Việt Nam nêu đề xuất tại Hội đồng Nhân quyền

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/2/2023 | 8:55:10 AM

Trong bối cảnh các thành tựu đảm bảo quyền con người của thế giới đang gặp nhiều thách thức, Việt Nam đề xuất Hội đồng Nhân quyền thông qua văn kiện khẳng định giá trị và cam kết của tất cả các nước đối với Tuyên ngôn nhân quyền.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền - Ảnh: chinhphu.vn
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền - Ảnh: chinhphu.vn

Ngày 27-2 tại thủ đô Vienna (Áo) diễn ra phiên họp cấp cao khóa 52 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc với sự tham dự của hơn 100 lãnh đạo cấp cao. Phó thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự.

Tỉ lệ nữ tham chính của Việt Nam đứng tốp đầu thế giới

Theo Bộ Ngoại giao, phát biểu tại phiên họp, Phó thủ tướng chia sẻ các thành tựu của Việt Nam trong đổi mới, phát triển kinh tế xã hội, an sinh xã hội, bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người.

Cụ thể, GDP năm 2022 của Việt Nam tăng hơn 8,02%. Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt hơn 92% dân số, chỉ số phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm nước cao.

"Việt Nam cũng nằm trong nhóm các nước đứng đầu khu vực và thế giới về phụ nữ tham chính với tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội trên 30%", ông Quang chia sẻ.

Với tư cách là thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền, Phó thủ tướng thông báo về quyết tâm, những nỗ lực của Việt Nam trong nhiệm kỳ này.

Ông khẳng định phương châm của Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền là "Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người".

Trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam sẽ đóng góp với tinh thần trách nhiệm cao nhất cho công việc của Hội đồng Nhân quyền, vì một tương lai tốt đẹp hơn của nhân loại.

Đề xuất của Việt Nam

Chia sẻ tại cuộc họp, Phó thủ tướng nhận định các thành tựu đảm bảo quyền con người đang đứng trước những thách thức ngày càng gay gắt như chiến tranh, xung đột, bạo lực, đói nghèo, bất bình đẳng và thiếu công bằng.

Những thách thức đó còn bao gồm thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, các nguy cơ về an ninh lương thực và an ninh nguồn nước, những hệ quả của đại dịch COVID-19.

"Mỗi quốc gia, từng khu vực có thể có cách tiếp cận khác nhau do những đặc thù riêng về lịch sử, hệ thống chính trị, văn hóa, kinh tế - xã hội. Vì vậy, cần thông hiểu và tôn trọng những đặc thù đó để cùng tìm ra mẫu số chung, thay vì chính trị hóa, áp đặt, can thiệp", Phó thủ tướng chia sẻ.

Trưởng đoàn Việt Nam cũng nhấn mạnh Hội đồng Nhân quyền cần khẳng định vai trò trung tâm trong thúc đẩy đối thoại trên tinh thần xây dựng, bình đẳng và hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia, trên cơ sở tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.

"Một Hội đồng Nhân quyền hoạt động hiệu quả, tích cực, khách quan, hòa hợp trong đa dạng, không chính trị hóa, không chia rẽ sẽ là hạt nhân kết nối cộng đồng quốc tế", ông khẳng định.

Trên cơ sở đó, Phó thủ tướng đề xuất Hội đồng Nhân quyền xem xét thông qua văn kiện khẳng định giá trị và cam kết của tất cả các nước đối với Tuyên ngôn nhân quyền, Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna nhân kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna.

Cũng trong ngày 27-2, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang gặp Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Ireland Michéal Martin, Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela Yvan Gil Pinto và Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy Anniken Huitfeld.

(Theo TTO)

Các tin khác
Trấn Yên phấn đấu năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.270 tỷ đồng. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF đóng trên địa bàn huyện Trấn Yên.

Gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ, nhất là ngành công nghiệp chế biến nông - lâm sản, dịch vụ du lịch và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp thực hiện Chương trình hành động số 135 của Tỉnh ủy.

Chiều 27/2, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị công bố Quyết định về công tác cán bộ.

Ngày 27/2, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) – Khởi nguồn và động lực phát triển”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu trên cả nước với khoảng 3.500 đại biểu tham dự.

Sáng 27/2, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức phiên họp thường kỳ để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ tháng 3/2023; thông qua các dự thảo quyết định của UBND tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục