Qua 20 năm tổ chức, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã thực sự là một ngày hội lớn, một hoạt động không thể thiếu hằng năm của nhân dân các dân tộc trong tỉnh; là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể.
Đây là hoạt động hướng về cơ sở, là dịp trao đổi, lắng nghe những nguyện vọng, mong muốn chính đáng của các tầng lớp nhân dân để từ đó đưa ra những định hướng, chính sách, giải pháp đối với các tầng lớp nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển, quốc phòng - an ninh được giữ vững, đời sống vật chất, tinh thần, chỉ số hạnh phúc của nhân dân ngày càng được nâng lên, an sinh xã hội đã và được đẩy mạnh.
Trưởng ban Công tác Mặt trận bản Trống Là, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải chia sẻ kinh nghiệm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại bản.
Thông qua Ngày hội, MTTQ các cấp đã tổ chức biểu dương, khen thưởng trên 8.000 lượt tập thể, trên 127.000 lượt hộ gia đình và cá nhân tiêu biểu trong xây dựng "Gia đình văn hóa”, "Thôn, tổ dân phố văn hóa”, các cá nhân xuất sắc trong phát triển kinh tế, trong thực hiện tốt nhiệm vụ an ninh - quốc phòng ở khu dân cư.
Hằng năm, nhân dịp Ngày hội Đại đoàn kết, Mặt trận các cấp thực hiện công tác hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết, đề xuất để cấp ủy, chính quyền các cấp tham dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc và tặng quà cho các thôn, tổ dân phố tiêu biểu; thăm hỏi, tặng quà trên 311.000 lượt hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, tôn vinh những cá nhân, tập thể, hộ gia đình có nhiều đóng góp cho cộng đồng và hoạt động xã hội.
Ngày hội Đại đoàn kết cũng là dịp đánh giá, biểu dương, khen thưởng nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của 3.492 tổ tự quản/1.356 thôn, bản, tổ dân phố do Mặt trận các cấp thành lập trong toàn tỉnh.
Ngày hội Đại đoàn kết cũng là dịp người dân được bày tỏ ý kiến, tham gia các giải pháp để xây dựng bản làng, thôn xóm, khu dân cư ngày càng văn minh, hạnh phúc. Đã có trên 95.000 lượt ý kiến của nhân dân góp ý trong các lĩnh vực xây dựng tổ chức Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên, xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng và bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của công dân.
Giai đoạn 2003 - 2023, từ thành công của việc lựa chọn một số khu dân cư tổ chức điểm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, số khu dân cư tổ chức Ngày hội của tỉnh Yên Bái tăng dần theo từng năm. Tỷ lệ khu dân cư tổ chức Ngày hội toàn tỉnh Yên Bái năm 2009 đạt 82%, năm 2012 đạt 93%, năm 2013 đạt 94%. Năm 2022 có 1.356/1.356 (đạt tỷ lệ 100%) thôn, bản, tổ dân phố tổ chức Ngày hội, có 1.288/1.356 thôn, bản, tổ dân phố tổ chức tốt cả phần lễ và phần hội, tổ chức "bữa cơm Đại đoàn kết” trong Ngày hội, đạt tỷ lệ 95%.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu, đề xuất nhiều giải pháp để tiếp tục tổ chức hiệu quả Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đồng chí Giàng A Tông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao bằng khen của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho 2 tập thể và 1 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003 - 2023.
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao Băng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho 10 tập thể có thành tích có thành tích xuất sắc trong 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003 - 2023.
Tại Hội nghị, 2 tập thể và 1 cá nhân được nhận bằng khen của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, 10 tập thể được nhận bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vì "Đã có thành tích xuất sắc trong 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003 - 2023”.
Cũng tại Hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 10 giải Khuyến khích cho các tập thể tham gia Cuộc thi "Tự hào MTTQ Việt Nam” trên trang fanpage "Mặt trận Yên Bái”.
Thu Hạnh