P.V: Xin đồng chí cho biết cách thức mà huyện Trạm Tấu đã triển khai để thực hiện có hiệu quả chương trình hành động số 18 - Ctr/TU của Tỉnh ủy?
Đồng chí Vũ Lê Chung Anh: Thực hiện Chương trình hành động số 18 của Tỉnh ủy, trên cơ sở các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Tỉnh ủy giao và điều kiện thực tiễn của huyện, Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 16 ngày 26/12/2020 gồm 39 chỉ tiêu chủ yếu trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Đảng (trong đó có 13 chỉ tiêu huyện Trạm Tấu xây dựng cao hơn so với chỉ tiêu của tỉnh giao); 27 chỉ tiêu, nhiệm vụ lĩnh vực quốc phòng - an ninh, nội chính; 29 nhiệm vụ của các Ban, cơ quan tham mưu giúp việc Huyện ủy; 43 nhiệm vụ của MTTQ và các đoàn thể huyện.
Ngô đồi trên vùng cao Trạm Tấu. Ảnh: Văn Tuấn
Huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn ban hành kế hoạch thực hiện cụ thể trên từng chỉ tiêu, lĩnh vực, trong đó xác định rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành và thường xuyên kiểm tra, đốn đốc tiến độ thực hiện nhiệm vụ.
Huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo chương trình làm việc; chương trình kiểm tra, giám sát; các kế hoạch đã ban hành, nhất là Kế hoạch số 16 ngày 26/12/2020 về thực hiện Chương trình hành động số 18 của Tỉnh ủy; có chủ trương, định hướng, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, trọng tâm, trọng điểm trên từng lĩnh vực và từng chỉ tiêu, nhiệm vụ; đồng thời, thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gắn với phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện, theo phương châm "Vừa phòng chống dịch, bệnh; vừa phát triển kinh tế - xã hội”.
P.V: Trong tình hình phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh Covid-19, tới thời điểm này, xin đồng chí cho biết những kết quả chủ yếu của huyện trong thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2021?
Đồng chí Vũ Lê Chung Anh: Năm 2021, Ban Thường vụ Huyện ủy đã sát sao, quyết liệt, năng động, sáng tạo và có nhiều đổi mới trong phương pháp lãnh, chỉ đạo, điều hành, qua đó đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến hết tháng 11/2021, huyện đã thực hiện hoàn thành toàn diện 26/35 chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt cao so với kế hoạch như trồng rừng đạt 135%; thành lập hợp tác xã đạt 133%; tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch đạt 115%.
Văn hóa xã hội có nhiều khởi sắc; an sinh xã hội được quan tâm kịp thời; QPAN luôn đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, nhất là đảm bảo an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, huyện đã lãnh đạo thành công Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp với tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 100% và thời gian hoàn thành sớm hơn mong đợi. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh được chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực; tổ chức bộ máy chính trị được sắp xếp tinh gọn, phát huy hiệu lực, hiệu quả...
Những kết quả trên chính là động lực quan trọng, là nền tảng vững chắc khích lệ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân các dân tộc trong huyện phấn khởi, đoàn kết, quyết tâm, quyết liệt, thi đua thực hiện hoàn thành thắng lợi, các mục tiêu nhiệm vụ năm 2022 với những kết quả cao hơn, ấn tượng hơn và toàn diện hơn.
P.V: Thưa đồng chí, năm 2022, Trạm Tấu vẫn phải đối diện với những khó khăn đặc thù về điều kiện tự nhiên, thiên tai, dịch bệnh. Huyện sẽ đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, nhóm giải pháp trọng tâm nào để giảm tỷ lệ hộ nghèo, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân?
Đồng chí Vũ Lê Chung Anh: Với quyết tâm xây dựng Trạm Tấu phát triển toàn diện, từng bước thoát khỏi huyện nghèo, năm 2022 huyện đề ra mục tiêu thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; gắn các mục tiêu giảm nghèo bền vững với tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Chúng tôi xác định phát triển kinh tế - xã hội là nền tảng quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bao gồm đầu tư tập trung tăng cường kết cấu hạ tầng, nhất là vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện để người dân tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản; huy động và sử dụng có hiệu quả các chính sách của Trung ương, của tỉnh, huyện gắn với đẩy mạnh nguồn lực xã hội hóa để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2022 và các năm tiếp theo; tăng cường huy động vốn từ các nguồn đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng; tăng cường các hoạt động truyền thông thích hợp nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người nghèo; ưu tiên truyền thông tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả.
Để thực hiện được những mục tiêu trên huyện Trạm Tấu tập trung nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất: Tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới trong các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương; chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân về tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo.
Thứ hai: Xác định xóa đói, giảm nghèo là một trong những chính sách ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo phải hướng vào những nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Thứ ba: Tăng cường nguồn lực đầu tư cho các chính sách, chương trình giảm nghèo; phân bổ, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực; bảo đảm lồng ghép chính sách và nguồn lực có hiệu quả; kết hợp chặt chẽ giữa chính sách giảm nghèo với phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh.
Thứ tư: Giảm dần chính sách hỗ trợ cho không, thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo; tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo bảo đảm hộ nghèo, cận nghèo có đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn ưu đãi đều được đáp ứng cho vay phục vụ sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững.
Thứ năm: Ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kết hợp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nói chung, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Thứ sáu: Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và tỷ lệ đào tạo nghề khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường đầu tư trạm y tế cấp xã để có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác;
Thứ bảy: Tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính để người dân, cộng đồng tham gia và tiếp cận chính sách giảm nghèo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Phương Thùy (thực hiện)