Đồng chí Hà Thiết Hùng, tên khai sinh là Hà Đình Hưng. Ông là người con dân tộc Tày, sinh ngày 9 tháng 3 năm 1929, tại Bản Muỗng, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn. Nhà nghèo, thuở thiếu thời, ông được Hoàng Đình Lự - một lãnh đạo Xã bộ Việt Minh chọn đi theo, đến làm canh gác cho cuộc họp bí mật ở nhà Chánh tổng Lương Ca Trần Đình Khánh.
Tại đây, Hà Thiết Hùng gặp nhà cách mạng Ngô Minh Loan và Nguyễn Đức Vũ (tức Bình Phương), rồi trở thành liên lạc hai chiều của Ban Chỉ huy quân sự Cách mạng tỉnh Yên Bái, tích cực thúc đẩy phong trào quần chúng để Thượng Bằng La giành chính quyền đầu tháng 7/1945.
Ngày 02 tháng 10 năm 1947, thực dân Pháp tái chiếm Văn Chấn. Huyện uỷ chỉ định Hà Thiết Hùng làm Phái viên, ra tỉnh xin chủ trương. Sau khi tiếp nhận sự chỉ đạo trực tiếp của Uỷ viên Thường trực Tỉnh uỷ Yên Bái Phan Đạo Xích, Hà Thiết Hùng trở về, đến Hưng Thịnh bị Pháp đuổi bắt, đồng chí vượt núi Đáy sang Bản Liền, xã Đại Lịch, bắt liên lạc được với Huyện uỷ, đã đề xuất ý kiến để huyện quyết định chọn Đại Lịch – một địa bàn hậu địch, làm căn cứ kháng chiến. Tại đây, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Tấn Phúc đã phát động chiến tranh du kích chống Pháp trong toàn tỉnh.
Sau thời gian này, Hà Thiết Hùng còn đề xuất, và được Huyện uỷ giao nhiệm vụ thành lập Trung đội 76 dân quân huyện do ông làm Trung đội trưởng. Đồng chí Hà Thiết Hùng đã chỉ huy Trung đội phối hợp với bộ đội chủ lực (Đại đội Kim Tiến) và du kích các xã Đại Lịch, Chấn Thịnh đánh trận Lũng Bũm (Bãi Chằm) và Làng Mỵ, giành thắng lợi.
Cuối năm 1949, Trung đội 76 phát triển thành Đại đội 86. Bộ đội địa phương Văn Chấn. Đại đội trưởng Hà Thiết Hùng và Chính trị viên Đào Tiến Lộc, chỉ huy đánh các trận lớn ở Thượng Bằng La, ở Cát Thịnh, rồi tiến vào Mường Lò phối hợp với bộ đội (Đại đội Kim Sơn) hạ Đồn Tú Lệ, các chiến dịch Lý Thường Kiệt (1951), Tây Bắc (1952). Tiếp tục chỉ huy phối hợp tiễu phỉ trên địa bàn miền Tây trong đó có trận Kế Khấu Ly và Bản Mù (Trạm Tấu), diệt tên bang tá phản động Cầm Ngọc Ninh, bắt sống các tướng phỉ Cầm Đức, Giàng Páo Quả, chuẩn bị điều kiện ở khu vực Tây Bắc để Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cuối năm 1959, đồng chí Hà Thiết Hùng được điều động và bổ nhiệm làm Trưởng phòng Trị an dân cảnh trực thuộc Công an Khu Tây Bắc. Sau khi đi học an ninh ở Liên Xô (1961 – 1962), năm 1963, đồng chí được bổ nhiệm làm Trưởng ty Công an tỉnh Nghĩa Lộ.
Những năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ (1964 – 1968), nhiệm vụ hậu phương nặng nề, vừa sản xuất vừa chiến đấu và giữ vững an ninh, đồng chí là Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ty Công an cho đến ngày đất nước thống nhất (1975).
Năm 1976, sáp nhập ba tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ thành tỉnh Hoàng Liên Sơn, đồng chí Hà Thiết Hùng được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh trong bối cảnh nền kinh tế bao cấp, sự kiện người Hoa và chiến tranh biên giới phía Bắc đầy thách thức.
Từ tháng 1 năm 1982 đến tháng 5 năm 1992, giai đoạn đầu của thời kỳ chống quan liêu, bao cấp và đổi mới của đất nước, đồng chí là Uỷ viên trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Liên Sơn và là Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh khoá VII (1981 – 1987).
Đồng chí Hà Thiết Hùng là một chính khách, là cán bộ tiền khởi nghĩa, được Đảng và Nhà nước trao tặng 6 huân chương, trong đó có Huân chương Độc lập hạng Nhất (2008), Huân chương Chiến công hạng Nhất (1985) và Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng (2023).
Không mắc kỷ luật, hoàn thành trọng trách của nhà quản lý và nghỉ chế độ, đồng chí Hà Thiết Hùng và gia đình đã nhiều lần được các đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thường trực Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và khách quốc tế đến thăm, tặng quà.
Cả cuộc đời đồng chí Hà Thiết Hùng là "pho sử" của lịch sử đấu tranh cách mạng, tinh thần tiến công cách mạng không sợ hiểm nguy của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Hoàng Liên Sơn nói chung, tỉnh Yên Bái nói riêng. Ảnh: Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thăm, tặng quà đồng chí Hà Thiết Hùng dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9 năm 2022.
Cuộc đời hoạt động cách mạng đầy bản lĩnh và sôi nổi của đồng chí Hà Thiết Hùng đã đưa ông trở thành nhân vật nguyên mẫu trong bộ tiểu thuyết "Cánh cung đỏ" của Nhà văn Hà Lâm Kỳ và tiểu thuyết "Đất mường thời dông lũ" của Nhà văn Trần Cao Đàm. Vợ ông, bà Hà Thị Nết, cũng là một phụ nữ nông thôn trung hậu, đảm đang, luôn song hành cùng chồng trong vai trò "hậu phương".
Đồng chí Hà Thiết Hùng – người con ưu tú và gần gũi của quê hương Văn Chấn, của xã Thượng Bằng La Anh hùng, và là niềm tự hào của gia tộc Hà Chay Yên Bái (*).
Bài viết nhân dịp đồng chí Hà Thiết Hùng sang tuổi 95
Yên Bái, tháng 5/2023
Hà Lâm
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
(*) Tài liệu tham khảo có từ các nguồn:
- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Yên Bái, huyện Văn Chấn, và xã Thượng Bằng La
- Hồi ức (Bản viết tay) của ông Hà Thiết Hùng
- Lời kể của Nguyên lão cùng thời đồng chí Hà Thiết Hùng.
- Tư liệu khác.