Ngày 15/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với các cơ quan về việc điều hành, phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Tham gia buổi làm việc còn có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
Về phía các cơ quan hữu quan có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính và các cơ quan hữu quan.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Hội nghị lần thứ 4 của Ban chấp hành Trung ương khoá XIII đã bàn và đưa ra nhiều quyết sách, trong đó có chủ trương nghiên cứu điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, phối hợp.
Việc điều chỉnh 2 chính sách này với liều lượng hợp lý, vào thời điểm phù hợp, tạo nguồn lực để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá, lao động, thúc đẩy xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư bao gồm cả đầu tư công và đầu tư tư nhân…
Các lĩnh vực tài chính ngân sách, tiền tệ đều liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội. Với tinh thần vào cuộc từ sớm, từ xa, cuộc họp này sẽ là dịp để các cơ quan trao đổi, nắm tình hình và gợi mở các vấn đề cần được quan tâm trong điều hành chính sách.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là những vấn đề hệ trọng, khó khăn, phức tạp, vì vậy các cơ quan cùng bàn bạc sớm nắm được vấn đề, bàn thảo thận trọng kỹ lưỡng. Bên cạnh những khung chính sách tài khóa, tiền tệ đã được Chính phủ đề ra, buổi làm việc sẽ tiếp tục bàn về những chính sách phát sinh, hỗ trợ cho khung chương trình phục hồi, phát triển kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các Ủy ban của Quốc hội tích cực phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan của Chính phủ rà soát các lĩnh vực có nhiều dư địa để tập trung thực hiện chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ, phục vụ hiệu quả phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội và phục hồi, phát triển kinh tế.
Dự trữ ngoại hối được củng cố
Tại buổi làm việc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng và Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng đã báo cáo về việc thực hiện các chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá trong thời gian qua, thực trạng và dự kiến nhiệm vụ, giải pháp điều hành trong thời gian tới.
Theo đánh giá của các đại biểu dự họp, các chính sách, giải pháp đã ban hành có sự kết hợp giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách hỗ trợ ngành hoặc an sinh xã hội khác, cơ bản phù hợp diễn biến và tác động của dịch bệnh, tương đồng với cách tiếp cận mới của nhiều quốc gia trên thế giới.
Các chính sách được thực hiện với chi phí thấp, do vậy không gây ảnh hưởng đến các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời bảo lưu dư địa để tiếp tục xây dựng, thực hiện các giải pháp trong giai đoạn tiếp theo.
Do đó, dù trong bối cảnh vô cùng khắc nghiệt và khó khăn, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, dự trữ ngoại hối nhà nước tiếp tục được củng cố, hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách nhà nước, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, an sinh xã hội được bảo đảm.
Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng thực trạng nền kinh tế còn rất khó khăn và còn những hạn chế trong quá trình điều hành, phối hợp hai chính sách này.
Bên cạnh những khung chính sách, chính sách tài khóa, tiền tệ đã được Chính phủ đề ra, các đại biểu đã tập trung bàn về những chính sách phát sinh, hỗ trợ cho khung chương trình phục hồi, phát triển kinh tế.
Trước đó, trong phát biểu bế mạc Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, dự báo trong năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường; có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn...
Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh từ bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế đúc rút được thời gian qua, cần phải đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp đưa vào Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2022 sao cho sát hợp, khả thi nhất có thể.
Trên cơ sở kế hoạch kinh tế- xã hội năm 2022 và chủ trương, định hướng phòng, chống dịch trong tình hình mới, kịp thời điều chỉnh chính sách tài chính - tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá, lao động.
Sớm nghiên cứu, xây dựng kịch bản tăng trưởng mới cho thời kỳ "hậu COVID-19", các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn...
(Theo TPO)