Xuân đã đến, mang theo niềm phấn khởi hân hoan xen lẫn tự hào cùng khát vọng vươn lên mạnh mẽ, xóa tan đi cái giá lạnh mùa đông, xua đi những đói nghèo, lạc hậu. Thay vào đó là màu "áo mới” tươi rói trên mỗi nóc nhà, ngôi trường, những thửa ruộng màu mỡ, những bãi lúa, nương ngô, đồi chè, rừng quế… trải dài ngút mắt khắp các bản làng, xóm thôn nơi vùng cao Yên Bái. Mùa xuân Quý Mão năm nay cũng là mùa xuân tươi đẹp và hạnh phúc nhất với đất và người Yên Bái bởi lời hứa cùng ý chí quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh với Bác Hồ kính yêu đã trở thành hiện thực.
65 năm trước, những lời chỉ bảo ân cần của Bác trong buổi nói chuyện ngày 25/9/1958 như nguồn tài nguyên vô giá Người để lại cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái. Đó chính là động lực tinh thần truyền cảm hứng mạnh mẽ cho quyết tâm xây dựng một Yên Bái ngày càng phát triển nhanh và bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” của các thế hệ lãnh đạo tỉnh. Họ - những "đầy tớ trung thành” của nhân dân đã và đang tiếp tục nối bước các thế hệ đi trước phát huy cao vai trò trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, mang đến cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc.
Theo đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 8,62%, đứng thứ 8/14 tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc bộ. Tốc độ tăng trưởng khu vực nông - lâm nghiệp, thủy sản đạt 5,95%, cao nhất trong vùng; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng trưởng 14,76%, đứng thứ 6/14 tỉnh trong khu vực riêng ngành công nghiệp tăng 16,66%, đứng thứ 5/14 tỉnh trong khu vực; khu vực dịch vụ tăng trưởng 6%.
Các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch tăng mạnh với số lượng khách du lịch đến tỉnh đạt trên 1.558.900 lượt người, vượt 44,4% kế hoạch năm, doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 1.100,6 tỷ đồng. Đến hết năm 2022, tổng thu ngân sách ước đạt 4.600 tỷ đồng bằng 100% kế hoạch, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Năm 2022, toàn tỉnh có 11 xã, đạt chuẩn nông thôn mới. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ và tạo được dấu ấn tích cực. Chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng lên. Hết năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 5,05%, vượt 1,05% so với kế hoạch.
Bản sắc văn hóa các dân tộc tiếp tục được bảo tồn và phát huy hiệu quả, thể hiện rõ qua việc tổ chức thành công Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 đã tạo được ấn tượng sâu sắc cho nhân dân cùng đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh đã phối hợp với Bộ Quốc phòng và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức thành công Hội thảo khoa học cấp Quốc gia "Chiến thắng Tây Bắc 1952 - Tầm vóc lịch sử và bài học kinh nghiệm”. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh được quan tâm chăm lo, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của chính quyền.
Cùng với các đảng bộ địa phương trong cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Yên Bái hôm nay đang ra sức học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong ước của Người, vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Trong đó, phải kể đến việc nhân rộng hàng ngàn điển hình tập thể, cá nhân tiên tiến, gương mẫu, sáng tạo trong lao động, học tập, phát triển kinh tế - xã hội từ vùng thấp tới vùng cao của tỉnh. Đó thực sự là những tấm gương sáng, tạo sức lan tỏa, sự đồng thuận và niềm tin của nhân dân, góp phần hiện thực hóa tư tưởng và khát vọng của vị Cha già dân tộc.
Phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã làm thay đổi mạnh mẽ, toàn diện bộ mặt đô thị và nông thôn Yên Bái. Kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân được nâng cao, các thiết chế văn hóa được quan tâm xây dựng, tình làng nghĩa xóm được củng cố, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ngày càng tiến bộ; các hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ..., góp phần ổn định chính trị, trật tự và an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, phát huy bản sắc văn hóa, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển quê hương.
Đi trong rộn rã sức xuân, ngắm quê hương đổi mới từ con đường, góc phố, cây cầu, tới bạt ngàn bãi dâu, đồi chè, nương lúa và rừng quế thơm nồng càng thấy thêm yêu biết bao quê hương Yên Bái. Yêu những người nông dân vùng cao cần cù, sáng tạo, tích cực học hỏi cách xây dựng nông thôn mới, cách sử dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất, kinh doanh dịch vụ, du lịch… bao nhiêu, càng trân trọng công sức, sự nhiệt huyết, gương mẫu, đi đầu của đội ngũ những "đầy tớ trung thành” của dân bấy nhiêu.
Họ đã vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự phát triển phồn vinh của xã hội mà ra sức đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để biến khó khăn thành thuận lợi, biến nguy cơ, thách thức thành thời cơ, vận hội phát triển quê hương. Đặc biệt, cùng với nhân dân biến mong ước cháy bỏng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu thành hiện thực như lời bài hát "Bên Lăng Bác Hồ” của nhạc sĩ Dân Huyền: "…Từng tấm lòng đinh ninh lời của Bác ân cần/Bài thơ Bác năm xưa, nay chúng con đã chấp thêm vần/Xây nước non nhà tươi đẹp bốn mùa vĩnh viễn mùa xuân…”.
Thu Quế