Luật Thực hiện dân chủ cơ sở: Quốc hội thông qua có nhiều điểm khác so với dự thảo

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/11/2022 | 2:10:52 PM

Quốc hội đồng ý đưa doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước thì thực hiện theo các quy định chung của luật.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, ĐBQH tỉnh An Giang cùng các ĐBQH khác bấm nút biểu quyết Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, ĐBQH tỉnh An Giang cùng các ĐBQH khác bấm nút biểu quyết Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Sáng 10-11, Quốc hội đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với 443 ĐBQH tán thành, chiếm tỷ lệ 88,96 tổng số ĐBQH.

Trước khi các ĐB bấm nút biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Doanh nghiệp tư nhân không bị bắt buộc thực hiện

Báo cáo do ông Hoàng Thanh Tùng trình bày cho hay, do còn có ý kiến khác nhau về nội dung "điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở cơ sở ở tổ chức có sử dụng lao động", nên để bảo đảm thận trọng, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.

"Tổng hợp kết quả cho thấy, ý kiến của đại biểu Quốc hội về các phương án chưa đạt mức độ tập trung cao”, ông Tùng thông tin.

Ngay sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức họp, tham khảo ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan, trong đó có đại diện Chính phủ (Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để nghiên cứu, có phương án tiếp thu phù hợp... đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Theo đó, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở do nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh. Trong đó, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tập trung quy định việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước.

Đối với doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước thì thực hiện theo các quy định chung tại Chương I của Luật này (như các nguyên tắc, phạm vi và các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền, nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, các hành vi bị nghiêm cấm và xử lý vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở) đồng thời dẫn chiếu thực hiện theo pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc.

Phương án tiếp thu như trên đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng nhiều mặt và nhận được sự đồng thuận của Chính phủ, đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội (lần thứ hai) cho thấy, có 344/498 đại biểu cho ý kiến, trong đó có 307/344/498 đại biểu (bằng 89,24% tổng số đại biểu Quốc hội cho ý kiến và 61,65% tổng số đại biểu Quốc hội) tán thành với quy định như dự thảo Luật.

Trong thời gian tới, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết, đánh giá để ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết Bộ luật Lao động và các quy định khác có liên quan làm cơ sở để các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả.

Doanh nghiệp không buộc thành lập Ban Thanh tra nhân dân

Về việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân và tên gọi của Ban Thanh tra nhân dân, ông Tùng báo cáo, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đa số các vị ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho chỉnh lý dự thảo Luật.

Cụ thể, quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước như hiện nay.

Không quy định về thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại doanh nghiệp và tổ chức khác có sử dụng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước.

Do vấn đề đổi tên của chế định này chưa nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho giữ tên gọi là "Ban Thanh tra nhân dân” như hiện hành nhưng chức năng, nhiệm vụ của Ban này gồm kiểm tra, giám sát như ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Ông Hoàng Thanh Tùng báo cáo, có ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc "việc thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động không được làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức có sử dụng lao động”; bổ sung quyền thụ hưởng kết quả việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở của công dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình đã tiếp thu các ý kiến nêu trên và đã bổ sung nguyên tắc việc thực hiện dân chủ ở cơ sở không cản trở hoạt động bình thường của chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động vào khoản 3 Điều 3 của dự thảo Luật; tránh gây ra các tác động tiêu cực không mong muốn trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở; bổ sung vào khoản 3 Điều 7 của dự thảo Luật quy định về quyền thụ hưởng kết quả thực hiện dân chủ ở nơi công dân cư trú, công tác, làm việc.
(Theo PLO)

Các tin khác
Hội viên phụ nữ xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải tham gia tu sửa đường giao thông nông thôn hưởng ứng Phong trào “Sáng - xanh - sạch - đẹp”.

Nhằm tăng cường sự gắn kết cộng đồng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, những ngày này, khắp các địa phương trong tỉnh náo nức chuẩn bị tổ chức các hoạt động hướng tới Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11) với một khí thế hân hoan, sôi động.

Đại biểu Khang Thị Mào thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu thảo luận tại hội trường sáng 10/11. (Ảnh Minh Đông - TTXVN)

Sáng nay - 10/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận về Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Đại biểu Khang Thị Mào – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mù Cang Chải đã thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu ý kiến.

Bí thư huyện ủy Nông Việt Yên (áo xanh đậm) trong chuyến thực tế cơ sở  mô hình trồng cây lê đặc sản của hộ gia đình anh Mùa A Tòng, xã Púng Luông.

Sau gần 3 năm thực hiện thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mù Cang Chải lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) đã đạt được những kết quả khả quan trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục - y tế, giữ vững quốc phòng - an ninh…, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo, đến năm 2030 không còn là huyện nghèo.

Người dân xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái thu hoạch sơn tra.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Yên Bái đồng thời triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG). Để nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án chính sách, tỉnh Yên Bái chủ trương tập trung lồng ghép nguồn lực để đảm bảo đủ vốn, nâng cao hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục