Căn cứ Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng (BVR), ngày 21/5/1973, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/CP quy định hệ thống tổ chức và nhiệm vụ quyền hạn của lực lượng kiểm lâm (LLKL) nhân dân. Từ đó, ngày 21/5 được lấy làm Ngày truyền thống lực lượng kiểm lâm Việt Nam.
Ngày 01/9/1973, Tổng cục Lâm nghiệp ban hành Quyết định số 740/QĐ-TCLN về việc thành lập lực lượng kiểm lâm tỉnh Yên Bái (viết tắt là KLYB). Ngày đầu thành lập, KLYB chỉ với 2 kỹ sư, 14 cán bộ có trình độ trung cấp còn lại là bộ đội xuất ngũ chưa có chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực quản lý BVR, nhưng lực lượng KLYB đã tham mưu giúp tỉnh về tổ chức quản lý rừng, đặt nền móng cho phương thức quản lý rừng tiên tiến, phục vụ kịp thời các phương án quy hoạch, kế hoạch sản xuất nông lâm nghiệp.
Năm 1976, tỉnh Hoàng Liên Sơn được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ, Lào Cai, kiểm lâm Hoàng Liên Sơn được thành lập và tổ chức hoạt động theo Nghị định 101- CP của Hội đồng Chính phủ. Giai đoạn 1979 - 1994, Chi cục Kiểm lâm trực thuộc Sở Lâm nghiệp, thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý BVR; tổ chức các hoạt động điều tra cơ bản về tài nguyên rừng phục vụ chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc, dự án rừng phòng hộ sông Đà, sông Chảy...
Ngày 12/8/1991, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng được Quốc hội thông qua, cùng với việc tỉnh Yên Bái được tái lập trên cơ sở tách tỉnh Hoàng Liên Sơn thành tỉnh Yên Bái và tỉnh Lào Cai. Tổ chức bộ máy của lực lượng KLYB hoạt động theo Nghị định 39/CP ngày 18/5/1994 của Chính phủ, là đơn vị quản lý nhà nước trực thuộc UBND tỉnh theo Quyết định số 08/QĐ-UB ngày 8/01/1998 của UBND tỉnh Yên Bái. KLYB được tổ chức thống nhất từ tỉnh đến huyện với 9 hạt kiểm lâm huyện, thị xã, thành phố; 3 phòng nghiệp vụ và 1 đội kiểm lâm cơ động cùng với đội ngũ công chức kiểm lâm được đào tạo cơ bản về chính trị, chuyên môn, từng bước khẳng định vai trò, vị trí và những đóng góp to lớn của lực lượng KLYB trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng.
Ngày 03/12/2004, Quốc hội khoá XI đã thông qua Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004; Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16/10/2006 về tổ chức và hoạt động của kiểm lâm. Lúc này, tổ chức bộ máy của lực lượng KLYB được thực hiện theo Quyết định số 1691/QĐ-UBND ngày 16/10/2007 của UBND tỉnh Yên Bái quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục KLYB là đơn vị quản lý nhà nước trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; giải thể các trạm phúc kiểm lâm sản, xóa bỏ các barie; thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước đưa kiểm lâm về phụ trách địa bàn xã nhằm triển khai nhiệm vụ quản lý, BVR tại gốc... Công chức kiểm lâm được hưởng chế độ thương binh, liệt sĩ; phụ cấp ưu đãi nghề; phụ cấp thâm niên.
Thực hiện Quyết định số 1826/QĐ-UBND ngày 01/9/2016 của UBND tỉnh về việc thành lập Chi cục Kiểm lâm trên cơ sở hợp nhất Chi cục Lâm nghiệp và Chi cục Kiểm lâm trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tổ chức, bộ máy của Chi cục Kiểm lâm tiếp tục được cơ cấu lại với 9 hạt kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố; Chi cục Kiểm lâm có 4 phòng chuyên môn nghiệp vụ (Phòng Quản lý, BVR và Bảo tồn thiên nhiên; Phòng Sử dụng và Phát triển rừng; Phòng Hành chính - Tổng Hợp; Phòng Thanh tra - Pháp chế) và Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
Tuy nhiên, thực hiện chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy các đơn vị hành chính sự nghiệp cấp tỉnh theo nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 28/12/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2992/QĐ-UBND về việc hợp nhất Hạt Kiểm lâm thị xã Nghĩa Lộ, Hạt Kiểm lâm huyện Trạm Tấu thành Hạt Kiểm lâm Trạm Tấu - Nghĩa Lộ. Tổ chức bộ máy của LLKL được tổ chức lại còn 8 hạt kiểm lâm các huyện, thành phố; Chi cục Kiểm lâm tỉnh còn 3 phòng chuyên môn, nghiệp vụ (Phòng Hành chính - Tổng Hợp; Phòng Thanh Tra - Pháp chế; Phòng Quản lý và Phát triển rừng); 1 Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR.
Có thể nói, khi mới thành lập, LLKL phần lớn là bộ đội chuyển ngành, trình độ học vấn, lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ còn nhiều hạn chế song từ chỗ chỉ có 2 kỹ sư và 14 cán bộ có trình độ trung cấp, đến nay, LLKL tỉnh đã tăng về số lượng, chất lượng với 253 biên chế; trong đó, có 240 công chức kiểm lâm và 13 hợp đồng lao động.
Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có 44 thạc sĩ, 182 đại học; 2 cao đẳng, 12 trung cấp. Về trình độ lý luận chính trị, có 15 cao cấp, 7 cử nhân và 128 trung cấp.
Trong suốt 50 năm qua, LLKL Yên Bái đã không quản rừng sâu, núi cao, không nề gian khổ, khó khăn, nguy hiểm, nơi nào có rừng là nơi đó in dấu chân cán bộ kiểm lâm để bảo vệ màu xanh cho Tổ quốc.
Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, tài nguyên rừng tỉnh Yên Bái đã có thay đổi cả về chất và lượng. Yên Bái hiện có tổng diện tích tự nhiên trên 689.267 ha, diện tích quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp đến 2025 là 487.681; trong đó, diện tích đất có rừng là 433.967,4 ha (rừng tự nhiên 214.796,9 ha; rừng trồng 219.170,5 ha); diện tích chưa thành rừng 42.405,5 ha. Phân theo 3 loại rừng: rừng đặc dụng có 32.725 ha; rừng phòng hộ 141.321 ha; rừng sản xuất 313.6353 ha.
Lực lượng Kiểm lâm Yên Bái tuần tra kiểm soát, bảo vệ rừng. (Ảnh: T.L)
Trong những năm qua, các địa phương trong tỉnh tích cực triển khai trồng, bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng. Bình quân hàng năm toàn tỉnh trồng được trên 15.000 ha rừng các loại; trong đó, 94% là rừng sản xuất. Giai đoạn 2013 - 2022, diện tích đất có rừng tăng thêm 26.189,4 ha; năng suất, chất lượng rừng đã từng bước được cải thiện theo từng năm; tỷ lệ che phủ của rừng năm 2022 đạt 63% tăng 11% so với năm 2013.
Với phương châm "lấy dân làm gốc", "giữ rừng tại gốc", công tác tuyên truyền BVR là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt quá trình hoạt động của LLKL Yên Bái với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đã thực sự góp phần nâng cao nhận thức BVR cho cán bộ, nhân dân địa phương trong tỉnh.
Nhận thức sâu sắc trách nhiệm quản lý, BVR là của cả hệ thống chính trị, những năm qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh luôn thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng dân cư, làm cho mọi người dân nhận thức rõ vai trò, đặc biệt quan trọng, nguồn lợi to lớn lâu dài của rừng đối với chính đời sống của họ và sự tồn tại phát triển của cả cộng đồng. Thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh, Báo Yên Bái tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý BVR và PCCCR.
Chi cục quan tâm, tổ chức sắp xếp công tác quản lý lâm sản, bỏ các trạm kiểm tra, kiểm soát lâm sản cố định, chuyển số cán bộ làm công tác kiểm tra, kiểm soát lâm sản về nắm địa bàn để BVR tại gốc; củng cố Đội Kiểm lâm cơ động - PCCCR; tổ chức nhiều đợt kiểm tra trên tất cả các lĩnh vực quản lý rừng, BVR, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép.
Trong 10 năm gần đây (2013 - 2023), LLKL Yên Bái đã phát hiện, xử lý 1.861 vụ vi phạm về lĩnh vực lâm nghiệp (tịch thu 114.074 m3 gỗ các loại; nhiều phương tiện ô tô, xe máy; thu nộp ngân sách 9.464.071.400 đồng).
Nhờ có sự quan tâm của các cấp, ngành cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, diện tích rừng hiện có trên địa bàn tỉnh được quản lý và bảo vệ tốt; cơ sở vật chất, phương tiện làm việc mỗi năm được trang bị tốt hơn để đáp ứng với công tác quản lý, BVR trong giai đoạn hiện nay.
Trong nhiều năm qua, LLKL Yên Bái thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương để làm tốt công tác quản lý, BVR.
Quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, hợp tác phát triển ngày càng được mở rộng. Đón bắt cơ hội đó, KLYB đã chủ động tiếp cận một số tổ chức quốc tế về lâm nghiệp và Quỹ Bảo tồn Việt Nam (VCF) trao đổi thông tin, phối hợp thực hiện các dự án về bảo tồn thiên nhiên, kinh nghiệm về quản lý BVR cộng đồng.
Được sự quan tâm của tỉnh và sự phối hợp của Tổ chức bảo tồn loài, sinh cảnh quốc tế (FFI), Yên Bái đã hình thành Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải và Hội đồng BVR huyện Mù Cang Chải. Từ kinh nghiệm đó, đã thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, huyện Văn Yên và đang xúc tiến thành lập một số khu bảo tồn thiên nhiên gắn với khu di tích lịch sử và du lịch trong tỉnh.
Để giữ được rừng, LLKL còn tăng cường chốt chặn ở các địa bàn trọng điểm, nơi nào có dấu hiệu vi phạm lâm luật là kiểm lâm có mặt. Việc ngăn chặn vấn nạn phá rừng, khai thác rừng trái phép gian khổ bao nhiêu thì việc chống giặc lửa cũng khó khăn bấy nhiêu, nhưng LLKL đã làm tốt công tác PCCCR.
Ngoài việc tham mưu giúp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các văn bản về PCCCR, Chi cục Kiểm lâm đã lắp đặt phần mềm phát hiện sớm điểm cháy, thông báo điểm cháy trên website kiểm lâm. Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phát những bản tin cảnh báo kịp thời để người dân và lực lượng chức năng chủ động phòng ngừa, ngăn chặn.
Rừng được phục hồi và phát triển, đó là công sức của toàn xã hội; trong đó, có một phần không nhỏ công sức của những người lính kiểm lâm - những người lính giữ rừng với bước đi không mỏi trong suốt 50 năm qua cho sự nghiệp BVR - một nghề gian lao vất vả nhưng rất đỗi vinh quang.
Thực hiện chủ trương quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tận gốc, LLKL giúp đỡ hàng ngàn thôn, bản xây dựng và thực hiện tốt quy ước, hương ước BVR. Người cán bộ kiểm lâm hôm nay không đơn thuần là người thừa hành pháp luật, mà còn thực hiện các nhiệm vụ phát triển rừng, hướng dẫn người dân làm giàu từ nghề rừng.
50 năm xây dựng và phát triển, KLYB rất tự hào về kết quả đã đạt được trong sự nghiệp quản lý BVR và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
Kết quả đó đã được ghi nhận bằng những tập thể, cá nhân vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cùng nhiều bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, BVR, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Nhìn lại 50 năm qua, LLKL Yên Bái không ngừng trưởng thành, lớn mạnh và vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để giữ gìn màu xanh cho đất nước. Trước thực tế là, tài nguyên rừng ngày càng suy giảm, tình trạng phát phá, lấn chiếm đất rừng, cháy rừng, khai thác và buôn bán động, thực vật rừng trái phép ngày càng tinh vi; thời cơ và vận hội mới đòi hỏi LLKL phải thực sự đổi mới về chất từ tổ chức và xây dựng lực lượng đến tư duy và phương pháp hoạt động.
Do đó, LLKL Yên Bái sẽ tranh thủ tối đa sự chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp; sự lãnh đạo trực tiếp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sự phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục; đồng thời, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của quần chúng nhân dân và không ngừng rèn luyện bản lĩnh, phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn để LLKL hoàn thành được những nhiệm vụ nặng nề mà Nhà nước, nhân dân đã tin cậy giao phó và mãi mãi xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong trong sự nghiệp quản lý, BVR.
Kiều Tư Giang - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Yên Bái