Xã Thượng Bằng La nằm ở phía Tây Nam huyện Văn Chấn, tổng diện tích tự nhiên trên 9.243 ha. Toàn xã hiện có 13 dân tộc anh em chung sống với 2.200 hộ, 8.700 nhân khẩu. Thượng Bằng La được bao bọc bởi những núi đá cao sừng sững, giữa là một vùng thung lũng rộng lớn, màu mỡ, lại giáp ranh với các tỉnh bạn Sơn La, Phú Thọ nên có một vị trí chiến lược rất quan trọng. Đây cũng là nơi có tuyến đường đèo Lũng Lô lịch sử, gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mà ngày nay đã trở thành Di tích lịch sử cấp quốc gia, là "địa chỉ đỏ” của nhiều thế hệ.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nhân dân các dân tộc xã Thượng Bằng La đã một lòng theo Đảng, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ Tịch kiên cường đứng lên kháng chiến; phối hợp với lực lượng quân và dân các xã bạn, bộ đội địa phương tham gia nhiều trận đánh ác liệt để giải phóng quê hương.
Một sự kiện đặc biệt quan trọng là ngày 24/8/1947, Huyện ủy Văn Chấn đã tổ chức lễ kết nạp lớp "Đảng viên Tháng Tám” gồm 25 đồng chí. Đây chính là những hạt nhân chính trị lãnh đạo nhân dân trong xã đứng lên kháng chiến. Tiếp đó, cấp ủy cấp trên chỉ đạo thành lập thêm 6 chi bộ Đảng, trong đó có Chi bộ Thượng Bằng La - Chấn Thịnh.
Sau khi thành lập, đảng viên ở chi bộ, địa phương nào thì về chi bộ, địa phương đó hoạt động, chỉ đạo nhân dân kháng chiến. Tại Thượng Bằng La lúc đó có 3 đảng viên, gồm các đồng chí: Hoàng Đình Lự, Hà Đình Vượng, Hà Đình Chiểu. Huyện ủy Văn Chấn đã phân công từng đồng chí về các địa phương trong huyện để hoạt động, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng. Sau một thời gian hoạt động, các chi bộ đã kết nạp thêm một số đồng chí đảng viên mới.
Ngày 6/1/1948, Huyện ủy Văn Chấn quyết định tách Chi bộ Thượng Bằng La - Chấn Thịnh thành Chi bộ Thượng Bằng La (bao gồm xã Bình Thuận, Nghĩa Tâm, Minh An ngày nay). Sau khi tách từ chi bộ ghép, Chi bộ Thượng Bằng La đi vào hoạt động độc lập, chỉ đạo kháng chiến, xây dựng cơ sở Đảng cho xã Minh An, Nghĩa Tâm, Bình Thuận. Đến ngày 1/1/1949, Huyện ủy Văn Chấn quyết định thành lập Chi bộ Minh An và chỉ định đồng chí Hà Đình Vượng (bí danh Long Giang) trực tiếp làm Bí thư và tiếp tục xây dựng, thành lập Chi bộ Nghĩa Tâm, Chi bộ Bình Thuận. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và thành lập chi bộ các xã lân cận, các đồng chí cán bộ trở về địa phương để lãnh đạo nhân dân tham gia kháng chiến và xây dựng quê hương.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân trong xã đã tham gia mở đường 13A (nay là quốc lộ 37) từ Yên Bái đến Ba Khe, qua Thượng Bằng La, vượt đèo Lũng Lô sang Phù Yên, Sơn La, Điện Biên Phủ. Trên cung đường này, nhân dân xã Thượng Bằng La cùng với dân quân các dân tộc huyện Văn Chấn - Yên Bái vừa tham gia mở đường, vừa bảo vệ và vận chuyển hàng nghìn tấn lương thực, quân trang, vũ khí đạn dược phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954.
Đèo Lũng Lô- cung đường huyền thoại đã đi vào sử sách trong cuộc kháng chiến chống Pháp hào hùng của dân tộc.
Năm 1960, Chi bộ xã Thượng Bằng La được Huyện ủy Văn Chấn quyết định nâng cấp lên đảng bộ. Lúc đó, Đảng bộ xã có 42 đồng chí đảng viên. Đây là lực lượng hùng hậu, là hạt nhân chính trị lãnh đạo và cùng nhân dân các dân tộc trong xã bắt tay vào thực hiện hai nhiệm vụ: xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, là hậu phương vững chắc chi viện và tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ cùng bè lũ tay sai.
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lớp lớp con em nhân dân các dân tộc trong xã đã lên đường tham gia kháng chiến. Nhiều người con của quê hương Thượng Bằng La đã anh dũng ngã xuống trên chiến trường hoặc hy sinh một phần xương máu của mình cho ngày chiến thắng hoàn toàn, trọn vẹn non sông.
Ghi nhận những hy sinh và công lao đóng góp đó, năm 2000, Đảng và Nhà nước đã phong tặng Danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thượng Bằng La. 75 năm xây dựng và phát triển, trải qua 23 lần đại hội, từ vài đảng viên cốt cán ban đầu, tới nay Đảng bộ xã đã có 475 đảng viên.
Cùng với quan tâm, chăm lo công tác xây dựng Đảng, những năm qua, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo nhân dân thi đua phát triển kinh tế, tích cực giảm nghèo nhanh và bền vững. Sản xuất nông nghiệp đã được tái cơ cấu hợp lý và chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị nông sản, tạo sản phẩm liên kết chuỗi.
Xã đã hình thành được các vùng sản xuất tập trung như vùng chè và vùng cây ăn quả trên 600 ha, vùng cây lâm nghiệp và tre măng Điền Trúc khoảng 1.500 ha; vùng phát triển chăn nuôi đại gia súc với nhiều mô hình chăn nuôi trên 10 con; vùng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô đàn lợn từ 30 con trở lên, quy mô đàn gà, vịt từ 300 - 1.000 con/lứa trở lên...
Kinh tế tập thể được quan tâm phát triển, khẳng định vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế địa phương như Tổ sản xuất cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, Hợp tác xã Chăn nuôi thủy sản, Hợp tác xã Khai thác vật liệu xây dựng, Tổ hợp tác Chăn nuôi bò sinh sản...
Xã khuyến khích, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hộ, kinh tế tư nhân. Nguồn nhân lực lao động tại địa phương ngày càng được nâng lên về mọi mặt. Kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người hàng năm của xã tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh theo từng năm. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã ước đạt 45 triệu đồng, số hộ nghèo chỉ còn 7,47% theo tiêu chí mới.
Điểm nhấn quan trọng và là bước ngoặt trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của xã những năm gần đây là Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc đã chung sức, đồng lòng, quyết tâm xây dựng Thượng Bằng La trở thành xã nông thôn mới. Thực hiện Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới, giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Đồng thời, tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho người dân hiểu sâu, nắm rõ nội dung, mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, xác định rõ xây dựng nông thôn mới là quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân.
Nhờ đó, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, Thượng Bằng La đã huy động được nguồn lực to lớn từ sự đóng góp của nhân dân để xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng thiết yếu cho nông thôn mới. Tới nay, 100% số tuyến đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa; các tuyến đường liên xóm được cứng hóa đảm bảo đi lại thuận tiện; trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang.
Thượng Bằng La hôm nay đã có 2 trường học và trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia; điện thắp sáng được đầu tư tới 100% các thôn bản. Kinh tế nông nghiệp có nhiều mô hình phát triển chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ có thu nhập từ 200 triệu đồng đến hàng tỷ đồng.
Văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân thực sự được nâng lên. Với những nỗ lực không ngừng và kết quả đạt được, ngày 29/10/2016, xã
Thượng Bằng La đã được UBND tỉnh Yên Bái công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Đảng bộ xã trong lúc toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc phấn khởi hướng về kỷ niệm 64 năm Ngày Bác Hồ thăm Yên Bái, 75 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện Văn Chấn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Thượng Bằng La nguyện phát huy cao độ truyền thống cách mạng vẻ vang và những thành tựu đạt được trong những năm đổi mới; ra sức đoàn kết, thi đua, nỗ lực thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực để xây dựng Đảng bộ xã ngày càng trong sạch, vững mạnh; xã sớm trở thành xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2023, tạo tiền đề quan trọng để Thượng Bằng La phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, nhân dân các dân tộc ngày càng hạnh phúc hơn.
Hoàng Đình Mưu - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thượng Bằng La