Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/11/2023 | 12:54:56 PM

YênBái - Sáng 17/11, tại thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 chủ trì Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị có đồng chí Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; đại diện Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo; các cục, vụ thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 của 63 tỉnh, thành phố; đại diện 74 huyện nghèo toàn quốc.


Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái dự và phát biểu tham luận tại Hội nghị. 

Mục tiêu giảm nghèo không chỉ về thu nhập mà cao hơn, toàn diện hơn, bao trùm hơn

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội phê duyệt với tổng kinh phí tối thiểu là 75 nghìn tỷ đồng, gồm 2 dự án và 11 tiểu dự án để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong chương trình. Đây cũng là giai đoạn thứ 2 cả nước thực hiện chuẩn nghèo đa chiều, thay đổi căn bản về mục tiêu, yêu cầu và đòi hỏi cao hơn so với giai đoạn trước.

Đặc thù công tác giảm nghèo trước đây đã khó, giai đoạn này còn khó khăn hơn. Ngoài chiều về thu nhập còn phải giảm 6 chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản khác, chuyển hoàn toàn cơ chế hỗ trợ từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện; trong khi đó địa bàn, đối tượng thực hiện Chương trình lại tập trung vào vùng lõi nghèo, địa bàn khó khăn nhất của cả nước. Vì vậy, mục tiêu giảm nghèo không chỉ đơn thuần là giảm nghèo về thu nhập mà cao hơn, toàn diện hơn, bao trùm hơn.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước với người nghèo; đồng thời là sự cam kết của Việt Nam với quốc tế về chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 1-1,5%/năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm (riêng các huyện nghèo, giảm tỷ lệ nghèo từ 4-5%/năm).

Đánh giá khách quan, toàn diện, đưa ra các giải pháp hiệu quả đối với công tác giảm nghèo

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho rằng, Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 có ý nghĩa rất quan trọng, là dịp để các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị cùng nhìn lại, đánh giá một cách khách quan, toàn diện tình hình triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn vừa qua; chỉ ra các hạn chế, khó khăn; nguyên nhân và giải pháp khắc phục cũng như định hướng công tác giảm nghèo cho thời gian tới. 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham luận, chỉ rõ những khó khăn, đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm có giải pháp căn cơ, phù hợp với thực tế tại địa phương nhằm tạo đột phá trong công tác giảm nghèo bền vững thời gian tới.


Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn cho biết, tỉnh Yên Bái đã quan tâm ban hành các nghị quyết, chính sách đặc thù của địa phương lồng ghép với các chính sách của trung ương nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều. 

Yên Bái đã tập trung lồng ghép, huy động các nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn khẳng định: Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã đặc biệt quan tâm đến công tác giảm nghèo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong công tác giảm nghèo. Mặc dù là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, song ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh Yên Bái đã quan tâm ban hành các nghị quyết, chính sách đặc thù của địa phương lồng ghép với các chính sách của trung ương nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều. 

Đặc biệt, tỉnh đã tập trung lồng ghép, huy động các nguồn từ các chương trình, dự án để thực hiện mục tiêu giảm nghèo; quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền vận động, tạo sự thay đổi trong nhận thức của các cấp chính quyền, người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số về giảm nghèo, khơi dậy ý chí tự giác, nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người nghèo, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. 

Trong việc triển khai thực hiện 3 CTMTQG giai đoạn 2021-2025, CTMTQG giảm nghèo được xác định là giải pháp quan trọng quyết định thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Năm 2023, việc thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực so với năm 2022. Tính đến 31/10/2023, toàn tỉnh đã giải ngân 260/485 tỷ đồng, đạt 54% so với tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình được giao của các năm 2022 và 2023. 

Từ nguồn vốn này, toàn tỉnh đã khởi công xây dựng 61 công trình cơ sở hạ tầng tại các huyện nghèo, duy tu bảo dưỡng 25 công trình hạ tầng khác, đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất cho 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, triển khai 27 mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và phát triển sản xuất cộng đồng; khởi công làm mới và sửa chữa 177 nhà ở cho hộ nghèo và hộ cận nghèo tại các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải… 

Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương còn tổ chức trên 33 lớp đào tạo nghề cho gần 1.000 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, triển khai 62 lớp tập huấn cho trên 5.000 lượt cán bộ giảm nghèo các cấp.

Nhờ đó, bước vào đầu giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 32,21%, cao thứ 6 so với cả nước. Sau 5 năm thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững, tỉnh Yên Bái đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4,76% (năm 2021), cải thiện 10 bậc so với đầu nhiệm kỳ (bình quân giảm 5,03%/năm), tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 7,66%/năm, cao hơn nhiều so với bình quân chung toàn tỉnh và cả nước. 

Hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 12,92%; ước năm 2023 giảm được 3,76%, hết năm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 9,16%. Điều kiện cơ sở hạ tầng, thu nhập và đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt tại các huyện nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh đã có sự cải thiện rõ nét.



Trước đó, đoàn đại biểu diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thành kính tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thành phố Lào Cai (ảnh trên).

Thu Trang

Tags Hội nghị toàn quốc sơ kết Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025

Các tin khác

Sáng 17/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.

Tổ đại biểu HĐND tỉnh, HĐND huyện Trấn Yên tiếp xúc cử tri các xã Kiên Thành, Quy Mông và Y Can trước kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2023.

Trong 2 ngày 16 và 17/11, tại xã Hưng Thịnh và xã Quy Mông, các đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu HĐND huyện Trấn Yên đã có cuộc tiếp xúc cử tri các xã Hồng Ca, Lương Thịnh, Hưng Khánh, Hưng Thịnh, Kiên Thành, Quy Mông và Y Can trước kỳ họp cuối năm 2023.

Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2023), sáng 17/11, đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đến chúc mừng cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đồng tình, nhất trí và Quốc hội cũng đồng tình chuyển sang kỳ họp gần nhất, chưa thông qua tại kỳ họp thứ 6 này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục