Những năm qua, nhận thức sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của công tác cán bộ, Tỉnh ủy, các cấp ủy toàn Đảng bộ đã chú trọng quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ (ĐNCB), nhất là ĐNCB lãnh đạo, quản lý các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Với nguyên tắc: Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý ĐNCB, thời gian qua, ĐNCB, lãnh đạo, quản lý của tỉnh được quan tâm, kiện toàn về số lượng, chất lượng và ngày càng trưởng thành về mọi mặt, dần đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.
Theo đánh giá, đa số các cán bộ lãnh đạo, quản lý có kinh nghiệm công tác, có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống lành mạnh; gương mẫu, giữ mối liện hệ với địa phương nơi cư trú; tích cực học tập, nghiên cứu nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, phát huy được vai trò, trách nhiệm trên cương vị công tác được giao.
Để có được kết quả này, tỉnh đã ban hành đồng bộ các nghị quyết, quy định, quy chế, đề án, kế hoạch nâng cao chất lượng công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn.
Trong đó, từ năm 2011, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 25 về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2020; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án đào tạo cán bộ trẻ có trình độ đại học giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020; Đề án đào tạo cán bộ chủ chốt và dự nguồn cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn giai đoạn 2012 - 2020.
Năm 2016, Tỉnh ủy Yên Bái tiếp tục ban hành Nghị quyết số 31 về nâng cao chất lượng ĐNCB, lãnh đạo quản lý và dự nguồn giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Đặc biệt, Tỉnh ủy Yên Bái đã chủ động ban hành Đề án số 11 ngày 8/8/2018 về: "Xây dựng và tạo nguồn ĐNCB trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”.
Qua đó, tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức sát hạch qua nhiều vòng chặt chẽ từ trên 1.100 đồng chí từ các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh để lựa chọn ra 150 cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc đưa vào Đề án. Tổ chức 2 lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp lãnh đạo cho 150 cán bộ tham gia Đề án, 1 lớp tham gia học tập kỹ năng lãnh đạo quản lý tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cho các đồng chí cán bộ trẻ và 4 lớp thực tế tại Công ty LG Electronic Việt Nam Hải Phòng.
Cùng đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng, cụ thể hóa tiêu chuẩn, chức danh, vị trí việc làm, cơ cấu cán bộ và nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn cán bộ, công chức, bảo đảm tuyển chọn được người đào tạo cơ bản, có năng lực, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ để tạo nguồn cán bộ, lãnh đạo, quản lý.
Việc đánh giá cán bộ được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, tiến hành định kỳ hàng năm và trước khi quy hoạch, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, giới thiệu cán bộ ứng cử theo quy định gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Yên Bái cũng đã đổi mới công tác quy hoạch cán bộ các cấp đảm bảo chất lượng, liên thông, đồng bộ với phương châm "động” và "mở”.
Tỉnh cũng đã mạnh dạn bố trí quy hoạch vượt cấp đối với cán bộ có phẩm chất, năng lực, triển vọng và chiều hướng phát triển, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số của Đề án 11 bảo đảm nguồn kế cận lâu dài cho các nhiệm kỳ tiếp theo.
Đến nay, đã có 34 đồng chí cán bộ thuộc Đề án được luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện; trong đó, nhiều đồng chí được bổ nhiệm chức vụ cao hơn; lựa chọn 45 đồng chí bổ sung vào quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025; còn lại hầu hết được quy hoạch vào cấp ủy, các chức danh lãnh đạo các cấp.
Tỉnh cũng thường xuyên đổi mới hình thức, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phù hợp với vị trí việc làm và chức danh quy hoạch, đặc biệt là cán bộ trẻ. Từ đó, chất lượng hiệu quả đào tạo được nâng lên; cán bộ được đào tạo phát huy được năng lực, trình độ, nâng cao hiệu quả công tác.
Trong những năm qua, số cán bộ được đề bạt chức vụ cao hơn sau tốt nghiệp là gần 1.800 người, chiếm gần 50% số cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng. Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện đồng bộ công tác luân chuyển, điều động, tăng cường, biệt phái cán bộ; xác định rõ đối tượng luân chuyển, biệt phái là cán bộ trẻ, đủ tiêu chuẩn và có triển vọng để phát triển.
Đặc biệt, tỉnh đã cho chủ trương để các huyện, thị, thành ủy đề xuất thực hiện phương án luân chuyển, tăng cường, điều động cho 25% cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số thuộc Đề án 11 xuống các địa phương đảm nhiệm chức danh lãnh đạo cấp ủy, chính quyền.
Với sự chuẩn bị chu đáo, tích cực, đến nay, Yên Bái đã xây dựng được phương án nhân sự gồm những đồng chí có đức, có tài, uy tín, năng lực thực tiễn, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Mạnh Cường