Bộ Nội vụ trả lời tại Công văn số 872/BNV-CQĐP ngày 06/3/2018 như sau:
1. Về đề nghị UBTVQH ban hành Quy chế hoạt động của HĐND theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
Tại Kỳ họp thứ 9 và Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII đã thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Trên cơ sở kiến nghị, đề xuất của các địa phương, UBTVQH đã giao Ban Công tác đại biểu của UBTVQH xây dựng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế hoạt động của hội đồng nhân dân (HĐND) để thay thế Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02 tháng 4 năm 2005 của UBTVQH khóa XI.
2. Về ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Sau khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương được ban hành, Bộ Nội vụ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1910/QĐ-TTg ngày 05/11/2015 về kế hoạch triển khai Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tham mưu, giúp Chính phủ trình UBTVQH ban hành 03 Nghị quyết hướng dẫn Luật Tổ chức chính quyền địa phương:
(l) Nghị quyết số 1130/2016/UBTVQH13 ngày 14/01/2016 về tiêu chuẩn, điều kiện thành lập ban dân tộc của HĐND tỉnh, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; (2) Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; (3) Nghị quyết số 1206/2016/UBTVQH13 ngày 13/5/2016 quy định về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu HĐND; phối hợp với Bộ Xây dựng (cơ quan chủ trì) tham mưu, giúp Chính phủ trình UBTVQH ban hành Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của UBTVQH về phân loại đô thị. Đồng thời, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định: (1) Nghị định số 08/2016/NĐ- CP ngày 25/01/2016 quy định số lượng phó chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, phê chuẩn, từ chức, miễm nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND; (2) Nghị định số 48/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của văn phòng HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Như vậy, các nội dung được Luật Tổ chức chính quyền địa phương giao UBTVQH, Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã được ban hành.
l Theo ý kiến của cử tri tỉnh Yên Bái, Điều 34 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương về cơ cấu tổ chức của UBND quy định: UBND xã loại I có không quá 02 phó chủ tịch; xã loại II và loại III có 01 phó chủ tịch. Quy định như vậy chưa hợp lý, vì đối với khu vực các tỉnh miền núi các xã thuộc loại II, loại III là các xã có diện tích rộng, dân cư sinh sống không tập trung, giao thông đi lại khó khăn. Đề nghị xem xét, sửa đổi quy định trên cho hợp lý.
Về nội dung này, Bộ trả lời tại Văn bản số 6565/BNV-CQĐP ngày 15/12/2017 như sau:
Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25/01/2016 của Chính phủ quy định số lượng phó chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND, đã quy định số lượng phó chủ tịch UBND theo phân loại đơn vị hành chính các cấp, cụ thể: đơn vị hành chính cấp xã loại I có không quá 02 phó chủ tịch, xã loại II và loại III có 01 phó chủ tịch. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 4763/VPCP-V.III ngày 15/6/2016 của Văn phòng Chính phủ về số lượng phó chủ tịch UBND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Bộ Nội vụ ghi nhận ý kiến của cử tri tỉnh Yên Bái để tham mưu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét khi sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Minh Quang (lược ghi)