Bà Phạm Thị Đông - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Nông - lâm, thủy sản TNĐ (phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ):
Dịch Covid-19 trong năm 2022 đã khiến cho nhiều mục tiêu của chúng tôi không thực hiện được, nhất là việc mở rộng diện tích trồng cỏ ngọt tại các tỉnh trong khu vực phía Bắc. Bước sang năm Quý Mão 2023, chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp tạo điều kiện để Công ty có quỹ đất xây dựng kho xưởng, sân phơi, nhà sấy sơ chế đóng gói… để người dân an tâm sản xuất. Mục tiêu đến năm 2025, Công ty phấn đấu mở rộng vùng nguyên liệu lên 300 ha, bảo đảm hàng hóa cho việc xuất khẩu hàng thô như đã ký kết với đối tác Hà Lan, tiến tới xây dựng nhà máy chiết xuất đường cỏ ngọt tại Việt Nam. Công ty mong muốn chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp, tạo mọi điều kiện để phát triển, mở rộng vùng nguyên liệu cây cỏ ngọt thương phẩm theo chuỗi sản xuất khép kín từ cung ứng cây giống đến bao tiêu sản phẩm tại các xã, phường trong tỉnh theo các chương trình, nghị quyết hỗ trợ của Nhà nước.
■ Bà Đinh Thị Đương - Chủ cơ sở du lịch cộng đồng Muonglo Farmstay (xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ):
Trải qua hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Muonglo Farmstay chúng tôi xác định và nỗ lực tận dụng khoảng thời gian này thực hiện tái đầu tư, đầu tư mới và duy tu, bảo dưỡng cơ sở của mình nhằm duy trì mục tiêu tiếp tục hoạt động trở lại và phục vụ tốt hơn sau đại dịch. Bước sang năm mới, tôi mong muốn ngành du lịch nói chung và cơ sở du lịch Muonglo Farmstay nói riêng sẽ tiếp cận được nhiều hơn các khách hàng của mình đến từ trong nước, quốc tế bằng các chính sách thu hút, kích cầu du lịch tại địa phương. Muonglo Farmstay mong muốn các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa tới các chính sách hỗ trợ quảng bá hình ảnh, định vị thương hiệu du lịch tới các cơ sở kinh doanh, hỗ trợ nguồn lực chính sách về vốn phát triển các làng nghề truyền thống nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng của từng vùng trong tỉnh. Hỗ trợ tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục pháp lý đất đai để các cơ sở có đủ điều kiện kinh doanh và đóng góp cho sự phát triển lâu dài của ngành du lịch địa phương nói chung.
■ Ông Nguyễn Việt Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hưng Việt (thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình):
Tôi nhận thấy, tuy qua 2 năm gặp khó khăn do dịch Covid-19, nhưng các doanh nghiệp và đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đã rất cố gắng tranh thủ thời gian hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch, đầu tư thêm các điểm du lịch mới, chuẩn bị các sản phẩm du lịch nội tỉnh hoàn thiện để luôn sẵn sàng phục vụ nhu cầu đi du lịch của du khách. Từ những điều kiện thuận lợi đó, tôi kỳ vọng và tin tưởng rằng, du lịch Yên Bái sẽ có sự phục hồi nhanh chóng và tạo đà phát triển tốt trong thời gian tới, đưa du lịch Yên Bái có tên nổi bật trên bản đồ du lịch khu vực miền núi phía Bắc nói riêng và toàn quốc nói chung.
■ Ông Vũ Xuân Trường - Giám đốc Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái (xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên):
Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái được cấp chủ trương đầu tư vào tháng 2/2021 và chính thức triển khai xây dựng từ 1/8/2022 trên diện tích 2,2 ha sản lượng 1.100 tấn kén/năm và 150 tấn tơ/năm. Trước mắt, Công ty lắp đặt 2 giàn máy và đi vào sản xuất từ giữa tháng 12/2022. Hiện nay, sản lượng dâu tằm của toàn tỉnh mới chỉ đáp ứng được 80% công suất của 2 giàn máy này. Công ty mong muốn chính quyền các địa phương quan tâm tham mưu mở rộng vùng dâu tằm và quy hoạch vùng dâu tốt hơn, nhiều hơn để Công ty có đủ nguyên liệu và tiếp tục đầu tư phục vụ sản xuất.
■ Ông Đàm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Thái Sơn (xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên):
Chúng tôi mong muốn Nhà nước sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ tài chính để Hợp tác xã (HTX) tiếp tục phát triển sản xuất. Hiện, HTX đã có 5 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao; trong đó, sản phẩm lạc ri đỏ đã được nhiều bạn hàng châu Âu tìm đến. HTX cũng mong muốn các cấp chính quyền xây dựng chỉ dẫn địa lý vùng nguyên liệu về cây lạc và hỗ trợ việc hoàn thiện các chứng chỉ, chỉ tiêu để HTX có thể xuất khẩu các sản phẩm đi châu Âu cũng như nâng hạng các sản phẩm OCOP thời gian tới.
■ Ông Nguyễn Đức Dũng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Yên Thành (thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình):
Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng Công ty cơ bản vẫn ổn định, thu nhập và việc làm cho người lao động được đảm bảo; mức độ đóng góp cho ngân sách Nhà nước duy trì trên 2 tỷ đồng/năm, nhất là những tháng cuối năm 2022 ngành gỗ gặp rất nhiều khó khăn về thị trường đầu ra do ảnh hưởng của khủng hoảng, ảnh hưởng của xung đột quốc tế, của bảo hộ mậu dịch, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ phải đóng cửa, nhưng Công ty vẫn duy trì được sản xuất, bố trí sắp xếp lại công việc nên 100% công nhân vẫn có việc làm và thu nhập. Năm mới Quý Mão 2023, Công ty tiếp tục duy trì và phát huy phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong hoạt động SXKD, thực hiện tốt quy chế thưởng sáng kiến; áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào hoạt động SXKD không ngừng nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Cùng đó, tăng cường tìm kiếm mở rộng và duy trì thị trường xuất khẩu sản phẩm, mở rộng vùng nguyên liệu, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm sạch, an toàn.
Hùng Cường (thực hiện)