Thực hiện Chương trình hành động số 135-CTr/TU ngày 18/11/2022 của Tỉnh ủy Yên Bái về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023, Trấn Yên đã cụ thể hóa bằng các chương trình, hành động cụ thể, xây dựng các chỉ tiêu, kế hoạch sát thực tiễn.
Một trong những giải pháp quyết liệt là triển khai hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tập trung phát triển hạ tầng, đẩy mạnh thu hút đầu tư, bứt phá trong chuyển đổi số; duy trì phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
Cùng với phương châm ”Quyết liệt, sáng tạo, kỷ cương, tăng tốc, hiệu quả”, huyện tập trung thực hiện các đề án, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách và huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy nhanh chuyển đổi số trên cả ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng ngang tầm nhiệm vụ.
Huyện tập trung phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững theo hướng ”Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”; tập trung đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản theo hướng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường; chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hướng tới mục tiêu phát triển "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Đặc biệt, gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ, nhất là ngành công nghiệp chế biến nông - lâm sản, dịch vụ du lịch và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách và định hướng phát triển nông nghiệp, đồng thời rà soát, đề nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện.
Huyện chỉ đạo tiếp tục duy trì, phát triển vùng nguyên liệu chuyên canh với các sản phẩm chủ lực, đặc sản của huyện, ổn định diện tích sản xuất lúa 4.180 ha; trồng mới, cải tạo 50 ha chè, 50 ha cây ăn quả, 102 ha dâu, phát triển diện tích quế 20.000 ha, trong đó có 10.000 ha tập trung, 3.200 ha quế hữu cơ; trồng rừng gỗ lớn 3.000 ha, 200 ha tre Bát độ, 60 ha cây dược liệu và triển khai thực hiện 9 dự án liên kết theo chuỗi giá trị.
Đẩy mạnh phát triển các cơ sở chăn nuôi hàng hóa tập trung, phấn đấu tổng đàn gia súc chính năm 2023 đạt 83.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 12.000 tấn. Tập trung phát triển lâm nghiệp đa mục tiêu, là bước đột phá trong phát triển kinh tế nông thôn; trồng mới 2.750 ha rừng các loại, duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng đạt 70%, phấn đấu hết năm 2023 tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) và chứng nhận quế hữu cơ đạt trên 6.200 ha.
Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025, năm 2023 và Đề án Xây dựng huyện Trấn Yên đạt chuẩn NTM nâng cao gắn với đô thị hóa giai đoạn 2022 - 2025, phấn đấu đến hết năm 2023 có thêm 4 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao; 2 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu; 18 thôn đạt tiêu chí NTM kiểu mẫu.
Huyện chủ trương phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường, phù hợp với định hướng, tiềm năng, lợi thế; áp dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp.
Tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dự án chế biến, chế tạo các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, thị trường tiêu thụ ổn định, sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; rà soát, đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý, thu hồi quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, các dự án chậm tiến độ hoặc không triển khai theo đúng cam kết; phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.270 tỷ đồng.
Cùng đó, chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức hiệu quả các lễ hội văn hóa, du lịch thường niên, các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư, liên kết phát triển du lịch, phấn đấu trong năm thu hút khoảng 45.000 du khách (trong đó có khoảng 6.000 khách quốc tế), doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 35 tỷ đồng; phát triển văn hóa - xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc của người dân.
Ngọc Trúc