Toàn văn Báo cáo Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/10/2023 | 3:08:35 PM

Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Báo cáo Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo Kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2024.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo Kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2024.

Sáng 23/10, tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Toàn văn Báo cáo:

Phần 1: Tổng quan tình hình kinh tế-xã hội trong năm 2023

"Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng!
Kính thưa các đồng chí chủ trì Phiên họp!

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí lão thành cách mạng!

Thưa các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quốc tế và đồng bào, cử tri cả nước!

Theo chương trình Kỳ họp, Chính phủ đã gửi đến Quốc hội 77 hồ sơ, tài liệu, báo cáo, tờ trình, trong đó có Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2024.

Thay mặt Chính phủ, tôi xin trân trọng báo cáo Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước những nội dung chủ yếu như sau:

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023

I. BỐI CẢNH

Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, thách thức nhiều hơn so với dự báo; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột tại Ukraina gay gắt, gần đây xảy ra xung đột tại Dải Gaza; kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm[1]; lạm phát neo ở mức cao; nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao[2]; nợ công toàn cầu tăng mạnh[3]; các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro[4]; hoạt động xuất, nhập khẩu bị thu hẹp. An ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng gặp nhiều thách thức; thiên tai, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng.

Ở trong nước, sau hơn 35 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, là nền tảng quan trọng thúc đẩy sự phát triển; tuy nhiên nền kinh tế chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ hơn trong khó khăn; khả năng cạnh tranh, sức chống chịu còn hạn chế[5]; dịch bệnh, thiên tai, hạn hán, bão lũ diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề ở nhiều địa phương.

II. CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH

Thực hiện Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội[6]; với phương châm "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả,” Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bám sát thực tiễn, lắng nghe ý kiến phản ánh, góp ý của các địa phương, Nhân dân, các tổ chức, chuyên gia tư vấn, nhà khoa học, doanh nghiệp, các địa phương; để tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực[7] theo tinh thần chỉ đạo kết quả năm sau phải cao hơn năm trước của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; trong đó chỉ đạo giảm liên tiếp 04 lần lãi suất điều hành; miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất[8]. Chính phủ thường xuyên chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách[9]; thành lập 26 Tổ công tác của Thành viên Chính phủ, Thường trực Chính phủ trực tiếp làm việc với các địa phương để nắm bắt tình hình thực tiễn, tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc và hướng dẫn, động viên, khích lệ kịp thời.

Tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng kinh tế-xã hội; kiện toàn và bước đầu phát huy vai trò các Hội đồng Điều phối vùng. Tổ chức kịp thời nhiều hội nghị, cuộc họp linh hoạt phục vụ công tác chỉ đạo điều hành[10].

Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng xanh, bền vững[11]; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng các quy hoạch; thành lập 05 Tổ công tác, các đoàn công tác của Chính phủ đi khảo sát, nắm bắt thực tiễn, kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công ở các địa phương[12].

Tập trung chỉ đạo xử lý các ngân hàng yếu kém, các dự án, doanh nghiệp thua lỗ đã kéo dài nhiều năm[13]; kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những vấn đề phức tạp phát sinh như trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, cung ứng năng lượng, vật tư, thuốc chữa bệnh, in sách giáo khoa...

Bám sát tình hình, quan tâm chỉ đạo kịp thời, thực hiện tốt các chính sách phát triển văn hóa, xã hội, người có công[14], bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; thực hiện nghiêm các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội[15]; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để thúc đẩy hợp tác phát triển[16].

III. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, khoa học của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự giám sát, đồng hành, chủ động phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chắc chắn, linh hoạt, sát thực tiễn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế; kinh tế-xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu[17].

Trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật là có thể hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

[1] Tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ quý I tăng 1,8%, quý II tăng 2,6%; tương ứng EU tăng 1,1% và 0,5%; Nhật Bản tăng 2,0% và 1,6%; Hàn Quốc tăng 0,9% và 0,9%; Singapore tăng 0,4% và 0,5%; Thái Lan tăng 2,6% và 1,8%… Riêng Trung Quốc quý I tăng 4,5% và quý II tăng 6,3%...

[2] Tính chung từ đầu năm đến 15/10/2023, trên thế giới có 145 lượt tăng và 52 lượt giảm lãi suất; trong đó Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nâng lãi suất tiền gửi 6 lần, lên 4,5%, mức cao nhất kể từ năm 1999; Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất 4 lần, lên 5,25 -5,5% trong tháng 7/2023, cao nhất trong 22 năm qua; Ngân hàng Trung ương Anh (BOA) tăng lãi suất 5 lần, lên 5,25%, cao nhất trong 15 năm qua…

[3] Theo Báo cáo tháng 7/2023 của Liên Hợp quốc, nợ công thế giới tăng lên mức kỷ lục 92 nghìn tỷ USD, 59 quốc gia đối mặt với mức nợ cao, 52 quốc gia đang tiến gần đến vỡ nợ.

[4] Trong đó, một số ngân hàng Mỹ, Thụy Sĩ sụp đổ; trong tháng 8/2023, Moody's đã hạ bậc tín nhiệm của 10 ngân hàng quy mô vừa và nhỏ tại Mỹ, cảnh báo hạ bậc tín nhiệm của 06 ngân hàng lớn; tập đoàn bất động sản Evergrande (Trung Quốc) phá sản, tập đoàn bất động sản Country Garden (Trung Quốc) đứng trước nguy cơ vỡ nợ…

[5] Trong đó, hoạt động xuất, nhập khẩu bị tác động do suy giảm nhu cầu ở các thị trường quốc tế, nhất là những đối tác lớn, trong khi các nước gia tăng tiêu chuẩn, hàng rào mới đối với xuất, nhập khẩu; nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn; áp lực cạnh tranh từ các nước trong khu vực, châu Á tăng…

[6] Trong đó, có các Kết luận số 42-KL/TW của Trung ương và Kết luận số 46-KL/TW của Bộ Chính trị; các Nghị quyết số 68/2022/QH15; số 69/2022/QH15; số 70/2022/QH15, số 101/2023/QH15 của Quốc hội…

[7] Đồng thời, vừa tập trung thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, yêu cầu ngày càng cao; vừa chú trọng xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài nhiều năm và kịp thời ứng phó hiệu quả với những vấn đề phát sinh, mới nổi; trong đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; bảo đảm an ninh lương thực gắn với xuất khẩu gạo bền vững, hiệu quả; bảo đảm nguồn cung xăng, dầu đáp ứng nhu cầu thị trường; điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp; xây dựng phương án về thuế tối thiểu toàn cầu; phòng ngừa, ngăn chặn "tín dụng đen”; ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sụt lún, sạt lở đất và bảo đảm an toàn hồ đập…

[8] Trong đó, tổng mức giảm lãi suất điều hành 0,5-2,0%; đưa ra các gói chính sách hỗ trợ tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội, 15 nghìn tỷ đồng cho lâm sản, thủy sản; thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất khoảng 200 nghìn tỷ đồng…

[9] Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

[10] Trong đó, tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn, cuộc họp tham vấn ý kiến về các giải pháp thúc đẩy phát triển KTXH, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng…; tham vấn chính sách các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp.

[11] Đồng thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, phong trào khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi (như công nghiệp chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, hydrogen…)…

[12] Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là cho các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, đặc biệt là vướng mắc về mỏ đất, mỏ cát, vật liệu xây dựng, giải phóng mặt bằng, tái định cư và kiểm tra, giám sát, thúc đẩy tiến độ thực hiện, hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm, các công trình giao thông, dự án đường bộ cao tốc…

[13] Trong đó, tập trung chỉ đạo đưa vào vận hành một số dự án năng lượng sau nhiều năm gián đoạn, góp phần giảm lãng phí nguồn lực.

[14] Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư; bổ sung đối tượng, tăng mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công; các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, huy động nguồn lực xã hội chăm lo đời sống người có công được đẩy mạnh...

[15] Trong đó, triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng lộ trình Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị về tổ chức

Quân đội giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo. Đồng thời, tập trung trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, tội phạm mạng; thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc...

[16] Trong đó, ban hành Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022-2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước. Các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước được đẩy mạnh, trong đó chú trọng thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác kinh tế với các đối tác, tháo gỡ một số dự án tồn tại khó khăn, vướng mắc, tạo đột phá cho hợp tác kinh tế đối với hạ tầng chiến lược; tăng cường xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam...

[17] Theo Kết luận số 64-KL/TW ngày 18/10/2023 của Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII.

(Theo Vietnam+)

Các tin khác
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân.

Cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương từ ngân sách vui mừng phấn khởi trước chủ trương của Đảng và Nhà nước về thực hiện cải cách tiền lương; cử tri và Nhân dân đồng tình ủng hộ chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính.

Cán bộ Đề án 11 được điều động, luân chuyển tạo môi trường rèn luyện và trưởng thành

Ngày 08/8/2018, Tỉnh ủy Yên Bái ban hành Đề án số 11-ĐA/TU về "Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035" (gọi tắt là Đề án số 11-ĐA/TU). Đến nay sau 5 năm thực hiện, Đề án đã đạt được những kết quả quan trọng, thể hiện tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược về công tác cán bộ của tỉnh trong giai đoạn hiện nay..

Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, nhờ thúc đẩy tăng thu, tiết kiệm chi, Chính phủ đã trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560 nghìn tỷ đồng bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024 - 2026.

Lãnh đạo huyện Trạm Tấu đánh giá hiệu quả giống lúa nếp thơm tại xã Hát Lừu.

Thực hiện Chương trình hành động 135 của Tỉnh ủy Yên Bái về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023, trên cơ sở các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao và điều kiện thực tiễn của địa phương, Huyện ủy Trạm Tấu đã ban hành Kế hoạch số 106 ngày 16/12/2022 để cụ thể hóa thành 43 chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Đảng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục