khoa: Toán - Lý, Văn - Sử, Sinh - Hóa - Địa và 1 tổ Bộ môn chung.

Ngày 27/3/1990, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Khánh ký Quyết định số 97-HĐBT công nhận Trường Sư phạm cấp II tỉnh Hoàng Liên Sơn được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Sư phạm Hoàng Liên Sơn. Tháng 4/1992, được Bộ Giáo dục đồng ý, UBND tỉnh Yên Bái sáp nhập Trường Sư phạm Nhà trẻ - Mẫu giáo, Trường Cán bộ quản lý giáo dục vào Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái.

Từ đó đến nay, Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái đã đào tạo giáo viên từ bậc học mầm non đến trung học cơ sở; đào tạo các ngành ngoài sư phạm như: trung cấp, cao đẳng Tin học ứng dụng, trung cấp, cao đẳng Tiếng Anh thương mại và Du lịch, cao đẳng Công nghệ - Thiết bị trường học; bồi dưỡng cán bộ quản lý; liên kết đào tạo các lớp đại học, thạc sĩ và làm nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên các cấp…

Nhà trường không chỉ đào tạo đội ngũ giáo viên có trình độ cao đẳng sư phạm mà còn đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Yên Bái và một phần của tỉnh Lào Cai, tỉnh Sơn La (từ năm 1996 - 2001 liên kết đào tạo cho tỉnh Lào Cai, tỉnh Sơn La hơn 800 sinh viên các ngành Văn, Sử, Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tiếng Anh). Từ năm học 2006 - 2007 đến nay, nhà trường thực hiện thêm nhiệm vụ mới là hợp tác quốc tế với nước bạn Lào.


Thạc sĩ Đỗ Thị Thanh Thủy - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái

Qua 15 năm, Trường đã cử 2 giảng viên sang dạy Tiếng Việt tại nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; đào tạo tiếng Việt cho 396 lưu học sinh, sau đó tiếp tục đào tạo chuyên ngành cho các em tại các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái; bồi dưỡng Tiếng Việt nâng cao cho cán bộ tỉnh Viêng Chăn, tỉnh Xay Nha Bu Ly.

Suốt chặng đường phát triển, nhà trường luôn kiên định giữ vững chất lượng đào tạo, giữ vững những giá trị truyền thống tốt đẹp đã làm nên thương hiệu Cao đẳng Sư phạm Yên Bái: "Chất lượng giáo dục là danh dự của nhà trường”.

Trong 60 năm, hơn 100 nghìn giáo viên các cấp đã được học tập, bồi dưỡng và trưởng thành từ nơi đây. Nhiều học sinh, sinh viên, học viên đã đảm nhiệm các chức vụ quản lý giáo dục ở các trường, các phòng giáo dục và đào tạo; nhiều người đã trở thành lãnh đạo chủ chốt của Trung ương, tỉnh, các huyện, thị, thành phố; nhiều người là doanh nhân thành đạt.

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái và cũng là khát vọng tự thân, nhà trường không chỉ tiếp nhận, tuyển dụng nguồn giảng viên có trình độ cao từ bên ngoài mà còn khuyến khích, tích cực cử nhiều giảng viên đi học thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước.

Từ buổi đầu thành lập với gần 20 giáo viên, người có trình độ cao nhất là đại học, trải qua nhiều giai đoạn phát triển, nhà trường đã có rất nhiều thế hệ cán bộ quản lý, giảng viên đạt trình độ chuẩn, trên chuẩn. 60 năm qua, nhà trường đã có 12 tiến sĩ, 83 thạc sĩ. Năm học 2021 - 2022, Trường hiện có 70 cán bộ, viên chức công tác tại 5 khoa, 4 phòng, 1 trung tâm, đạt 83% trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

Xin được vinh danh và tri ân nhà giáo Lương Mậu Kỳ - Hiệu trưởng đầu tiên của nhà trường cùng thầy Nguyễn Văn Mộc - Phó Hiệu trưởng, thầy Nông Văn Tuất - Tổ trưởng Tổ Tự nhiên, thầy Hán Trung Châu - Tổ trưởng Tổ Xã hội và gần 20 thầy cô giáo khác là những người đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái hôm nay. Vinh danh các nhà giáo ưu tú qua các thời kỳ, những người thực sự là tấm gương sáng, đóng góp nhiều công sức cho sự phát triển của nhà trường như: Nhà giáo Ưu tú Hà Ngọc Xuân, Nhà giáo Ưu tú Tống Đức Long, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Văn Chiêu, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Bình, Nhà giáo Ưu tú Phạm Quang Bình.


Thầy, cô giáo và sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái. (Ảnh: Thanh Chi)

Bên cạnh những thành tựu về đào tạo nguồn nhân lực, vai trò và vị thế của nhà trường còn thể hiện đậm nét trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Những đề tài nghiên cứu phần lớn đều có tính ứng dụng cao trong dạy học như đề tài của nhà giáo Trần Mạnh Khôi, nhà giáo Trần Văn Vàng, Nhà giáo Ưu tú Phạm Quang Bình, luận án của các tiến sĩ: Hồ Tuấn Dung, Nguyễn Thị Tuyến, Hoàng Thị Lợi, Đinh Thị Thái Quỳnh, Ngô Quang Thành, Lại Đức Nam, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Thị Thanh Vân, Nguyễn Thị Hoa, Trần Thị Thanh Hà.

Nhiều đề tài đạt giải thưởng cao trong các cuộc thi của trung ương, của tỉnh như: giải Nhì Cuộc thi thiết kế bài giảng Elearning toàn quốc của giảng viên Lưu Khánh Linh, Đỗ Trung Thành năm 2017; tại Cuộc thi Sáng tạo khoa học tỉnh Yên Bái: năm 2016 có giải Nhì của giảng viên Đỗ Trung Thành, năm 2018 có giải Ba của giảng viên Phạm Xuân Trường cùng giải Khuyến khích của giảng viên Nguyễn Thị Thanh Mai và Đỗ Thị Thanh Thủy, năm 2020 có giải Khuyến khích của giảng viên Nguyễn Thùy Linh… 60 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, nhà trường luôn tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua "Dạy tốt - Học tốt”.

Liên tục nhiều năm liền, nhà trường đạt danh hiệu "Tập thể Lao động xuất sắc”, "Tập thể Lao động tiên tiến” và vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý: Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2000, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2015; Hiệp hội các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Báo Giáo dục - Thời đại tặng "Biểu tượng Vàng nguồn nhân lực Việt Nam lần thứ I” năm 2011; năm 2018 nhận Bằng khen của UBND tỉnh; năm 2019 nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; năm 2020, 2021 nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh.

Những năm gần đây, các trường cao đẳng sư phạm ở các địa phương thu hẹp các mã ngành sư phạm theo Luật Giáo dục, xu thế mở rộng hướng đến đa ngành và tự chủ dần được áp dụng. Năm 2019, nhà trường mạnh dạn mở mới 4 mã ngành ngoài sư phạm: trung cấp và cao đẳng thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu của tỉnh đào tạo nguồn nhân lực có trình độ về Tiếng Anh du lịch, Tin học ứng dụng.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước thay đổi liên tục, thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, các trường cao đẳng sư phạm đã gần như hoàn thành sứ mệnh nên việc thay đổi để trở thành 1 trường cao đẳng đa ngành là xu thế tất yếu. Thực hiện định hướng phát triển này, nhà trường phải tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Một là,đổi mới hệ thống điều hành, quản lý nhà trường theo cơ chế tự chủ trên cơ sở học tập và áp dụng mô hình quản trị của các trường cao đẳng đa ngành, đa lĩnh vực đang phát triển trong nước. Từng bước tái cấu trúc kèm theo tăng quyền tự chủ để nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị trong nhà trường.

Hai là, đặc biệt quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ; đề xuất đổi mới chính sách tuyển dụng, đào tạo lại, tạo điều kiện và môi trường làm việc tốt nhất để thu hút giảng viên có năng lực về trường. Chú trọng nâng cao trình độ tiếng Anh và các kỹ năng mềm cho cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên.

Ba là, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng liên thông các trình độ, gắn đào tạo với nghiên cứu và chuyển giao; tiếp tục đổi mới phương thức đào tạo theo hướng linh hoạt, lấy người học làm chủ thể với mục tiêu học tập suốt đời. Thực hiện kiểm định đánh giá trường; chủ động khai thác, phát huy hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học. Nhất quán phương châm: "Chất lượng đào tạo là danh dự của nhà trường”.

Bốn là,đề nghị với tỉnh để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ đào tạo trong thời kỳ mới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quản trị nhà trường trên nền tảng công nghệ số.

Năm là, hợp tác chặt chẽ với các trường đại học, cao đẳng, các doanh nghiệp để tăng cường nguồn lực, nâng cao hiệu quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và thực hiện các dịch vụ khác. Hỗ trợ thúc đẩy hoạt động hiệu quả Câu lạc bộ Học sinh, sinh viên khởi nghiệp và sáng tạo.

Nhìn lại chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái phấn khởi, tự hào về những cống hiến không ngừng nghỉ. 60 năm đã tạo nên truyền thống tốt đẹp, hình thành giá trị văn hóa sư phạm và bản lĩnh kiên cường để Cao đẳng Sư phạm Yên Bái vững bước tiến vào tương lai.

Với sự chỉ đạo, quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng sự giúp đỡ của Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và sự hợp tác hiệu quả của các doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng, của xã hội, của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt với truyền thống 60 năm đầy tâm huyết và cống hiến của các thế hệ cán bộ, học sinh, sinh viên, nhất định Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái hôm nay tiếp tục góp sức mạnh mẽ để Trường Cao đẳng Yên Bái trong tương lai vượt qua mọi khó khăn và thử thách, thực hiện thành công mục tiêu chiến lược đã đề ra, đáp ứng kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái và toàn xã hội.

Thạc sĩ Đỗ Thị Thanh Thủy-Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái

Tags Sư phạm Yên Bái đào tạo giáo viên dạy tốt học tốt nhân lực hợp tác quốc tế

Các tin khác

Trong những ngày này, hòa niềm vui chung Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, các thế hệ thầy và trò Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái còn có thêm niềm vui, đó là mốc son kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển của nhà trường.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Triết và Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng khai trương Cổng thông tin điện tử Hội giảng.

Chiều 12/11, Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021 với thông điệp "Đổi mới - sáng tạo - thích ứng - hội nhập" đã được tổ chức trực tuyến và trực tiếp tại hội trường Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội.

Tạo nhiều sân chơi bổ ích phù hợp với lứa tuổi giúp các em học sinh gắn kết và khẳng định được bản thân. Trong ảnh: Học sinh Trường Phổ thông DTNT THCS Văn Chấn trao đổi ý tưởng trình bày cho gian hàng tại Ngày hội sách của trường.

Bạo lực học đường đã trở thành mối quan tâm của nhà trường, gia đình và sự trăn trở của toàn xã hội. Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), trung bình một năm học toàn quốc xảy ra 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau (bình quân 5 vụ/ngày) và có chiều hướng gia tăng; không ít vụ bạo lực học đường xảy ra đã vượt quá giới hạn là các xô xát thông thường giữa học sinh với nhau, trở thành các vụ việc vi phạm pháp luật.

Giờ thể dục của các bé lớp ghép 3 - 5 tuổi tại điểm trường lẻ Cáng Dông, Trường Mầm non Xéo Dì Hồ, huyện Mù Cang Chải.

Từng đặt chân đến nhiều nơi và được chứng kiến, cảm nhận những khó khăn, gian khổ của thầy, cô giáo vùng cao khiến tôi vô cùng cảm phục. Nhiều thầy giáo, cô giáo đã và đang từng ngày lặng thầm hy sinh tuổi trẻ, tuổi xuân kiên trì bám trường, bám bản gieo ước mơ cho học sinh nghèo vùng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục