Phong trào thi đua Dân vận khéo (DVK) là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác vận động quần chúng của Đảng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc, là điều kiện quan trọng xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Do đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở luôn coi trọng công tác dân vận và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực thực hiện tốt công tác vận động quần chúng của Đảng thông qua Phong trào thi đua DVK. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh đã có trên 5.500 mô hình DVK ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, an ninh - quốc phòng.
Bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, Phong trào thi đua DVK đã được các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương hướng về cơ sở gắn với các phong trào thi đua yêu nước và phát triển kinh tế - xã hội như các phong trào: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, "Cựu chiến binh gương mẫu”, "Thanh niên Yên Bái lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước”, "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, "Doanh nghiệp giỏi, cơ quan văn hoá”… và lan tỏa tích cực bằng hiệu quả hoạt động của các mô hình điển hình DVK từ vùng thấp tới vùng cao trong tỉnh.
Tiêu biểu như: mô hình vận động nhân dân trồng quế tại thôn 1 Vàn, xã Phúc Lợi (Lục Yên) với quy mô 250 ha, vốn đầu tư 6,25 tỷ đồng, qua 8 năm thực hiện đã tạo việc làm cho 250 lao động, doanh thu là 1,2 tỷ đồng/năm; mô hình tổ nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà của Hội Cựu chiến binh xã Mông Sơn (Yên Bình) với quy mô 15 lồng cá, vốn đầu tư 170 triệu đồng, qua 5 năm tạo việc làm cho 10 lao động, sản lượng cá đánh bắt mỗi năm đạt 9 tấn, trị giá 560 triệu đồng; mô hình liên kết chăn nuôi thỏ NewZeland của Hội Nông dân thôn Lương Môn, xã Lương Thịnh (Trấn Yên), vốn đầu tư ban đầu 1,2 tỷ đồng, qua 2 năm thực hiện đã tạo việc làm cho 12 lao động, mỗi năm cung ứng ra thị trường 16.500 con thỏ, trị giá 2,8 tỷ đồng.
Mô hình phát triển du lịch cộng đồng của bà Hoàng Thị Loan ở thôn Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ) vốn đầu tư ban đầu 200 triệu đồng, tạo việc làm cho 4 lao động, thu nhập 80 triệu đồng/năm; mô hình trồng sơn tra, nuôi ong mật của ông Sùng A Sào, xã Lao Chải (Mù Cang Chải); mô hình trồng lúa nếp đặc sản của ông Hoàng Văn Pỏm ở Bản Tun, xã Tú Lệ (Văn Chấn).
Mô hình vận động họ giáo Minh Quân chung tay xây dựng nông thôn mới, sống "Tốt đời đẹp” đạo của ông Nguyễn Huy Túc, thôn Linh Đức, xã Minh Quân (Trấn Yên); mô hình vận động nhân dân không sinh con thứ 3 của người Mông thôn Chống Tàu, xã Làng Nhì (Trạm Tấu); mô hình ánh sáng nông thôn mới ở thôn 6, xã Giới Phiên (thành phố Yên Bái).
Ngoài ra, ở huyện Văn Yên có trên 870 mô hình DVK, trong đó lĩnh vực kinh tế có hơn 300 mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; lĩnh vực văn hóa - xã hội có hơn 450 mô hình đang được bà con nhân dân các dân tộc trong huyện nhân rộng và lan tỏa những hiệu quả tích cực.
Thực tế, sau 10 năm triển khai thực hiện Phong trào thi đua DVK trên địa bàn tỉnh Yên Bái, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc đồng thuận của nhân dân các dân tộc đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt.
Kết quả đó được thể hiện bằng sự gia tăng về số lượng và chất lượng của các mô hình DVK từ 1.000 mô hình năm 2009 lên hơn 5.500 mô hình năm 2020.
Bên cạnh đó, các mô hình "Dân vận khéo” trong lực lượng vũ trang của tỉnh cũng phát huy tối đa hiệu quả, điển hình như mô hình: Vận động nhân dân tích cực tham gia Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở các địa bàn trọng điểm vùng dân tộc, tôn giáo của Công an tỉnh; thị xã Nghĩa Lộ với các mô hình "2 không, 2 giữ”, "2 không, 1 quản, 1 giữ”, "3 quản, 2 không, 1 giảm”, "3 không, 1 giảm”, "1 không, 3 giảm”; huyện Mù Cang Chải với mô hình "Vận động nhân dân không nghiện hút, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán ma túy”; mô hình "Tổ dân phố tự quản”, "Đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông” của thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ… đã góp phần giữ gìn, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, quốc phòng - an ninh, không để xảy ra điểm nóng, bị động, bất ngờ.
Tiếp nối những kết quả đó, năm 2021, toàn tỉnh đã đăng ký xây dựng mới 2.943 mô hình DVK, trong đó 100% xã, phường, thị trấn đã đồng loạt triển khai; 9/9 huyện, thị, thành phố triển khai ít nhất 10 mô hình DVK trở lên hoạt động hiệu quả để nhân rộng điển hình trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Thành công lớn nhất mà Phong trào thi đua DVK mang lại chính là việc vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới đã và đang trở thành phong trào sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, các lực lượng vũ trang và cả hệ thống chính trị ở Yên Bái. Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh đã có trên 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 9 xã và 150 thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Đây thực sự là con số ấn tượng đối với một tỉnh miền núi đông đồng bào dân tộc như Yên Bái. Từ phong trào vận động nhân dân hiến đất làm giao thông và các công trình phúc lợi khác để xây dựng, cải thiện bộ mặt nông thôn vùng cao, đến nay Yên Bái đã có gần 1.800 km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, bảo đảm giao thông đi lại thuận lợi. Trong đó, ở 9 xã và 150 thôn, bản đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới đã có đường ô tô đi lại được 4 mùa trong năm.
Kết quả đó một lần nữa khẳng định ý nghĩa nhân văn to lớn mà Phong trào thi đua DVK mang lại. Đó là sự vững tin vào chế độ xã hội chủ nghĩa và chỉ số hạnh phúc của nhân dân, góp phần củng cố vững chắc mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Là sự bền chặt, khăng khít không thể tách rời của khối đại đoàn kết các dân tộc và sự đồng thuận trong toàn xã hội, thể hiện bằng hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước do trung ương và địa phương phát động, góp phần xây dựng quê hương Yên Bái ngày càng phát triển bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc.
Thanh Hương