Cần khắc phục tình trạng đầu tư cho vay, vay lại, trả lại vốn của các địa phương

  • Cập nhật: Thứ hai, 9/1/2023 | 1:56:22 PM

Sáng 9-1, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ hai, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.

Quang cảnh phiên họp sáng 9-1
Quang cảnh phiên họp sáng 9-1

Phát biểu về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) bày tỏ đồng tình với việc bổ sung dự toán ngân sách do yêu cầu về nguồn viện trợ không hoàn lại để phòng, chống dịch bệnh xuất phát từ điều kiện thực tiễn.

Về điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu nguyên nhân có những địa phương vay dư vốn, phải trả lại, có những địa phương vay thiếu vốn. Đại biểu cho rằng, cần phân tích nguyên nhân lập dự toán không chuẩn, để có thể rút kinh nghiệm, đưa ra giải pháp khả thi, hữu hiệu cho tình trạng đầu tư cho vay, vay lại, trả lại vốn của các địa phương.

Về nội dung điều chỉnh vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) còn băn khoăn về thời gian giải ngân. Đại biểu cho rằng, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách nêu rõ "trường hợp được Quốc hội cho phép, đề nghị Chính phủ rà soát khẩn trương triển khai thực hiện để bảo đảm tính hiệu quả và khả năng giải ngân trong thời gian chỉnh lý ngân sách năm 2022 đúng quy định của pháp luật”.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng thời gian chỉnh lý ngân sách hằng năm theo Thông tư của Bộ Tài chính quy định kết thúc vào 31-1 năm sau. "Như vậy, nếu hôm nay, Quốc hội thông qua nghị quyết này thì chỉ còn 22 ngày nữa là đến 31-1-2023, các địa phương chỉ còn 9 ngày nữa để giải ngân hết toàn bộ số vốn được điều chỉnh tăng dự toán, điều này là khó khả thi. Nếu không kịp, mục tiêu của việc điều chỉnh là tạo điều kiện cho các địa phương sẽ không còn ý nghĩa”, đại biểu nói.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) cũng bày tỏ băn khoăn liệu việc điều chỉnh lần này đã đủ tiền để thực hiện chi các dự án đó và nếu các năm sau lại tiến hành điều chỉnh tiếp thì đây có phải là hiện tượng "lách luật”?

"Nhiệm vụ của Bộ Tài chính trong việc "gác cửa” chưa nghiêm, trong khi kỷ luật, kỷ cương tài chính vẫn là căn bệnh trầm kha đến bây giờ vẫn chưa giải quyết được. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính quan tâm, báo cáo với Quốc hội về nguyên nhân của tình trạng này”, đại biểu nói.

Bên cạnh đó, đại biểu Tạ Văn Hạ cũng lo ngại về việc điều chuyển vốn vay của năm 2022 của các địa phương triển khai chậm, có địa phương như Bắc Kạn đề nghị từ tháng 4-2022, Phú Thọ đề nghị từ tháng 7-2022 nhưng công tác tổng hợp rất chậm. Đặc biệt, chuyển nguồn kinh phí phòng, chống Covid-19 cũng rất chậm; công tác lập kế hoạch của các địa phương nơi thừa, nơi thiếu…, cho thấy công tác lập, thẩm định chưa có chất lượng cao, chưa sát với thực tiễn, do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính giải trình thêm vấn đề này.

Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về vấn đề bổ sung vốn viện trợ nước ngoài chưa có trong dự toán, đây là những khoản viện trợ không có dự toán trước, do các tổ chức nước ngoài tài trợ khi có những vấn đề nổi lên, thường là bất thường và nhỏ lẻ. "Vì vậy, chúng ta bị động trong việc lập dự toán, mà phải căn cứ trên báo cáo của các bộ, ngành để thực hiện lập dự toán”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cho biết, trong năm 2021, 2022 vừa qua, nguồn này chủ yếu là tài trợ, ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19. Khi đó, tình hình hết sức cấp bách, đòi hỏi phải có phản ứng nhanh chóng, kịp thời, nên vì lợi ích nhân dân, để bảo đảm quyền lợi, sức khỏe, tính mạng của nhân dân, có lúc đã phải thực hiện từ trước, để sau đó hoàn thiện thủ tục, đáp ứng yêu cầu thực tế.

Về vấn đề điều chỉnh dự toán, Bộ trưởng cho biết, nếu đưa sang năm 2023 thì sẽ ảnh hưởng bội chi. Vừa qua, có một số tỉnh triển khai không hết nguồn vốn, phải trả lại, một số tỉnh thiếu, cần thêm nguồn vốn. Bộ Tài chính đã tổng hợp dữ liệu từ các tỉnh để đề xuất có sự điều chỉnh phù hợp, trình Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm sự phát triển cân bằng, bền vững của các tỉnh, địa phương trên cả nước.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại phiên họp, đã có 3 đại biểu phát biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại phiên bế mạc kỳ họp này.

(Theo HNMO)

Các tin khác

Sau 4 ngày làm việc, chiều nay 9/1, Quốc hội sẽ họp phiên bế mạc và biểu quyết thông qua nhiều nội dung rất quan trọng.

Phát khẩu trang miễn phí tại lễ hội cổ truyền phường Phú Lương (quận Hà Đông, Hà Nội). Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 05/CĐ-TTg ngày 8/1/2023 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023.

Hội nghị Báo công kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022/ Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia nhiều ý kiến tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV/ Ban Thường vụ Tỉnh uỷ gặp mặt, chúc tết các đồng chí nguyên cán bộ lãnh đạo của tỉnh nghỉ hưu/ Yên Bái đạt và vượt kế hoạch 31/32 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022/ Giao ban báo chí quý IV/2022, triển khai nhiệm vụ quý I/2023/ Khai mạc Hội chợ xuân – OCOP, đặc sản các vùng miền... là những tin tức thời sự nổi bật trong tuần qua.

Tối 8/1, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái long trọng tổ chức Hội nghị báo công kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022 để cùng tổng kết, đánh giá, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của năm 2022 theo Chương trình hành động số 56 của Tỉnh ủy; khen thưởng các tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách năm 2022. Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Đức Duy đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị. Báo Yên Bái xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục