Đây phải chăng chính là giải pháp để những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung không gặp phải hệ lụy tiêu cực, sự nghiệp không bị ảnh hưởng bởi những quy định cứng nhắc. Như vậy, những cán bộ giỏi mới dám tư duy, tự tin để đột phá.
Nhìn lại lịch sử, có giai đoạn luật pháp, các quy định chưa hoàn chỉnh, khi cơ chế chưa tháo gỡ, từng có cán bộ lãnh đạo đơn vị, địa phương muốn vượt qua khó khăn, trói buộc đã tìm cách vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách hay còn gọi là "xé rào" để làm những việc chưa có tiền lệ, vượt khỏi quy định tìm hướng đi mới nhằm bứt phá, tạo ra hiệu quả vượt trội cho đời sống kinh tế - xã hội đã phải chịu nhiều hệ lụy tiêu cực, thậm chí bị kiểm điểm, kỷ luật, cách chức tất cả các chức vụ.
Một trong những ví dụ điển hình đó là trường hợp của cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc, từng bị "kiểm điểm và tự phê bình" vì chủ trương "khoán hộ, đổi mới nông nghiệp". Còn đối với Đường dây 500 KV Bắc - Nam được Chính phủ quyết chủ trương xây dựng năm 1992, nhưng đã gặp không ít rào cản, với những nghi ngờ dự án thất bại, gây lãng phí ngân sách và đã có một số cán bộ bị kỷ luật, thậm chí còn phải ngồi tù. Nhưng trong nhiều năm qua, hình như chưa có trường hợp tổ chức đảng và đảng viên nào bị kỷ luật oan mà tổ chức đảng công khai xin lỗi và phục hồi quyền lợi?
Từ những câu chuyện trên, có thể thấy, cán bộ dám đổi mới, sáng tạo, đột phá, dám nghĩ, dám làm luôn phải đối diện với vô vàn áp lực. Mặc dù những ý tưởng mới, sáng tạo đã tạo ra kết quả hơn cả mong đợi, nhưng khi các đoàn thanh tra, kiểm tra vào cuộc đã áp dụng quy định cứng nhắc, đẩy người năng động, sáng tạo vì lợi ích chung bị kỷ luật oan, không được bảo vệ.
Hậu quả, một số cán bộ trở nên nhút nhát, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, là nguyên nhân khiến một số ngành, lĩnh vực, địa phương mà họ phụ trách chỉ hoạt động cầm chừng, kéo lùi công cuộc đổi mới và sự phát triển đất nước. Rất cần một sự thay đổi, đột phá trong tư duy kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Như vậy, những người làm công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra cần có nghiệp vụ vững vàng, cái tâm trong sáng, bao dung trong việc đối xử với người tài để thực sự giúp họ rèn luyện có hiệu quả đạo đức, mà tài năng không bị thui chột.
Đây là lần đầu tiên Đảng có quy định bằng văn bản một cách chặt chẽ, hoàn chỉnh từ đối tượng áp dụng, hình thức tổ chức, thời hạn… để khắc phục oan, sai đối với tổ chức đảng, đảng viên khi bị kỷ luật; đồng thời cũng là lời cảnh báo tổ chức đảng có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật và cán bộ đóng vai trò tham mưu kỷ luật không thể làm việc tùy tiện, bất chấp quy định của Đảng, của luật pháp, làm với cái tâm không trong sáng, thiếu tinh thần trách nhiệm, vì một lợi ích nào đó mà ra quyết định oan sai có khi sẽ làm hỏng cả cuộc đời của một con người. Tinh thần là công tội rạch ròi, cán bộ làm sai phải bị xử lý, ngược lại cán bộ bị kỷ luật sai phải được xin lỗi, khắc phục. Điều này giúp hệ thống quản lý công tác cán bộ đảng viên hoàn chỉnh và chặt chẽ hơn.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính".
Quy định tổ chức đảng, cá nhân gây ra oan sai phải nhận và xin lỗi, thậm chí phải xử lý kỷ luật, cách chức vì đã gây ra oan sai cho tổ chức và cá nhân chứ không chỉ rút kinh nghiệm nội bộ sẽ góp phần củng cố thêm lòng tin của nhân dân vào Đảng, chế độ. Việc nhận ra sai sót và chân thành xin lỗi, đồng thời phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng và đảng viên bị kỷ luật oan, sai sẽ làm cho dân chủ trong Đảng thực chất hơn, công khai, minh bạch hơn. Nó vừa thể hiện tính nghiêm minh trong Đảng nhưng cũng rất nhân văn và thắm đượm tình đồng chí.
(Theo CAND)