Đoàn kết, chung sức xây dựng huyện Văn Yên phát triển nhanh và bền vững
- Cập nhật: Thứ năm, 14/8/2014 | 9:21:49 AM
YBĐT - Huyện Văn Yên có 11 dân tộc chung sống và đồng bào các dân tộc thiểu số sống xen kẽ ở 27 xã, thị trấn, chủ yếu ở vùng nông thôn, sản xuất chủ yếu là nông - lâm nghiệp. Đồng bào các dân tộc trong huyện có truyền thống đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái, một lòng tin tưởng vào đường lối cách mạng của Đảng và Bác Hồ.
Đồng chí Lưu Văn Đoàn (thứ tư, phải sang) - Chủ tịch UBND huyện Văn Yên thăm hỏi, động viên đồng bào Dao xã Đại Sơn thu hoạch quế.
|
Mỗi dân tộc đều có bề dày truyền thống văn hóa đã tạo nên sự đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện luôn quan tâm động viên, khích lệ đồng bào các dân tộc thiểu số và chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường đồng thời cảnh giác trước mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.
5 năm qua, nhiều chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai đồng bộ, có hiệu quả cao trên địa bàn huyện. Kinh tế nông - lâm nghiệp đã có bước phát triển khá, cơ cấu mùa vụ ở các xã vùng dân tộc thiểu số chuyển biến mạnh, từ sản xuất 1 vụ sang sản xuất 2 vụ lúa/năm cùng các tiến bộ kỹ thuật được đưa vào sản xuất đã làm tăng năng suất lúa trung bình từ 46 tạ/ha/vụ năm 2009 lên 48,5 tạ/ha/vụ năm 2014. Chăn nuôi từ thả rông gia súc, gia cầm, đến nay, nhiều vùng đồng bào dân tộc đã chú trọng làm chuồng nuôi nhốt, phòng trừ dịch bệnh, bước đầu đã có những mô hình chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa.
Về lâm nghiệp, cùng với sự phát triển mạnh của cây quế, trong những năm qua, đồng bào các xã vùng đặc biệt khó khăn đã chú trọng trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc bằng cây quế và các cây lâm nghiệp đa tác dụng khác; thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng; tình trạng phá rừng làm nương rẫy đã giảm rõ rệt. 5 năm qua, huyện đã thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Nhà nước đối với các xã, thôn bản vùng đặc biệt khó khăn bảo đảm tiến độ và yêu cầu đề ra. Tổng kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn trong 5 năm là trên 5,5 tỷ đồng.
Huyện Văn Yên quan tâm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; các lễ hội truyền thống được tổ chức nhằm khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Từ năm 2009 đến nay, huyện đã mở 8 lớp truyền dạy dân ca, dân vũ của các dân tộc; dân ca của các dân tộc đã được lưu giữ trong sinh hoạt văn hóa, được nhiều cá nhân có tâm huyết truyền dạy cho thế hệ trẻ. Về giáo dục, chất lượng được nâng lên, hàng năm có trên 98% học sinh xếp loại hạnh kiểm khá, tốt; tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng; tỷ lệ học sinh chuyển lớp, chuyển cấp hàng năm đạt trên 98%. Việc thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước như: miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ, hỗ trợ học sinh bán trú... bảo đảm kịp thời, đầy đủ, phát huy hiệu quả trong việc huy động trẻ ra lớp, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đến trường ngày càng tăng.
Hàng năm, tỷ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi, học sinh tiểu học, trung học cơ sở là người dân tộc thiểu số đi học luôn đạt từ 99% đến 100%. Nhiều học sinh người dân tộc thiểu số đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn, phấn đấu học tập đạt thành tích cao. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đi học chuyên cần và đạt học lực khá, giỏi ngày càng cao.
Phổ cập giáo dục bền vững, huyện duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1 tại 27/27 xã, thị trấn. Đến nay, toàn huyện có 28 trường đạt chuẩn, tăng 20 trường so với năm 2009. Thực hiện tốt chính sách cử tuyển học sinh là con em người dân tộc thiểu số vào các trường đại học, cao đẳng, từ năm 2009 đến nay, đã cử tuyển được 28 học viên. Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện đến nay duy trì 33 lớp, 1.053 học sinh.
Về chăm sóc sức khỏe nhân dân, từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn huyện, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số không có dịch lớn, không có ngộ độc thực phẩm xảy ra; tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đầy đủ qua các năm luôn đạt trên 98%. Các cơ sở khám, chữa bệnh ở các tuyến không ngừng được đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cũng như trình độ chuyên môn. Hàng năm, có trên 44.000 người dân tộc thiểu số thuộc các xã vùng khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các ban, ngành của tỉnh cùng với sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân nên tổng giá trị đầu tư từ năm 2009 đến tháng 6/2014 của huyện đạt trên 4.033 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Nhà nước đầu tư trên 3.012 tỷ đồng; huy động nhân dân đóng góp 1.021 tỷ đồng, làm được hàng trăm công trình cầu, ngầm, rãnh thoát nước và kiên cố hóa hàng trăm ki-lô-mét mặt đường láng nhựa, bê tông cũng như mở mới đường đất. Huyện chú trọng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Năm 2009, quế Văn Yên được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng trong việc khẳng định danh tiếng và chất lượng của sản phẩm.
Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và hệ thống chính trị, huyện chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Từ năm 2009 đến tháng 6/2014, huyện kết nạp 594 đảng viên là người dân tộc thiểu số. Cơ cấu cán bộ, công chức được bố trí hợp lý, bảo đảm thành phần dân tộc tham gia trong cơ quan Đảng, Nhà nước và đoàn thể. Đến nay, tổng số cán bộ công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện chiếm 17,4%; số cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc các phòng, ban chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, đoàn thể của huyện và xã là người dân tộc thiểu số chiếm 3,19%; cán bộ là người dân tộc thiểu số cấp xã chiếm 37,35%.
Những năm qua, các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo được huyện triển khai đầy đủ, kịp thời: 100% hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện; hỗ trợ làm nhà ở cho 1.162 hộ nghèo với tổng số kinh phí trên 19 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 34,78% năm 2011 giảm xuống còn 27,18% năm 2013 với 1.755 hộ thoát nghèo, trong đó có trên 800 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số.
Xác định rõ công tác dân tộc và triển khai các chính sách dân tộc có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, tạo cơ hội và điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là hộ nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ổn định cuộc sống, phấn đấu vươn lên, huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành, đơn vị chuyên môn, chính quyền cơ sở tập trung thực hiện thống nhất, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách trên địa bàn.
Chương trình 135 giai đoạn II (2006 - 2010) và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2012, năm 2013 đã đầu tư xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ sở, tổng kinh phí thực hiện từ năm 2009 đến năm 2014 đạt trên 85 tỷ đồng; đầu tư xây dựng mới và sửa chữa trên 220 công trình cơ sở hạ tầng các loại; hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp cho hộ nghèo, nhóm hộ về giống vật nuôi, cây trồng, xây dựng mô hình sản xuất và máy móc thiết bị cho nông nghiệp trên 10,6 tỷ đồng; mở 123 lớp đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ xã, thôn bản và cộng đồng với trên 4.000 lượt người theo học; hỗ trợ trên 14,8 tỷ đồng cho các dịch vụ khác cải thiện, nâng cao đời sống của người dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật, hỗ trợ học sinh con hộ nghèo đi học...
Đồng thời đã hỗ trợ 120.140 lượt khẩu với tổng kinh phí trên 10,913 tỷ đồng theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 7/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn, chính sách hỗ trợ các hộ nghèo, khẩu nghèo; hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng bằng tiền cho 37.830 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách và hộ nghèo chưa sử dụng điện lưới, kinh phí trên 3,285 tỷ đồng; hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn 890 hộ, kinh phí 4,744 tỷ đồng và vốn vay được quản lý, sử dụng đúng mục đích, giúp hộ gia đình phát triển sản xuất hiệu quả.
Thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, huyện đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà trong dịp tết Nguyên đán; người có uy tín trong đồng bào được tiếp cận nhiều hơn các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu phát triển kinh tế.
Từ năm 2009 đến nay, đã quản lý, cấp phát trên 164.529 tờ báo, tạp chí các loại, giúp đồng bào vùng sâu, vùng xa tiếp cận chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; thực hiện 3 dự án định canh định cư tập trung tại thôn Liên Sơn, thôn Bãi Châu (xã Lang Thíp) và thôn Khe Mạ (xã Phong Dụ Thượng), kinh phí thực hiện trên 11,350 tỷ đồng; hoàn thành 12 điểm dự án định canh định cư xen ghép tại các xã Mỏ Vàng, Xuân Tầm, Đại Sơn, Châu Quế Hạ, Châu Quế Thượng, Phong Dụ Hạ cho 324 hộ, kinh phí 10,593 tỷ đồng; xây dựng, đưa vào sử dụng 8 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho 570 hộ, kinh phí đầu tư trên 7,150 tỷ đồng. Chính sách định canh định cư đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện ổn định cuộc sống.
Văn Yên đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 4/8/2006 về việc lãnh đạo đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn. Đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển. Cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và kiến thức khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn cho đồng bào các dân tộc thiểu số; chủ động khai thác những tiềm năng, thế mạnh của địa phương để giúp đồng bào phát triển kinh tế; khắc phục tư tưởng tự ti, ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước; quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số; sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số đảm nhiệm các chức vụ từ lãnh đạo đến công chức đủ trình độ, năng lực lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Đồng thời, huyện thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về công tác dân tộc; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện chính sách dân tộc ở cơ sở, qua đó biểu dương những ngành, địa phương và cán bộ làm tốt; kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh và kiên quyết xử lý những ngành, đơn vị, cá nhân làm chưa tốt hoặc vi phạm chế độ, chính sách.
Lãnh đạo và cán bộ Phòng Dân tộc huyện Văn Yên trao đổi nghiệp vụ chuyên môn. (Ảnh: Nguyễn Giang)
Trên cơ sở kết quả đạt được những năm qua, Văn Yên tiếp tục quán triệt sâu sắc về nhiệm vụ chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; thực hiện tốt, đầy đủ, kịp thời các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước nhằm ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thật sự vững mạnh; phát huy truyền thống anh hùng, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cả hệ thống chính trị, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tập trung huy động mọi nguồn lực, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới; xây dựng nền kinh tế của huyện phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.
Huyện phấn đấu đến năm 2019, 100% số thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường ô tô tới thôn, bản; trên 90% số thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số được dùng điện lưới; trên 80% số hộ gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước hợp vệ sinh theo qui chuẩn quốc gia. Hàng năm, giảm nhanh, bền vững tỷ lệ hộ nghèo tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên 4%; thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt trên 30 triệu đồng/năm; tỷ lệ lao động nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số qua đào tạo, tập huấn trên 55%; huy động trẻ em 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 100%; duy trì 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở vững chắc; vận động trên 80% con em đồng bào dân tộc thiểu số tốt nghiệp THCS tiếp tục theo học giáo dục THPT.
Phấn đấu đạt chuẩn quốc gia về y tế đến năm 2019 (theo tiêu chí mới) gồm 10 xã, thị trấn; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số xuống còn 18%; 100% đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 97% số thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số không có người sinh con thứ 3; phấn đấu 100% số thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số không có trường hợp tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống, không di dịch cư tự do; bảo đảm tốt công tác an ninh nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trên 50% thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt danh hiệu làng, bản văn hóa, trên 80% hộ đạt gia đình văn hóa; 100% cán bộ chủ chốt và cán bộ chuyên môn ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên.
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Văn Yên lần thứ II năm 2014 là Đại hội của "Bình đẳng, đoàn kết, chung sức, sáng tạo, xây dựng quê hương giàu đẹp". Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, với những kinh nghiệm thực tiễn cùng sự nỗ lực vươn lên, nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên nhất định sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.
Lưu Văn Đoàn - Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên
Các tin khác
YBĐT - Thường trực Tỉnh ủy làm việc với cán bộ chủ chốt Viện KSND tỉnh; Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Yên Bình lần thứ II năm 2014; Đại hội Hội LHTN Việt Nam thị xã Nghĩa Lộ lần thứ IV; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kiểm tra công tác chuẩn bị năm học mới tại Văn Chấn; Công điện khẩn về phòng, chống mưa lũ; Tập huấn phòng chống virus Ebola…
Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 13/8, Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau về dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
YBĐT - Dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện lần thứ II có các đồng chí đại diện Ban tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ II; lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và 120 đại biểu tiêu biểu chính thức.
YBĐT - Lần đầu tiên, Hiến pháp nêu rõ vị trí, vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp. Đây là cơ sở để phát huy vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc