Trên thực tế, tham nhũng không chỉ xâm hại nghiêm trọng đến uy tín của hệ thống công quyền, làm sai lệch công lý, công bằng xã hội, mà nguy hiểm hơn, nó làm suy giảm niềm tin của nhân dân, cản trở sự phát triển đất nước. Chủ động đối thoại từ cơ sở để nắm bắt, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong đời sống của người dân vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Đây cũng được xem là biện pháp quan trọng để phát giác, đồng thời nhằm ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng.
Trong thực thi quyền lực Nhà nước, cấp cơ sở là cấp nhỏ nhất, nhưng đây lại là nơi gần dân nhất, gắn bó mật thiết với dân và cũng là nơi để người dân có điều kiện "trút bầu tâm sự” sớm nhất. Bởi thế, nói cấp cơ sở là "tai mắt” trong phát hiện, PCTN là điều dễ hiểu. Rất nhiều vụ việc tham nhũng bị phát giác bắt đầu từ cơ sở. Nó có thể từ một đơn thư tố cáo, một ý kiến phát giác, một vấn đề bất cập... Thực tiễn cho thấy, chính nhân dân đã rất tích cực trong việc phát hiện và tố cáo những hành vi tham nhũng, những biểu hiện bất thường và yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xác minh, xem xét xử lý.
Tuy nhiên, một trong những điều khiến dư luận băn khoăn là chúng ta chưa chủ động đối thoại từ cơ sở. Rất nhiều các vụ việc tham nhũng bị đưa ra ánh sáng được bắt đầu do người dân, từ cơ sở tìm đến cơ quan công quyền. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có những nơi, những địa phương mà cơ quan có trách nhiệm dường như chưa thực sự chủ động đối thoại, gặp gỡ để tiếp nhận thông tin, chưa thực sự là điểm tựa để người dân chia sẻ suy nghĩ của mình. Và như vậy, chúng ta chưa phát huy hết vai trò của người dân, của cơ sở trong PCTN.
Những vụ việc tham nhũng khi bị tố giác từ cơ sở được điều tra, xử lý khiến dư luận hoan nghênh và đồng tình. Dù vậy, cũng đã có những lá đơn tố cáo, những chứng cứ chỉ ra dấu hiệu tham nhũng từ cơ sở đã không được xem xét một cách thấu đáo, trách nhiệm, khiến vụ việc rơi vào im lặng. Điều đó là do một số cán bộ thực thi quyền lực trong bộ máy công quyền làm việc thiếu trách nhiệm, động cơ không trong sáng hoặc trình độ, năng lực hạn chế. Trong khi đó, nếu việc đối thoại, lấy ý kiến, tiếp thu ý kiến từ cơ sở có trách nhiệm, việc PCTN sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Chủ động đối thoại luôn là kênh giám sát, PCTN rất hiệu quả. Đối thoại giúp cơ sở, giúp người dân được nói ra suy nghĩ, kiến nghị của mình, phát huy khả năng giám sát của họ. Khi cấp cơ sở phát huy tốt vai trò giám sát thì những đối tượng có ý định tham nhũng, tư tưởng tham nhũng cũng không dám tham nhũng và không thể nham nhũng. Để làm tốt điều đó, chúng ta cần xây dựng được cơ chế giám sát, phản biện xã hội của cơ sở mà quan trọng nhất là phát huy hết vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức quần chúng và nhân dân; giám sát được quá trình xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách; giám sát được quá trình sinh hoạt, phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức từ cơ sở.
Một vấn đề rất quan trọng trong đối thoại với cơ sở là để xây dựng niềm tin vững chắc từ nhân dân, từ cơ sở. Để làm tốt điều đó, cần có hành lang pháp lý chặt chẽ, chế tài đủ mạnh để bảo vệ người dân, cán bộ các cấp khi họ thực hiện quá trình tố giác. Trên thực tế, đã có không ít trường hợp người tố cáo tham nhũng bị trù dập, bị trả thù khiến họ giảm sút ý chí, giảm sút niềm tin. Việc chủ động đối thoại cũng là nhằm phát hiện, kịp thời khen thưởng xứng đáng với người có trách nhiệm để họ có động lực tiếp tục đấu tranh với hiện tượng tiêu cực này.
PCTN có hiệu quả cần nhiều giải pháp, trong đó cần hội tụ, phát huy được vai trò của toàn xã hội, mọi người dân. Chủ động đối thoại, cởi mở từ cơ sở sẽ huy động được sức mạnh quần chúng nhân dân, sự vào cuộc của mọi cấp, mọi ngành để đấu tranh với hiện tượng xã hội rất nhức nhối này.
(Theo QĐND)