Các đại biểu thống nhất nhận định, trong tháng 6 và 6 tháng qua, tình hình kinh tế xã hội tiếp tục có xu hướng tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi được kiểm soát tốt; an sinh xã hội được bảo đảm.
Cụ thể, trong tháng 6, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trở lại. Trong cả 6 tháng, thu ngân sách nhà nước đạt 54% dự toán năm; xuất khẩu gần 4,3 triệu tấn gạo, trị giá gần 2,3 tỷ USD, tăng gần 35% về giá trị.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11%. Giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 30% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022 và đặc biệt, số tuyệt đối cao hơn 65.000 tỷ đồng. Vốn FDI thực hiện đạt hơn 10 tỷ USD, cao nhất từ năm 2019 đến nay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo, điều hành là ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đặc biệt là phải ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm đời sống nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao những kết quả tích cực đạt được trong 6 tháng đầu năm và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh kết quả là cơ bản, Thủ tướng cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế như: tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra; tình hình sản xuất kinh doanh, thị trường lao động, việc làm, tiếp cận vốn còn khó khăn; dư nợ tín dụng tăng thấp; thu ngân sách có xu hướng giảm; công nghiệp phục hồi chậm; thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực còn nặng nề, chưa thông thoáng; Chỉ số nhà quản trị mua hàng đã tăng nhưng vẫn dưới 50 điểm; vốn FDI đăng ký tăng thêm giảm.
Thủ tướng đã nêu rõ nguyên nhân của những kết quả đạt được, nguyên nhân hạn chế, yếu kém và bài học kinh nghiệm rút ra. Thời gian tới, dự báo tình hình còn nhiều khó khăn thách thức, Thủ tướng yêu cầu theo dõi sát diễn biến tình hình để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời.
Thủ tướng cũng kêu gọi và đề nghị cộng đồng doanh nghiệp tăng cường tiết kiệm chi phí, đổi mới quản trị, sản xuất kinh doanh hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao; đồng thời yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương đồng hành, chủ động tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt không được đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhũng nhiễu, tiêu cực.
Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng yêu cầu tập trung hỗ trợ, thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng cả về phía cầu và phía cung; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường xúc tiến thương mại; tìm kiếm, mở rộng thị trường, đơn hàng mới; tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Thủ tướng cũng đã giao rất nhiều nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương. Trong đó yêu cầu
Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, phối hợp với Bộ Công an khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về phòng cháy chữa cháy. Bộ Công Thương kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương xử lý các kiến nghị, vướng mắc của địa phương, doanh nghiệp về đất đai, môi trường, nguyên vật liệu xây dựng. Bộ Y tế giải quyết dứt điểm vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đấu thầu công khai in sách giáo khoa.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là chính sách phải đi vào thực tiễn, nhân dân, doanh nghiệp thụ hưởng thật và hiệu quả cho nền kinh tế.
(Theo VTV)