Đây được đánh giá là đề án đầu tiên có tính chất căn cơ, bài bản về công tác cán bộ, khắc phục tình trạng hụt hẫng cán bộ, đáp ứng yêu cầu quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ cả nước và lâu dài. Đồng thời, là sự cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng đội ngũ cán bộ theo tinh thần Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Ngay sau khi ban hành Đề án, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện quy trình tuyển chọn cán bộ tham gia Đề án đảm bảo công phu, kỹ lưỡng thông qua nhiều bước từ lựa chọn, giới thiệu nhân sự từ các cơ quan, đơn vị, địa phương đến các bước tuyển chọn ở cấp tỉnh thông qua 2 phần thi viết và thuyết trình, vấn đáp, đảm bảo dân chủ, công tâm, khách quan.
Từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã tổ chức tốt 2 lần tuyển chọn cán bộ tham gia Đề án (năm 2018 và mới đây nhất là cuối năm 2022). Kết quả, đã lựa chọn được tổng số 210 cán bộ tham gia Đề án; trong đó, có 95 cán bộ trẻ, 52 cán bộ nữ, 63 cán bộ là người dân tộc thiểu số.
Đó là những cán bộ có tố chất, triển vọng phát triển để đưa vào quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng toàn diện cả về lý luận, phương pháp, thực hành kỹ năng… nhằm mục tiêu tạo nguồn cán bộ giữ các chức danh diện Ban Thường vụ quản lý. Ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng đã tập trung tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng bài bản, khoa học, phù hợp với từng nhóm đối tượng cán bộ thuộc Đề án.
Cụ thể, đã cử cán bộ đi đào tạo trình độ cao cấp lý luận chính trị; phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ, dân tộc thiểu số; tổ chức cho cán bộ trẻ đi học kỹ năng lãnh đạo, quản lý tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); tổ chức các khóa tập huấn kỹ năng quản trị doanh nghiệp tại Tập đoàn LG Electronics (Hải Phòng)…
Cùng với đó, tỉnh đã tạo điều kiện cho cán bộ thuộc Đề án được tham gia vào các hội nghị, diễn đàn lớn của tỉnh như: các kỳ học Hội đồng nhân dân tỉnh, đại hội đảng các cấp… Qua đó, giúp cán bộ có cái nhìn tổng quát về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng đảng, hệ thống chính trị của tỉnh; được học tập, bồi dưỡng thêm kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý qua thực tiễn tổ chức, điều hành các hội nghị, diễn đàn.
Tỉnh ủy triển khai Kỳ thi tuyển cán bộ tham gia Đề án 11 về "Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035” ngày 6/10/2022.
Đi đôi với công tác đào tạo, bồi dưỡng, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu thực hiện công tác quy hoạch, luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ thuộc Đề án một cách bài bản, thận trọng, khách quan, gắn với công tác nhân sự cấp ủy, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và nhân sự hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, kết hợp bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị.
Cụ thể, đã thực hiện quy trình rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ trong Đề án gắn với quy hoạch tổng thể đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh và các cơ quan, địa phương; mở rộng và tăng tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, dân tộc thiểu số được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý của các ban, sở, ngành và tương đương, vào cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, các chức danh chủ chốt cấp huyện và tương đương.
Đến nay, rà soát theo quy định hiện hành, có 86 đồng chí được quy hoạch các chức danh diện Ban Thường vụ quản lý, 7 đồng chí được quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 và 2025 - 2030. Đã thực hiện việc điều động, luân chuyển ngang giữa các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị cấp tỉnh, cấp huyện để đào tạo, rèn luyện qua thực tiễn công tác.
Đến nay, có 81 cán bộ thay đổi vị trí công tác theo hướng tích cực; trong đó, có 48 đồng chí được bổ nhiệm chức vụ cao hơn, 16 đồng chí giữ chức danh diện Ban Thường vụ quản lý; 40 đồng chí tham gia cấp ủy cấp xã, 24 đồng chí tham gia cấp ủy cấp huyện, 26 đồng chí tham gia hội đồng nhân dân các cấp.
Đặc biệt, trong thời gian qua, để tạo sự thống nhất, đồng bộ, nêu cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị trong thực hiện các nội dung của Đề án, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 22 ngày 11/6/2019 về đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ tham gia Đề án; trong đó, quy định cụ thể quan điểm, mục tiêu, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện các nội dung về quản lý cán bộ gồm: tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển, điều động, biệt phái…
Qua đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và ý thức trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện Đề án. Đồng thời, đã điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Đề án cho phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện.
Có thể nói, thành công bước đầu của Đề án đã khơi dậy được ý chí, khát vọng cống hiến, tinh thần chủ động, năng động, nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số; đánh dấu sự tiến bộ rõ rệt của các cán bộ tham gia Đề án. Đây thực sự là bước tiến quan trọng, mang tính đột phá trong công tác cán bộ của Đảng bộ tỉnh, khẳng định tính thời sự, tính thực tiễn và quan điểm nhất quán của tỉnh trong thực hiện các mục tiêu, giải pháp Đề án đặt ra, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ theo chủ trương của Đảng về công tác cán bộ.
Thời gian tới, Ban Tổ chức Tỉnh ủy sẽ tiếp tục tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Đề án; thực hiện nghiêm túc Quy định số 25 về quản lý cán bộ tham gia Đề án; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ của Đề án nhằm chuẩn hóa ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức và tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý theo vị trí việc làm; quan tâm đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, kiến thức, kỹ năng, phương pháp lãnh đạo…
Việc tham mưu nhằm để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ theo Đề án số 11 của Tỉnh ủy cũng như mục tiêu được xác định tại Nghị quyết số 38 của Tỉnh ủy là phấn đấu đến các năm 2025, 2030, 2035, tỷ lệ cán bộ Đề án được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử giữ các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý lần lượt là 20%, 25%, 30%,
Cùng với đó, bám sát quy định của Trung ương và của tỉnh tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ Đề án gắn với quy hoạch tổng thể đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh và quy hoạch của các cơ quan, đơn vị, địa phương; đẩy mạnh luân chuyển đưa cán bộ Đề án từ các cơ quan đơn vị khối tỉnh về cấp huyện, cấp xã, từ cấp huyện về cấp xã giữ chức danh lãnh đạo, quản lý; quan tâm bố trí, sử dụng cán bộ Đề án theo hướng giao nhiệm vụ cụ thể, giới thiệu cán bộ tham gia thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý; thực hiên tốt công tác nhận xét, đánh giá, rà soát, sàng lọc đưa ra khỏi Đề án những cán bộ không đáp ứng yêu cầu; đồng thời, chủ động phát hiện, lựa chọn, đề xuất cán bộ có đủ tiêu chuẩn, năng lực, phẩm chất chính trị và triển vọng, uy tín để tham gia tuyển chọn vào Đề án.
Hồng Oanh