Sáng 9/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Về thu hồi, trưng dụng đất, ông Đặng Quốc Khánh cho biết, đây là nội dung nhận được nhiều ý kiến của nhân dân. Dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa.
Quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất đối với các loại công trình công cộng từng lĩnh vực; thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp và một số trường hợp thật cần thiết khác. Đồng thời, rà soát làm rõ hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh.
Các trường hợp thu hồi đất do vi phạm để phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan như Luật đầu tư, các Luật về thuế, làm rõ hành vi của cơ quan quản lý hoặc của người vi phạm.
Dự thảo luật đã bổ sung quy định phân cấp thẩm quyền thu hồi đất cho UBND cấp huyện không phân biệt người sử dụng đất là tổ chức hay cá nhân trừ trường hợp thu hồi đất quốc phòng, an ninh. Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất cũng là nội dung quan trọng nhận được nhiều ý kiến góp ý của nhân dân.
Cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, tiếp thu quy định cụ thể, luật hóa một số quy định trong các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai hiện hành đã được thực tế chứng minh là phù hợp đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất thu hồi, tạo sự đồng thuận, giảm khiếu kiện; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong tổ chức thực thi.
Cụ thể, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật. Người có đất bị thu hồi được bồi thường thiệt hại về đất, tài sản gắn liền với đất, chi phí đầu tư vào đất, thiệt hại do ngừng sản xuất, kinh doanh; được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm; được ưu tiên lựa chọn hình thức bồi thường bằng tiền nếu có nhu cầu được bồi thường bằng tiền.
Giá đất bồi thường là giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi. Giá đất tái định cư là giá đất cụ thể tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Áp dụng bảng giá đất mới từ năm 2026
Dự thảo luật đã làm rõ nguyên tắc định giá đất, giá đất thị trường, căn cứ định giá đất, thông tin đầu vào để xác định giá đất, các phương pháp định giá đất. Bổ sung quy định về tư vấn thẩm định giá đất.
Theo đó, việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc: phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; bảo đảm tính độc lập trong các khâu xác định giá đất, thẩm định giá đất, quyết định giá đất.
Thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp phải đảm bảo: giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đã được công chứng, chứng thực; giá đất trúng đấu giá quyền sử dụng đất mà không chịu tác động của các yếu tố gây tăng hoặc giảm giá đột biến, giao dịch có quan hệ huyết thống hoặc có những ưu đãi khác được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
Đối với trường hợp chưa có thông tin giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai thì thu thập thông tin giá đất qua điều tra, khảo sát, thông tin về doanh thu, chi phí, thu nhập từ việc sử dụng đất theo thị trường.
Tiếp tục quy định bảng giá đất được ban hành hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, bổ sung quy định về chuyển tiếp thực hiện theo hướng tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết 31/12/2025 để các địa phương có đủ thời gian để xây dựng, ban hành bảng giá đất mới theo quy định mới của Luật Đất đai.
Quy định mở rộng thêm thời hạn về thời điểm sử dụng đất để xem xét cấp giấy chứng nhận, giải quyết các tồn tại, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân nhưng không hợp pháp hóa các sai phạm trong việc sử dụng đất. Bổ sung quy định xử lý đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất không đúng thẩm quyền mà hộ gia đình, cá nhân đã nộp tiền để được sử dụng đất để đảm quyền lợi của người dân.
Dự thảo luật đã rà soát, bổ sung thời hạn sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, đối với đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản.
Theo ông Khánh, quá trình rà soát cho thấy còn có một số nội dung, chủ trương liên quan chưa được thể chế trong dự thảo Luật Đất đai vì không thuộc phạm vi điều chỉnh như: Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang trong pháp luật về thuế; Quy định cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương trong pháp luật về ngân sách nhà nước; Quy định xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai;...
Theo ông Khánh, các nội dung này cần được thể chế hóa trong các Luật có liên quan, kính đề nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan có kế hoạch xây dựng các Luật để kịp thời thể chế đầy đủ chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất trong quá trình thực hiện.
(Theo VTV)