Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững
- Cập nhật: Thứ sáu, 23/10/2015 | 8:02:42 AM
Tiếp tục chương trình làm việc thứ 10, Quốc hội (QH) khóa XIII, ngày 22-10, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2015 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2016; kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2016.
Đoàn đại biểu QH các tỉnh Thái Bình, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu thảo luận tại tổ.
|
Giúp nông dân phát triển sản xuất
Thảo luận ở tổ, nhiều đại biểu bày tỏ sự nhất trí với Báo cáo về tình hình phát triển KT-XH của Chính phủ; cho rằng, với nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, tình hình KT-XH đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý và phục hồi khá cao. GDP năm 2015 ước đạt hơn 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua, vượt kế hoạch đề ra (6,2%). Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện và được xác định cụ thể hơn, từng bước thực thi có hiệu quả và tạo được sự đồng thuận trong xã hội.
Đánh giá tình hình từ nhiều địa phương, nhiều đại biểu đồng tình chủ trương để tập trung nguồn lực giải quyết những vấn đề bức xúc nhất của xã hội, tạo điều kiện cho địa phương, cơ sở chủ động trong lồng ghép các nguồn lực đầu tư trên địa bàn, nâng cao hiệu quả đầu tư, Chính phủ kiến nghị tổ chức lại việc đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng gom thành hai Chương trình gồm Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn thôn, xã; phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; vệ sinh, môi trường nông thôn; xây dựng đời sống văn hóa nông thôn; giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội nông thôn; nâng cao hiệu quả truyền thông, đào tạo đội ngũ cán bộ và tăng cường năng lực đánh giá, giám sát thực hiện Chương trình... Các đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh), Nguyễn Đức Hải (Quảng Nam) cho rằng, quy trình phân bổ và sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phải được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc lựa chọn mục tiêu ưu tiên để thực hiện và phân bổ nguồn lực thực hiện chương trình, cần bảo đảm nguyên tắc kế hoạch thực hiện các mục tiêu của chương trình, kế hoạch phân bổ và sử dụng nguồn vốn phải được xây dựng và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, xem xét quy hoạch các vùng sản xuất quy củ, hiện đại, tạo mạng lưới liên kết từ sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm, nhất là đầu tư các sản phẩm đạt chất lượng, hiệu quả cao, có khả năng xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế lớn.
Tại nhiều địa phương, một số đại biểu phản ánh, kết quả của một số chương trình còn chưa vững chắc, tính bền vững của chương trình chưa cao, cấp địa phương gặp khó khăn trong việc duy trì kết quả thực hiện của Chương trình do thiếu kinh phí hoạt động khi chuyển sang hoạt động thường xuyên của ngành. Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững cần tiếp tục được quan tâm, tập trung hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi, xã biên giới...
Bảo đảm nguồn lực ưu tiên
Các đại biểu Nguyễn Đình Quyền, Chu Sơn Hà (Hà Nội), Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Báo cáo đánh giá chưa sâu về phát triển kinh tế. Kinh tế vĩ mô ổn định chưa thật sự vững chắc, kéo theo đó là nợ công tăng cao, áp lực trả nợ lớn, nợ xấu còn lớn và xử lý nợ xấu còn nhiều vướng mắc, cân đối ngân sách khó khăn... Bên cạnh đó, tỷ lệ đóng góp vào đầu tư toàn xã hội của các nguồn vốn ODA và FDI là rất lớn, yếu tố đó xác định việc phát triển kinh tế không bền vững.
Tham gia ý kiến tại tổ, đại biểu Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH cho biết, mặc dù tỷ lệ nợ công vẫn trong giới hạn an toàn nhưng bội chi đang có xu hướng tăng, dẫn đến áp lực tăng nợ công. Theo phân tích của đại biểu, trong năm 2016, xét về tỷ trọng bội chi ngân sách có giảm so với năm 2015 nhưng số tuyệt đối lại tăng từ 226 nghìn tỷ đồng lên 254 nghìn tỷ đồng. Thêm vào đó, năm 2015 trả nợ chỉ được 150 nghìn tỷ đồng, nhưng lại vay bội chi ngân sách 226 nghìn tỷ đồng và vay trái phiếu chính phủ 85 nghìn tỷ đồng. Khối lượng vay lớn gấp đôi so với khối lượng trả được. Như vậy, đây là một vấn đề lớn đặt ra trong bối cảnh kinh tế hội nhập, mở cửa rộng hơn và Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh hơn từ những biến động của kinh tế thế giới. Đại biểu Bùi Đức Thụ kiến nghị cần phát hành sớm trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế với khối lượng ba tỷ USD trong bối cảnh lãi suất còn thấp, nếu chần chừ lãi suất sẽ tăng cao hơn và ảnh hưởng đến khả năng trả nợ...
Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ
Bên cạnh yếu tố xây dựng môi trường văn hóa, khi nhìn nhận yếu tố con người, đội ngũ cán bộ mang tính quyết định trong quá trình phát triển bền vững, các đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội), Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) và nhiều đại biểu nêu tình trạng chất lượng cán bộ không đạt yêu cầu như hiện nay, đặc biệt là công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ, tuyển dụng cán bộ… hiện nay chưa thật sự đáp ứng đòi hỏi của quá trình phát triển. Điều đó có thể thấy qua năng suất lao động, tính cạnh tranh của kinh tế nước ta thua kém rất nhiều so với nước láng giềng. Thời gian qua, chúng ta đã tiến hành công tác quy hoạch cán bộ, khắc phục tình trạng hình thức, từng bước đi vào nề nếp. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, năng lực của cán bộ, trong đó có năng lực hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện chính sách trong mọi lĩnh vực vẫn còn nhiều hạn chế.
Các đại biểu dẫn chứng trong hoạch định chính sách, mặc dù QH trong nhiệm kỳ này đã ban hành hàng trăm văn bản, chính sách pháp luật nhưng báo cáo đánh giá vẫn chưa đồng bộ, còn chồng chéo, điều đó thể hiện năng lực tham mưu của đội ngũ cán bộ chuyên viên, năng lực quyết định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn nhiều vấn đề đáng lo ngại. Thậm chí, trong hoạch định chính sách, có yếu tố len lỏi là xuất hiện lợi ích nhóm làm méo mó tính quy luật và khách quan của chính sách đó.
Các đại biểu đề nghị báo cáo cần đánh giá một cách khách quan, toàn diện hơn về năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức không chỉ trong bộ máy nhà nước mà cả hệ thống chính trị. Đánh giá về tình hình kinh tế xã hội cần chỉ ra nguyên nhân, tập trung đánh giá sâu những yếu kém, có cái nhìn sâu sắc về thực trạng năng lực phẩm chất, chế độ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, có như vậy đổi mới bộ máy mới là “bà đỡ” thúc đẩy sự phát triển của KT-XH. Đại biểu Nguyễn Thị Doan (Hà Nam) và một số đại biểu đề nghị các bộ, ngành, địa phương kiên quyết xử lý các vấn đề bất hợp lý, nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy, thực hiện chính sách khoán toàn bộ chi tiêu cho từng cơ quan đơn vị.
(Theo NDĐT)
Các tin khác
Giới chuyên gia Mỹ cho rằng các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông là phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Việt Nam không có các hoạt động xây dựng mới các đảo tại biển Đông giống như Trung Quốc đang thực hiện trái phép.
Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước.
YBĐT - Sau 58 năm xây dựng và phát triển (18/10/1957 - 18/10/2015) Mù Cang Chải ngày nay đã trở thành một địa danh với nhiều tiềm năng phát triển du lịch, kinh tế - xã hội từng bước khởi sắc.
Việt Nam trúng cử với số phiếu cao là 182 phiếu trong tổng số 187 phiếu, và sẽ chính thức bắt đầu đảm nhận nhiệm vụ thành viên Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên Hợp Quốc từ ngày 1/1/2016.