Giáo dục đạo đức công vụ, trách nhiệm cho Thẩm phán
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nêu vấn đề, trong những năm qua, ngành Tòa án đã triển khai nhiều quy định về phòng ngừa và xử lý tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều cán bộ, thẩm phán vi phạm pháp luật. Theo báo cáo của Tòa án nhân tối cao, từ năm 2021 đến nay có 106 trường hợp cán bộ, công chức ngành tòa án đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có 7 trường hợp tham nhũng và tiêu cực.
Đáng chú ý, một bộ phận cán bộ, công chức, thẩm phán ngành tòa án nhân dân xin nghỉ việc do áp lực công việc ngày càng tăng. Trong khi đó, công tác tuyển dụng biên chế còn gặp nhiều khó khăn và bất cập. Do đó, đại biểu đề nghị Chánh án cho biết trách nhiệm của mình về các nội dung trên, đồng thời làm rõ những giải pháp căn cơ về công tác đấu tranh, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; các giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào của ngành trong thời gian tới.
Trả lời đại biểu, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định quan điểm không bao che và tất cả các thẩm phán vi phạm đều bị xử lý nghiêm với nguyên tắc không có vùng cấm. Ngành cũng liên tục kiểm tra, giáo dục đạo đức công vụ, trách nhiệm cho thẩm phán. Tòa án nhân dân tối cao cũng ban hành bộ quy tắc cho thẩm phán, đã được giảng dạy trong trường của hệ thống tòa án. Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao còn ban hành quy định về xử lý các vi phạm của thẩm phán.
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, hiện biên chế của toàn ngành là 15.500 người. Trong khi đó, số cán bộ nghỉ hàng năm khoảng 4,5% (khoảng 700-800 người). Mỗi năm Học viện Tòa án chỉ được tuyển 300 người nên còn khoảng một nửa chỉ tiêu toà án phải tuyển người ngoài ngành.
"Thông thường, chúng tôi sẽ ưu tiên tuyển các sinh viên trường ngoài hệ thống tòa án có học lực giỏi, xuất sắc để không làm ảnh hưởng đến chất lượng tuyển dụng", Chánh án cho biết.
Tổ chức bộ máy theo quy mô kinh tế, dân số
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk) phản ánh thực tế, tổ chức bộ máy một số tòa án chưa thực sự khoa học, thiếu đồng bộ, chưa sát thực tiễn. Đại biểu đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nêu rõ giải pháp để khắc phục những hạn chế này?
Ông Nguyễn Hòa Bình cho biết mô hình tổ chức bộ máy tòa án chưa hợp lý và đang tiến hành khắc phục bằng các giải pháp căn cơ. Một số loại án chuyên biệt đòi hỏi tính chuyên môn sâu nhưng không có thẩm phán chuyên biệt, không có tòa chuyên trách để giải quyết nên hiệu quả rất khiêm tốn. Vì vậy, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị Quốc hội xây dựng các tòa chuyên biệt để khắc phục tình trạng này.
Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, tổ chức bộ máy tòa án chưa thực sự hợp lý theo quy mô nền kinh tế, dân số và số lượng các vụ việc mà đang tổ chức đồng đều. Theo quy định phải có 8 người một tòa án cấp huyện, trong khi nhiều huyện một năm chỉ xử rất ít án như Lai Châu, Bắc Kạn (chỉ 1-2 vụ/thẩm phán mỗi năm), trong khi Bình Dương, TP Hồ Chí Minh rất nhiều.Vì vậy, cần tiến hành sửa đổi bằng những giải pháp mang tính căn cơ.
Sửa đổi quy trình phát triển án lệ
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu số lượng án lệ thông qua, ban hành là 63 - như vậy là quá ít so với trên 2,4 triệu vụ án đã được giải quyết. Đại biểu cho rằng, số lượng này chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra và đề nghị Chánh án nêu giải pháp phát triển, gia tăng án lệ làm cơ sở giải quyết các vụ việc tương tự.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, án lệ là một trong những nội dung cải cách tư pháp được Quốc hội cho phép. Trong lịch sử tòa án thế giới, án lệ đã được phát triển hàng trăm năm nhưng ở Việt Nam còn rất mới mẻ, chỉ trong vài năm gần đây.
Luật chỉ quy định vấn đề chung nhất, không thể bao quát hết thực tiễn cuộc sống. Án lệ được xem là nguồn bổ sung để giải thích pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo ra chuẩn mực pháp lý để cơ quan tố tụng áp dụng. Đôi khi, án lệ không phải toàn bộ vụ án mà chỉ là một chi tiết của vụ án.
Theo Chánh án, tại Việt Nam, kinh nghiệm án lệ chưa nhiều nên bước đi cần thận trọng. Quy trình làm án lệ quá chặt chẽ nên số lượng còn khiêm tốn. Thời gian tới, quy trình phát triển án lệ sẽ được sửa đổi, khuyến khích các tòa án viết tốt bản án, nếu phát triển được thành án lệ, thẩm phán sẽ được nâng lương trước thời hạn và được khen thưởng. Tòa án nhân dân tối cao cũng đưa ra chính sách từ năm nay, mỗi tòa án tỉnh phải có ít nhất một bản án chuẩn mực để có thể tạo thành án lệ.
(Theo Tin tức)