Chương trình hành động số 56 - Dấu ấn Yên Bái năm 2022

  • Cập nhật: Thứ bảy, 31/12/2022 | 9:16:18 AM

YênBái - Năm 2022 được tỉnh Yên Bái xác định là năm: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; duy trì phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và chuyển đổi số; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân”.

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành và huyện Trấn Yên kiểm tra tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo Chương trình hành động số 56 của Tỉnh ủy.
Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành và huyện Trấn Yên kiểm tra tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo Chương trình hành động số 56 của Tỉnh ủy.


Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2022, tỉnh Yên Bái xác định rõ phương châm là "Chủ động, sáng tạo, quyết liệt, kỷ cương, tăng tốc, hiệu quả”. 

Chương trình hành động (CTHĐ) số 56 của Tỉnh ủy đã cụ thể hóa các nhiệm vụ để các cấp ủy Đảng, các ban, sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện nhằm hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

CTHĐ số 56 đã đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện: chủ động thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong trạng thái bình thường mới; tập trung thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược; tập trung thực hiện các giải pháp khả thi, hiệu quả, linh hoạt để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc, và hạnh phúc”; tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 3 khâu đột phá chiến lược là: đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. 

Trên cơ sở các chỉ tiêu được giao trong CTHĐ số 56, các đảng bộ địa phương trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch, đề ra chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị với những nội dung cụ thể để lãnh đạo triển khai thực hiện. Với quyết tâm chính trị cao cùng sự chỉ đạo quyết liệt, GRDP năm 2022 của tỉnh đã đạt 8,62%; thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 4.600 tỷ đồng, bằng 109,1% kế hoạch, tăng 14,5% so với năm 2021; giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt gần 300 triệu USD, bằng 106,1% kế hoạch, tăng 41,4% so với cùng kỳ. 

Đặc biệt, sau thời gian bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Yên Bái đã tập trung đẩy mạnh phục hồi và phát triển mạnh du lịch với lượng du khách bằng 144,4% kế hoạch, gấp 2 lần so với năm 2021; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,2%, tổng vốn đầu tư phát triển tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. 

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt trên 8,6%, xếp thứ 8/14 tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc. Năm 2022, Yên Bái đứng thứ 27/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số quốc gia, tăng 13 bậc so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 5,05%, vượt 1,05% so với kế hoạch; chỉ số hạnh phúc của người dân đạt 62,57%, vượt 1,37% so với kế hoạch. 

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm, nhiều chính sách bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được triển khai hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện nhờ giữ vững quốc phòng - an ninh và đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng, năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên rõ rệt. 


Để hoàn thành mục tiêu phát triển Yên Bái nhanh và bền vững theo hướng: "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc", trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc năm 2030, phát huy cao vai trò và trách nhiệm nêu gương, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh tới cơ sở và lãnh đạo chủ chốt các ngành, đoàn thể đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, phát huy sức mạnh nội lực để "Biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể" như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến thăm và làm việc tại Yên Bái vừa qua. 

Đồng thời, không ngừng đổi mới sáng tạo để phát triển đột phá và hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2022 và cả giai đoạn 2021 - 2025. 

Nhờ vậy, năm 2022 tỉnh Yên Bái có thêm 11 xã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Có thể nói, CTHĐ số 56 thực sự đã tạo dấu ấn quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Yên Bái, nhất là đối với những huyện vùng cao đặc biệt khó khăn như Mù Cang Chải. 

Từ một huyện nghèo của cả nước, nhờ thực hiện tốt CTHĐ 56, đến nay cả 93/93 thôn, bản của Mù Cang Chải đã có nhà văn hóa, 100% các xã được phủ sóng thông tin di động và dịch vụ Internet mạng không dây; các xã đều có điểm phục vụ bưu chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và điều hành; hệ thống loa truyền thanh được trang bị đến tất cả các bản. 

Toàn huyện hiện có 61 doanh nghiệp, 42 hợp tác xã, 651 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của Yên Bái đã chuyển mạnh theo hướng hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản và những sản phẩm OCOP có thế mạnh. Tỉnh đã xây dựng, phát triển được 10 vùng chuyên canh, sản phẩm chủ lực, 10 sản phẩm đặc sản, hữu cơ, xây dựng, phát triển được 138 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 20 sản phẩm 4 sao và 118 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. 

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, Yên Bái đã lựa chọn được 208 thôn, bản, tổ dân phố để xây dựng mô hình thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc; duy trì và nhân rộng trên 100 câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc, 980 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững. Đó là kết quả rất quan trọng để tỉnh Yên Bái phấn đấu đến năm 2025 sẽ nâng chỉ số hạnh phúc của địa phương lên 68,3%, tăng 15% so với đầu nhiệm kỳ. 

Cùng với những kết quả cao trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện CTHĐ số 56 của Tỉnh ủy, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên gắn với thực hiện nghiêm 5 nguyên tắc lãnh đạo của Đảng luôn được Đảng bộ tỉnh coi trọng và phát huy. 

Nhờ đó, Yên Bái đã xây dựng được bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, nhất là người đứng đầu, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nêu cao vai trò của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. 

Đồng thời, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đến hết năm 2022, tỉnh đã hoàn thành đăng ký xây dựng 3.358 điển hình tập thể, 2.787 điển hình cá nhân trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Với tinh thần đoàn kết cùng niềm tin và ý chí, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, góp phần cùng cả nước hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, ấm no và hạnh phúc.  

Thanh Hương

Tags Chương trình hành động 56-CTr/TU Yên Bái dấu ấn xanh hài hòa bản sắc hạnh phúc

Các tin khác
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết phải tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn trong năm 2023 để tiếp tục góp phần ổn định kinh tế vĩ mô...

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành

Ban Chấp hành Trung ương quyết định thi hành kỷ luật khai trừ đảng đối với ông Trần Đình Thành, nguyên Ủy viên Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai.

Hai Phó Thủ tướng thôi Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, giới thiệu nhân sự thay thế

Trung ương họp bất thường đồng ý cho hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam thôi Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; ông Phạm Bình Minh thôi Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII và cho ý kiến về 2 nhân sự để trình thay thế.

Chiều 30/12, Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân vận năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự và chủ trì Hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục