Người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những thông tin đưa ra

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/11/2022 | 6:53:21 PM

YênBái - Thảo luận tại hội trường chiều 10/11, thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái tham gia ý kiến vào dự thảo dự thảo luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Triệu Thị Huyền đề nghị quy định người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những thông tin mình đưa ra.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Triệu Thị Huyền tham gia ý kiến vào dự thảo Luật bảo vệ người tiêu dùng trong phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: Minh Đông - TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Triệu Thị Huyền tham gia ý kiến vào dự thảo Luật bảo vệ người tiêu dùng trong phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: Minh Đông - TTXVN


Thống nhất với quan điểm về sự cần thiết ban hành dự thảo luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu cho rằng Luật sẽ khắc phục những bất cập đặt ra trong thực tiễn 12 năm thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh nước ta đang là nước có tốc độ phát triển về giao dịch thương mại điện tử đứng hàng đầu thế giới. 

Về khái niệm "người tiêu dùng”, được xác định là cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình và không vì mục đích thương mại, đại biểu Huyền cho rằng, để tạo sự logic, phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, phù hợp với những trường hợp đặt ra trong thực tiễn thì việc quy định khái niệm người tiêu dùng cần được định nghĩa, bao gồm cả đối tượng là "tổ chức”. 

Đại biểu cho biết thực tế, việc mua hoặc sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không chỉ là hoạt động của cá nhân mà còn bao gồm việc tổ chức đứng ra đại diện cho nhiều người tiêu dùng để mua và sử dụng các hàng hoá, sản phẩm tiêu dùng. Nếu xảy ra trường hợp các nhà cung cấp, kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ cung cấp các sản phẩm không đảm bảo chất lượng sẽ gây ra tổn hại lớn, trên quy mô rộng đối với nhiều người tiêu dùng. 

Đại biểu nhấn mạnh, "Nếu chỉ định nghĩa người tiêu dùng là cá nhân mà không bao gồm tổ chức thì tôi cho rằng sẽ không đảm bảo sự điều chỉnh bao quát những vấn đề xảy ra trong thực tế”. 

Đối với quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương (tại điều 7), đại biểu cơ bản thống nhất với quy định về ưu tiên bảo vệ người tiêu dùng thuộc nhóm đối tượng yếu thế tại khoản 1 điều này. 

Cho rằng, những đối tượng yếu thế, dễ bị kỳ thị, phân biệt đối xử trong hoạt động mua bán các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cần được mở rộng thêm đến đối tượng là những người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người mắc các hội chứng suy giảm miễn dịch ở người (HIV/AIDS) bởi theo quy định của pháp luật đây là những đối tượng cần có quan tâm đặc biệt, không được có sự kỳ thị phân biệt, đối xử. 

Đại biểu đề xuất ban soạn thảo rà soát, bổ sung thêm những đối tượng người tiêu dùng nêu trên được ưu tiên bảo vệ, tạo sự bình đẳng trong tiêu dùng. 

Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu cho biết thực tế còn những trường hợp quyền lợi của người tiêu dùng bị ảnh hưởng nhưng chưa được đề cập đến trong dự thảo, chẳng hạn như: việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong trường hợp chỉ có một tổ chức cá nhân, kinh doanh cung cấp sản phẩm hàng hóa dịch vụ, người tiêu dùng không có quyền lựa chọn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà bắt buộc phải sử dụng. 

Đại biểu nêu cụ thể trường hợp người tiêu dùng sinh sống trong chung cư phải chấp nhận sử dụng dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư do doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư, kinh doanh chung cư đó cung cấp. Khi phát sinh các tranh chấp, bất đồng về giá cả, chất lượng cung cấp dịch vụ, chất lượng quản lý, vận hành nhà chung cư giữa cư dân và chủ đầu tư thì bất lợi phần lớn thuộc về phía người dân, mà nguyên nhân chính là trong quá trình đàm phán về chất lượng, giá cả đã không được đảm bảo bình đẳng do chỉ có một tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ. Khi đó người tiêu dùng rất cần đến vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc can thiệp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Vì lẽ đó, đại biểu kiến nghị ban soạn thảo bổ sung thêm quy định về trách nhiệm vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc can thiệp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với việc sử dụng các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc thù của người tiêu dùng.            

Quy định về nghĩa vụ của người tiêu dùng, đại biểu nêu khoản 1 Điều 16 có quy định về nghĩa vụ của người tiêu dùng: "Phải kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tiêu dùng bền vững, không trái thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác”. 

Thực tế chứng minh có nhiều loại hàng hóa mà người dùng lựa chọn có tính chất, kết cấu sản phẩm mang tính công nghệ, chuyên môn mà người tiêu dùng không thể kiểm tra hoặc đánh giá ngay về chất lượng của sản phẩm thông qua việc quan sát bằng mắt thường (ví dụ thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng), những sản phẩm này muốn đánh giá về chất lượng phải trải qua quá trình sử dụng lâu dài, hoặc được cơ quan quản lý nhà nước xác định về chất lượng sản phẩm. Đại biểu cho rằng quy định của khoản này chưa thực sự hợp ý, kiến nghị ban  soạn thảo xem xét thêm. 

Trong thực tế cũng xảy ra không ít trường hợp người tiêu dùng lạm dụng quyền của mình trong việc phản hồi, đánh giá, đưa thông tin sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa gây ảnh hưởng đến lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh. 

"Để hạn chế cũng như ràng buộc trách nhiệm của người tiêu dùng khi xảy ra việc lạm dụng quyền trong quan hệ tiêu dùng, tôi đề xuất Ban soạn thảo xem xét, bổ sung quy định về nghĩa vụ của người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những thông tin mình đưa ra và nếu để xảy ra thiệt hại đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh từ việc đưa thông tin sai sự thật thì phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường. Quy định như vậy sẽ đảm bảo cho người tiêu dùng hiểu và thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với hoạt động mua bán, sử dụng hàng hóa” - đại biểu kiến nghị.  

Hoàng Sâm - Quang Tuấn

Tags Quốc hội khóa XV kỳ họp thứ 4 thảo luận Triệu Thị Huyền người tiêu dùng sửa đổi

Các tin khác

Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 4/5, tại xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn, đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Yên Bái cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp xúc cử tri các xã Gia Hội, Tú Lệ và Nậm Búng, huyện Văn Chấn.

Người đứng đầu cũng được quyền xem xét bổ nhiệm, miễn nhiệm cấp trưởng của tổ chức, cơ quan, đơn vị ở cấp hành chính do mình trực tiếp quản lý.

Bộ Chính trị quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.

Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 4/5, tại Hội trường trung tâm huyện Mù Cang Chải, đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Yên Bái cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp xúc cử tri các xã: Chế Cu Nha, Kim Nọi, Khao Mang, Lao Chải, Hồ Bốn và thị trấn Mù Cang Chải.

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 4/5, đồng chí Vũ Quỳnh Khánh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng Đoàn giám sát số 1 của HĐND tỉnh Yên Bái đã thực hiện giám sát chuyên đề “Thực hiện một số chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển du lịch và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025 theo quy định tại các nghị quyết của HĐND tỉnh” tại huyện Yên Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục