Về sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản liên quan đến thông báo đấu giá, đại biểu cho biết, thông báo đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Quốc gia về đấu giá tài sản, đảm bảo tính công khai, minh bạch và đã được thực hiện một cách thống nhất.
Những nội dung chủ yếu của Quy chế cuộc đấu giá đã có trong thông báo đấu giá, nên không cần thiết phải đăng Quy chế này lên Cổng thông tin điện tử Quốc gia về đấu giá tài sản.
"Khi khách hàng đến tham gia mua hồ sơ đấu giá thì đã được nhận Quy chế cuộc đấu giá kèm trong hồ sơ. Vì vậy, đề nghị bỏ nội dung điểm d cho phù hợp với điều kiện thực tế” - đại biểu nêu ý kiến.
Về sửa đổi, bổ sung Điều 35 (Khoản 9), đại biểu nêu thực trạng Tổ chức bán đấu giá có thể có những chi nhánh ở các địa phương khác nhau và các chi nhánh của tổ chức này là nơi thực hiện việc bán đấu giá tài sản. Do vậy, nếu chỉ quy định niêm yết ở trụ sở trong khi không niêm yết ở chi nhánh nơi thực hiện bán đấu giá sẽ không có ý nghĩa trong việc công bố và tiếp cận thông tin.
Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét sửa nội dung: "…niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, trụ sở của người có tài sản trong trường hợp người có tài sản là tổ chức” thành "niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở hoặc chi nhánh nơi thực hiện bán đấu giá tài sản của tổ chức bán đấu giá tài sản, trụ sở của người có tài sản…”.
Ngoài ra, đại biểu Huyền đề nghị xem xét, bổ sung việc niêm yết việc đấu giá tài sản tại UBND cấp xã nơi có bất động sản đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư.
Tham gia ý kiến sửa đổi, bổ sung Điều 36 (Khoản 10), đại biểu Huyền đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét lại quy định "Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản tổ chức cho người tham gia đấu giá xem tài sản trong khoảng thời gian liên tục ít nhất là 02 ngày kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá”.
"Tôi kiến nghị Ban soạn thảo nâng thời gian xem tài sản lên tối thiểu là 5 ngày làm việc, bởi thực tế qua khảo sát tại các địa phương cho thấy nếu quy định như dự thảo, thời gian xem tài sản là 2 ngày cùng với cách tính thời gian hành chính là 8 giờ/ngày thì thời gian xem tài sản chỉ có 16 giờ, tôi cho rằng quy định thời gian như vậy là chưa đảm bảo, không phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là với những tài sản lớn, tài sản có giá trị, thu hút được sự quan tâm của đông đảo người tham gia đấu giá” - đại biểu nói.
Đối với việc sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 38 (Khoản 12), đại biểu viện dẫn điểm b: Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về việc xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá theo quy trình đấu giá rút gọn. và tại điểm c quy định c: Bổ sung điểm e vào khoản 4 như sau:
e) Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; công ty mẹ, công ty con; các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của doanh nghiệp khi đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản”.
Đại biểu cho rằng việc quy định theo hướng liệt kê cụ thể các đối tượng như dự thảo là rất khó thực hiện, bởi lẽ khi tổ chức cuộc đấu giá, Tổ chức đấu giá không thể biết hết quan hệ gia đình trong số những người tham gia đấu giá đấu là cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột.
Trong thực tế, Tổ chức đấu giá cũng không có điều kiện để xác minh các thông tin nói trên. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại việc đưa nội dung quy định này trong dự thảo nhằm bảo đảm tính khả thi trong thực tế. Trường hợp giữ nguyên quy định trên trong dự thảo, thì đề nghị làm rõ nghĩa của cụm từ "có khả năng chi phối hoạt động”, bởi lẽ cụm từ này mang tính chất ước lệ, định tính, nên rất khó áp dụng quy định vào thực tế.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Luật Đấu giá tài sản năm 2016 vào dự thảo Luật. Cụ thể là: Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về việc bàn giao hồ sơ đấu giá cho người có tài sản đấu giá sau khi đấu giá thành tại Điều 54 Luật Đấu giá tài sản năm 2016. Bởi lẽ trong thực tế, có một số tài sản mang ra đấu giá có giá trị rất lớn như quyền sử dụng đất.
"Chính vì vậy cần phải quy định rõ quy trình bàn giao hồ sơ đấu giá cho người có tài sản sau khi thực hiện thành công cuộc đấu giá tài sản để phục vụ cho việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo sau đấu giá” - đại biểu nêu ý kiến.
Đối với quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 theo hướng nâng thời hạn lưu trữ hồ sơ đấu giá từ 05 năm lên 10 năm, việc này cũng nhằm bảo đảm phục vụ cho việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, các vấn đề phát sinh sau khi tổ chức bán đấu giá tài sản.
Hoàng Sâm - Quang Tuấn (lược ghi)