Các đồng chí: Đào Ngọc Dung - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Đỗ Ngọc An - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái có các đồng chí: Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Giàng A Tông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Hoàng Thị Thanh Bình - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Phát triển thêm 16 thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam ở nước ngoài
10 năm qua, công tác phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 16 được cấp uỷ, chính quyền các cấp triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời. Hệ thống luật pháp, chính sách đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được sửa đổi, bổ sung, cơ bản phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế và chủ động trong hội nhập quốc tế của nước ta.
Công tác đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ, giáo dục pháp luật, phong tục, tập quán của nước tiếp nhận, định hướng cho người lao động và chuyên gia ngày càng được chú trọng; chất lượng lao động và chuyên gia của Việt Nam được nâng cao; công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài cơ bản được triển khai hiệu quả.
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái.
Đến năm 2022, cả nước đã có 45 doanh nghiệp làm dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, cao hơn 2 lần so với thời điểm ban hành Chỉ thị. Thị trường lao động ngày càng mở rộng và phát triển, từ 9 thị trường năm 2013 đến nay đã có 25 thị trường.
Đã đưa hơn 1 triệu lượt người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài, tăng 40% so với bình quân giai đoạn trước khi ban hành Chỉ thị, tạo việc làm 7 - 10% lực lượng lao động hàng năm; thu nhập bình quân 200 triệu đồng/người/năm. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ngày một nâng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa khi trở về lao động tại Việt Nam…
Hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Ban Bí thư; tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, quan tâm đàm phán với các quốc gia, điều chỉnh các quan hệ lao động đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; nâng cao ngăn lực hiệu quả quản lý nhà nước; lựa chọn địa bàn trọng tâm; phát triển các loại hình lao động.
Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài gắn với quản lý lao động trong nước đảm bảo đồng bộ, liên thông, cập nhật, đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới; đổi mới đào tạo kỹ năng nghề, ngoại ngữ, văn hoá cho người lao động; tăng cường công tác bảo hộ công dân đi làm việc ở nước ngoài… nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Minh Huyền - Hoài Văn