Sau đó vài giờ, các tờ báo trong nước bắt đầu đưa tin, tiếp đó các trang báo quốc tế đăng các bài về Đại tướng, Người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh … đã ra đi mãi mãi ở tuổi 103.
Với mỗi người dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi là tượng đài bất tử. Lịch sử Việt Nam khắc tên Đại tướng - con người nhân cách, tài năng xuất chúng, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đại tướng mất đi là sự mất mát vô cùng lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Đó là những ngày cả nước đau thương. Đảng, Nhà nước thông báo tổ chức tang lễ Đại tướng 2 ngày 12-13/10. Tuy nhiên, từ khi Đại tướng ra đi, toàn dân không ai bảo ai đã để tang ông trong chính mỗi ngôi nhà mình. Từ Lũng Cú (Hà Giang), Mường Nhé (Điện Biên), Vạn Ninh (Khánh Hòa) đến đất mũi Cà Mau, từ miền xuôi đến miền ngược, từ nông dân đến anh chiến sỹ ngoài biên cương, hải đảo, việt kiều, học sinh… ai cũng cảm thấy mình như vừa mất đi một người thân, người cha, người anh, người đồng chí.
Số nhà 30 Hoàng Diệu -ngôi nhà Đại tướng lúc sinh thời, từng dòng người già trẻ gái trai đến từ mọi miền đất nước nối nhau lặng lẽ vào thắp nén tâm nhang tiễn biệt Đại tướng. Quảng Bình - miền Trung - quê hương Đại tướng, cả một tuần liền, những dòng người đổ về ngôi nhà tưởng niệm Đại tướng để dâng hoa và tiễn biệt. Cả vùng Tây Bắc, Việt Bắc và Điện Biên – nơi in đậm chiến công "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đồng bào, đồng chí lập ban thờ dâng nén tâm hương lên Đại tướng.
Hàng triệu ban thờ trên mảnh đất hình chữ S. Ngoài đảo Trường Sa, Hoàng Sa đã thắp lên triệu triệu tâm nhang tưởng nhớ và tiễn biệt vị tướng huyền thoại của dân tộc.
Yên Bái – nơi Đại tướng từng qua bến Âu Lâu lên Điện Biên chỉ đạo chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ cũng đón hàng ngàn người dân tới dâng hoa, thắp nhang tiễn biệt Đại tướng. Trên thế giới, hàng trăm đại sứ quán mở sổ tang, lập bàn thờ viếng Đại tướng.
Ở Báo Yên Bái, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Bùi Anh Túy khi ấy đã triệu tập một cuộc họp gấp, chỉ đạo đưa tin thông báo "Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần” sớm nhất trên báo Yên Bái điện tử.
Đó là những ngày không bao giờ quên đối với những người làm báo Yên Bái. Phòng làm việc sáng đèn từ sáng đến khuya, các bộ phận cập nhật liên tục các thông tin về Đại tướng, về những công lao của Đại tướng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như lối sống giản dị, chân tình của Người.
Trên báo in bắt đầu từ ngày 5/10/2013 cho đến hết ngày đưa tang trang 1 là thông tin dày đặc về lễ tang, và những bài viết về Đại tướng. Phóng viên các phòng được phân công chụp ảnh, ghi chép, gặp gỡ các nhân chứng đã từng gặp, làm việc với Đại tướng.
Dù công việc nhiều, phải đi nhanh, viết nhanh, nhưng tình cảm thiêng liêng, tôn kính với Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dồn lên ngọn bút để ra những con chữ, trang viết. Nhiều bài báo của các nhà báo Tuấn Anh, Thanh Hương, Hoàng Nhâm, Thu Hạnh viết về Đại tướng... đã gây xúc động mạnh.
Dường như những ngày đó, mở trang báo ra đều cảm nhận thấy rõ tình cảm, nhịp đập từng con tim người dân hướng về Đại tướng. Các nhà báo Đức Toàn, Mạnh Cường, Minh Huyền, Minh Thúy, Thanh Chi, Quyết Thắng, Thanh Tân được phân công đi về khắp các vùng quê trong tỉnh để kịp thời phản ánh, phỏng vấn, ghi lại những hình ảnh chân thực nhất về tình cảm người dân Yên Bái hướng về Đại tướng.
Đêm 11/10, trước ngày tổ chức tang lễ trực tiếp, hai đồng chí Minh Đức, Hoài Văn về thủ đô phản ánh lễ tang Đại tướng ở ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu – nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia đình đã sống - với hình ảnh hàng vạn người nối tiếp nhau đến dâng hoa, thắp nhang tiễn biệt. Họ là những cựu chiến binh đã bạc trắng mái đầu, là những bô lão, mẹ già, thanh niên, phụ nữ, học sinh, sinh viên, em thơ và đồng bào các dân tộc từ mọi miền của đất nước.
Từ ngày 4/10 đến ngày 15/10/2013 (từ hôm Đại tướng từ trần đến khi Lễ tang kết thúc), Báo Yên Bái đã đăng tải 135 tin, bài, phóng sự, truyền hình internet về lễ tang Đại tướng. Phóng viên Báo Yên Bái đã gặp gỡ gần trăm người dân để viết về cảm xúc với Đại tướng. Trong đó có nhà báo Hà Thanh Hương đã từng may mắn trong một chuyến tháp tùng lãnh đạo tỉnh về gặp Đại tướng; nhà văn Hà Lâm Kỳ - người vinh dự 5 lần được ở bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp; trung tá Lê Quang Đề - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nga Quán từng làm nhiệm vụ bảo vệ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại thủ đô Hà Nội…
Cô Nguyễn Thị Lệ Thủy, giáo viên Trường TH&THCS Quy Mông, huyện Trấn Yên chia sẻ về kỷ niệm ngày Đại tướng mất: "Thế hệ chúng tôi - những người Việt trẻ sinh ra đã có hòa bình, lớn lên trong hòa bình, không được biết về Đại tướng trong những ngày trực tiếp cầm quân đánh giặc như thế hệ cha anh, chỉ được biết, được nghe, được hiểu về vị tướng tài ba của dân tộc mình qua những huyền thoại có thực từ những câu chuyện, thước phim, tấm ảnh, bài viết và những cuốn sách. Nhưng như thế cũng đã đủ để chúng tôi hiểu, hòa bình hôm nay của mình được sống và hưởng thụ có phần to lớn lắm của Người; càng trân trọng hơn, cảm phục hơn và biết ơn hơn tấm lòng của một vị tướng thực sự vì dân, vì nước. Tấm lòng ấy tự toát lên một cách giản dị, mộc mạc và chân thực nhất từ chính cuộc đời và sự nghiệp của Người mà thế hệ con cháu như chúng tôi cũng vẫn dễ dàng cảm nhận được để rồi thấy vị tướng ấy gần gũi một cách tự nhiên, dẫu chưa một lần được gặp, được gần...”.
Hôm nay, kỷ niệm 10 năm Ngày Đại tướng về với "thế giới người hiền" … cũng như suốt 10 năm qua mỗi người dân Yên Bái nói riêng, người dân Việt Nam nói chung vẫn sẽ mãi niềm kính yêu và tiếc thương vô hạn dành cho Người.- vị Đại tướng sống mãi trong lòng dân!
Thủy Thanh