Quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND huyện Mù Cang Chải đã tổ chức thành công 7 kỳ họp, ban hành 41 nghị quyết về các vấn đề quan trọng của địa phương theo thẩm quyền, trong đó có 18 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội; 9 nghị quyết về công tác bầu cử, miễn nhiệm các chức danh do HĐND huyện bầu, 6 nghị quyết về tổ chức bộ máy, 8 nghị quyết về chương trình, kế hoạch giám sát của Thường trực HĐND, các ban HĐND huyện, nhằm thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính quyền địa phương. Thường trực HĐND huyện ban hành 33 nghị quyết về phê chuẩn kết quả bầu các chức danh do HĐND cấp xã bầu nhiệm kỳ 2021-2026.
Các kỳ họp được tiến hành trọng thể, nghiêm túc, các dự thảo nghị quyết, báo cáo, tờ trình, đề án, tài liệu của Thường trực, các ban HĐND và các cơ quan khác trình tại kỳ họp đều đảm bảo thể thức văn bản, nội dung đầy đủ, thiết thực đánh giá đúng tình hình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh theo tinh thần nghị quyết của HĐND đã đề ra.
Phương pháp điều hành kỳ họp không ngừng được đổi mới và nâng cao tính hiệu quả. Trong thảo luận đã tích cực mở rộng dân chủ. Đổi mới trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn giải trình tại các kỳ họp trở thành hoạt động thường xuyên. Các ý kiến chất vấn, yêu cầu giải trình đã đi vào những vấn đề cụ thể, những vấn đề bức xúc mà cử tri và xã hội quan tâm. Việc trả lời chất vấn, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp được thực hiện nghiêm túc.
Các đại biểu HĐND huyện đã nêu cao vai trò, trách nhiệm, thu thập các ý kiến, tâm tư nguyện vọng của cử tri về những vấn đề các chế độ chính sách, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh thuộc chương trình, nội dung kỳ họp để báo cáo kỳ họp và tiếp thu các ý kiến trả lời của Thường trực HĐND huyện về truyền đạt cho cử tri tại các buổi tiếp xúc cử tri.
Các kỳ họp HĐND huyện được tuyên truyền sâu rộng trước, trong và sau kỳ họp đến toàn thể nhân dân trong toàn huyện với nhiều hình thức như: băng rôn, khẩu hiệu, đăng tải trên Trang thông tin điện tử và hệ thống phát thanh của huyện, đài truyền hình địa phương bằng các thứ tiếng phổ thông, tiếng dân tộc...
HĐND huyện đã triển khai thực hiện phương thức họp không giấy tờ đến 100% đại biểu dự họp, thể hiện quyết tâm của HĐND huyện trong triển khai xây dựng chính quyền số; tổ chức tốt các hội nghị giao ban giữa Thường trực HĐND huyện với Thường trực HĐND các xã, thị trấn. Qua đó, đánh giá được những kết quả hoạt động của Thường trực HĐND, các ban của HĐND, những cách làm hay, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của Thường trực HĐND, các ban HĐND cấp huyện, cấp xã, góp phần nâng cao được năng lực hoạt động của Thường trực HĐND, các ban HĐND.
Giám sát có trọng tâm, trọng điểm
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND, các ban của HĐND huyện đã tổ chức 16 cuộc giám sát chuyên đề. Trong đó, Thường trực HĐND huyện tiến hành 4 cuộc, các ban giám sát 12 cuộc. Nội dung giám sát tập trung chủ yếu về: công tác thực hiện các nghị quyết của HĐND về phát triển kinh tế -xã hội, các chương trình mục tiêu; chế độ học sinh bán trú, chế độ giáo viên, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững năm; việc thực hiện quy định của pháp luật về thi hành án hình sự; công tác phổ biến giáo dục pháp luật...
Đánh giá chung, nội dung giám sát được lựa chọn sát với đời sống kinh tế - xã hội của người dân, bảo đảm yếu tố quan tâm của đại biểu và cử tri. Hình thức và phương pháp giám sát đã từng bước được đổi mới, từ khâu xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, triển khai thực hiện kế hoạch giám sát, kết luận giám sát và kiến nghị; đến nội dung làm việc trực tiếp với các cơ quan, đơn vị trên cơ sở báo cáo kết hợp với khảo sát thực tế, nắm tình hình qua các đợt tiếp xúc cử tri, trao đổi, nói chuyện trực tiếp với người dân địa phương; tìm hiểu khai thác thông tin phục vụ yêu cầu giám sát qua nhiều kênh khác nhau. Qua đó, thu thập thông tin mang tính thời sự, phục vụ hoạt động giám sát và việc quyết định những nội dung quan trọng tại kỳ họp HĐND huyện.
Qua giám sát, Thường trực HĐND, các ban của HĐND đã kịp thời nắm bắt những thuận lợi, khó khăn của các cơ quan, đơn vị, địa phương, từ đó kiến nghị với cơ quan cấp trên, với UBND cùng cấp và các cơ quan, đơn vị cùng xem xét, tháo gỡ, hỗ trợ cũng như kiến nghị để sửa đổi các cơ chế, chính sách cho phù hợp.
Sau mỗi cuộc giám sát, đoàn giám sát đều có báo cáo kết quả giám sát và các kiến nghị gửi tới Thường trực Huyện ủy, Thường trực HĐND, UBND huyện, các đơn vị được giám sát và đề xuất các giải pháp để khắc phục kịp thời, tháo gỡ những khó khăn, tồn tại, hạn chế ở cơ sở, nâng cao dần nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động giám sát của HĐND với các đối tượng giám sát.
Đức Toàn